Kí ức khai giảng xưa: Xin được bộ sách cũ, dán nhãn ghi tên mình là thấy hạnh phúc vô biên

Không phải là những bài diễn văn dài lê thê, không có nhiều cờ hoa rực rỡ, ngày khai giảng trong kí ức đại tá, nhiếp ảnh gia Trần Hồng chỉ đơn giản là được nghe tiếng trống 'tùng, tùng, tùng', được gặp lại bạn bè sau 3 tháng hè xa cách.

Không khí vừa trang nghiêm vừa rộn ràng của lễ khai giảng xưa. Ảnh tư liệu

Chào đại tá, nhiếp ảnh gia Trần Hồng, ông có thể chia sẻ về lễ khai giảng ngày xưa – thời thế hệ ông đã trải qua?

- Năm 1957, tôi bắt đầu vào lớp 1. Ngày khai giảng của tôi khi đó như một cơ hội để giãi bày niềm vui, sau 3 tháng hè chơi thoải mái đến lúc gặp lại bạn bè rất háo hức. Ngày khai giảng đến trường, nghe “tùng, tùng, tùng” vài tiếng trống rất sung sướng. Cách làm khai giảng không cứng nhắc mà tạo nên sự thoải mái, từ phụ huynh tới giáo viên và học sinh đều rất vui vẻ và thú vị.

Đại tá, nhiếp ảnh gia Trần Hồng chia sẻ về kí ức khai giảng. Ảnh: Nguyễn Hà

Điều gì làm ông nhớ nhất về lễ khai giảng đầu tiên của cuộc đời mình?

- Điều sung sướng nhất của thế hệ chúng tôi khi ấy là trước ngày khai giảng 1 tuần, tôi xin được bộ sách giáo khoa của các anh chị lớp trên, mở bìa bọc cũ ra nhìn quyển sách vẫn nguyên vẹn, thơm tho.

Sau đó, tôi đi xin mấy tờ báo cũ, bọc lại những quyển sách này, dán vào đó nhãn vở đầu tiên của mình, tên của mình, trường của mình – vui sướng vô cùng. Thời đó, chúng tôi còn xin lại những chiếc cặp cũ của các anh chị đi trước để tung tăng đến trường.

Đêm trước ngày khai giảng, tôi thao thức đến mất ngủ bởi niềm vui, sự sung sướng, ngày mai được đến trường, được gặp bạn bè. Sáng ngày khai giảng, lũ bạn chúng tôi dắt nhau đi trên con đường làng những ngày tháng 9 đẹp nhất. Trường học của tôi khi đó cũng rất đơn sơ, giản dị, không có nhiều hoa cờ.

Nhiếp ảnh gia Trần Hồng chia sẻ với phóng viên về kí ức ngày khai giảng.

Nhưng điều mà tôi ấn tượng nhất chính là sự niềm nở của các thầy cô giáo, sự giao tiếp giữa thầy cô và học trò. Bao trùm và lan tỏa khắp lễ khai giảng chính là niềm vui, không đao to búa lớn, không nói gì nhiều mà chỉ có sự háo hức giữa hai bên là người dạy và người học.

Lễ khai giảng những ngày xưa chắc chắn còn nhiều thiếu thốn?

- Khi ấy, bàn ghế còn đơn sơ, xộc xệch. Quần áo cũng không có nhiều, ai có sao mặc vậy, thậm chí còn mặc quần cộc, áo vá đi học nhưng chúng tôi không hề có cảm giác thiếu thốn hay thiệt thòi, lúc nào cũng phơi phới niềm vui.

Đặc biệt hơn, điều ăn sâu vào tiềm thức của chúng tôi chính là tiếng trống trường, như một sự thôi thúc. Hồi đó, chúng tôi không đi học trước ngày khai giảng như bây giờ, mà thường bắt đầu học vào ngày mùng 3.9 hoặc 5.9.

Bài học đầu tiên của tôi là môn đạo đức với chủ đề "Nhà trường" và được học ngay sau lễ khai giảng.

Rất cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguyễn Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/ki-uc-khai-giang-xua-xin-duoc-bo-sach-cu-dan-nhan-ghi-ten-minh-la-thay-hanh-phuc-vo-bien-628316.ldo