Khuyến nông Uông Bí: Giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Những năm gần đây, từ những mô hình khuyến nông, nhiều nông dân Uông Bí đã đầu tư nhân rộng để sản xuất thành sản phẩm hàng hóa, mang lại giá trị cao. Hiện nay, trước yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc xây dựng và thực hiện các mô hình khuyến nông ngày càng được TP Uông Bí lấy làm một trong những giải pháp trọng tâm.

Hiện trung bình mỗi năm, TP Uông Bí dành từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng cho công tác khuyến nông. Năm 2020, kinh phí Uông Bí dành cho khuyến nông là 700 triệu đồng, thực hiện 4 mô hình liên quan đến phát triển đàn gà ri thuần, lúa TBR225 kháng bạc lá, tôm thẻ chân trắng và hoa cúc kim cương.

Mô hình gà ri vàng rơm được TP Uông Bí triển khai từ năm 2018 với tổng số 20 hộ dân tham gia, mỗi hộ 230 con giống gà thịt và gà sinh sản. Kết thúc dự án, ngoài 20 hộ dân nói trên, nhiều hộ dân khác đã nhân rộng giống gà này. Đến nay tổng đàn ga ri vàng rơm của Uông Bí ước đến vài ngàn con, có hộ đã đầu tư thiết bị ấp trứng hiện đại để cung ứng giống gà ri vàng rơm cho bà con nâng tổng đàn.

Mô hình gà ri vàng rơm được nuôi trong hộ dân phường Quang Trung, TP Uông Bí.

Mô hình gà ri vàng rơm được nuôi trong hộ dân phường Quang Trung, TP Uông Bí.

Mô hình giống lúa TBR225 kháng bạc lá và ĐT100 ngay từ khi triển khai điểm với diện tích 15ha tại khu Bí Trung 1 và Bí Thượng, phường Phương Đông đã đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chính bởi vậy nên đến nay bà con Phương Đông đã nhân rộng gieo cấy giống lúa này, trong vụ mùa vừa qua cho kết quả tốt, đảm bảo về năng suất, sản lượng, đồng thời chất lượng lúa, gạo nâng cao hơn do cây chống được bệnh bạc lá gây hại.

Cùng với các mô hình khuyến nông được nhân rộng, phát triển sau khi kết thúc dự án như gà ri vàng rơm và lúa TBR225, ĐT100… tại Uông Bí cũng có những mô hình khuyến nông sau khi hết chính sách hỗ trợ là không được triển khai tiếp tục.

Theo ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Uông Bí, điều này do bản chất của khuyến nông là có tính thử nghiệm, khảo nghiệm, làm điểm, nhằm đạt mục tiêu là qua đó khuyến khích người dân nhân rộng đối với các mô hình thành công, mang lại lợi ích kinh tế. Cùng với đó, công tác khuyến nông cũng thông qua việc triển khai mô hình cụ thể để đưa ra những quy trình kỹ thuật phù hợp thực tế sản xuất, từ đó khuyến cáo người dân áp dụng theo.

Ông Toàn nhận định, với đặc thù ấy, dù là được nhân rộng hay không được nhân rộng thì thực tế các mô hình khuyến nông đều mang lại lợi ích. Đó là việc nâng cao nhận thức của người dân về định hướng phát triển nông nghiệp tại địa phương; nhận thức về việc phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp; cập nhật những mô hình, kiến thức, kỹ năng canh tác nông nghiệp mới; cho người dân phương án để lựa chọn nhằm tìm ra mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp nhất với bản thân…

Cánh đồng lúa ĐT100 tại khu Bí Thượng (phường Phương Đông) phát triển tốt.

Thực tế đối với TP Uông Bí thời điểm này, thông qua các mô hình khuyến nông, người dân nhận thức rõ việc thành phố khuyến khích phát triển đối tượng cây trồng, vật nuôi gì; các khu vực quy hoạch phát triển nông nghiệp của thành phố; những chính sách thành phố thực thi dành cho phát triển nông nghiệp…

Đối với chính quyền TP Uông Bí, đây chính là những thông tin rất thiết thực về mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Uông Bí muốn người dân trên địa bàn nắm bắt, ngược lại đối với người dân thì đây cũng là cơ hội để họ tham gia vào guồng quay phát triển kinh tế nông nghiệp của thành phố.

Theo các đơn vị chuyên môn, hiện nay để công tác khuyến nông ngày càng hiệu quả cần phải có thêm nguồn lực cho hoạt động này. Nguồn lực ở đây không chỉ là giống, vốn cấp cho người dân, mà còn phải là đội ngũ nhân lực, những người làm công tác chuyên môn cũng như các cán bộ cơ sở.

Bên cạnh đó chính là những điều kiện về công tác quy hoạch, chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, những chính sách hỗ trợ được áp dụng một cách bền vững và phù hợp với thực tiễn đời sống của người dân. Trên hết đó là sự vào cuộc, tham gia các mô hình khuyến nông một cách nhiệt tình, trách nhiệm của người dân để phát triển kinh tế gia đình.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202010/khuyen-nong-uong-bi-giai-phap-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-2506910/