Khuyến nông Quảng Nam, đầu mối liên kết tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã làm tốt vai trò cầu nối liên kết, xúc tiến thương mại, tư vấn, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân theo hướng liên kết với doanh nghiệp.

Tổ hợp tác sản xuất măng tây an toàn Điện Dương (Điện Bàn), một mô hình liên kết thành công ở Quảng Nam.

Đẩy mạnh liên kết

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã chủ động làm việc và kết nối với trên 50 doanh nghiệp đã và đang triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn; tham mưu để tổ chức các buổi tham vấn doanh nghiệp; xây dựng modun hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên website của trung tâm.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Trung tâm đã hỗ trợ liên kết với 40 doanh nghiệp cho vùng sản xuất có diện tích 5.357ha, chủ yếu là liên kết sản xuất giống cây trồng như giống lúa thuần, hạt lúa lai F1, giống đậu xanh, ngô lai, lạc,... Trong đó, liên kết sản xuất lúa giống đạt 4.900ha, tập trung ở 7 huyện, thị xã (Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Núi Thành và Phú Ninh). Nhờ liên kết sản xuất, tại các địa phương trên đã hình thành những cánh đồng mẫu lớn. Các HTX, nhóm hộ nông dân sản xuất hạt giống liên kết với nhau, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất do các được doanh nghiệp bao tiêu 100% sản phẩm, lợi nhuận cũng vì thế tăng 25- 30%. Điển hình như Công ty CP Giống cây trồng miền Nam, Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình, Công ty Giống cây trồng Trung ương,...

Đối với cây rau đậu các loại, hàng năm Quảng Nam gieo trồng trên 13.000ha, tập trung ở các huyện, thị xã ven sông Thu Bồn, Vu Gia, Thăng Bình và một số vùng ven đô của TP.Hội An, Tam Kỳ. Tại nhiều địa phương đã có quy hoạch phát triển rau an toàn, rau VietGAP và hình thành các HTX, tổ hợp tác sản xuất rau. Việc có quy hoạch rõ ràng và liên kết trong sản xuất rau an toàn đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản ổn định, hình thành nên các mối liên kết bền vững.

Có thể kể đến một số mô hình như: Canh tác măng tây xanh an toàn tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, đã thành lập tổ hợp tác sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, sơ chế, đóng gói và liên kết tiêu thụ, cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, resort ở Hội An, Đà Nẵng cho thu nhập 900 triệu đồng/năm/ha. Vườn rau hữu cơ, làng rau sinh thái gắn với du lịch tại Hội An (làng rau Trà Quế) mang lại doanh thu trên 400 triệu đồng/ha; Công ty TNHH Thương mại & Xuất nhập khẩu Việt Thắng liên kết với các HTX trong sản xuất và bao tiêu các loại rau, ớt xuất khẩu đạt lợi nhuận 150 - 200 triệu đồng/ha/vụ. Công ty CP Việt Hoa Quảng Nam liên kết với thương lái, các cơ sở sản xuất thu mua và bao tiêu ớt xuất khẩu,...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, hình thức liên kết giữa các hộ chăn nuôi với nhau và giữa các hộ chăn nuôi với các doanh nghiệp đang hình thành và phát triển mạnh, bước đầu mang lại hiệu quả. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp nước ngoài thực hiện liên kết với người nuôi lợn thịt và gà thịt là Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty TNHH Thái Việt Agri Group. Hình thức liên kết của hai doanh nghiệp này với nông dân theo hình thức chăn nuôi gia công. Theo đó, người chăn nuôi tự đầu tư kinh phí, xây dựng chuồng trại, cơ sở hạ tầng; phía doanh nghiệp đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua lại sản phẩm. Hiện nay, có 61/130 trang trại chăn nuôi liên kết sản xuất với 2 doanh nghiệp này (trong đó có 48 trang trại chăn nuôi lợn và 13 trang trại chăn nuôi gà) và hình thành 11 tổ hợp tác, hợp tác xã, hội chăn nuôi gia cầm. Trong đó, có 5 cơ sở chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và 4 cơ sở (2 cơ sở nuôi lợn và 2 cơ sở nuôi gia cầm) được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản được thương lái thu mua và bán ra các chợ trên địa bàn tỉnh, các cơ sở thu mua thủy sản thu gom và cung cấp cho các công ty xuất khẩu thủy sản trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Công ty CP chăn nuôi C.P, Việt Úc, Uni President, Công ty TNHH Thủy sản Thăng Long... đã liên kết, hỗ trợ giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản; Công ty CP Thiết bị hàng hải MeCom, Công ty CP Điện tử hàng hải Fruno, Công ty TNHH Điện tử Viễn thông Hải Đăng,... liên kết, đầu tư trong khai thác hải sản.

Mặc dù bước đầu hình thành những liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản theo quy mô hàng hóa, có chất lượng tại Quảng Nam chưa nhiều do thiếu sự liên kết 4 nhà.

Một số giải pháp đẩy mạnh liên kết

Để đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích mối liên kết 4 nhà một cách thiết thực và chặt chẽ hơn. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên, nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp và nông dân trong thực hiện hợp đồng liên kết.

Bố trí nguồn ngân sách hằng năm để thực hiện các mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ, gắn với du lịch sinh thái, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững.

Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất, đầu tư trang thiết bị như: nhà kho, nhà sơ chế… Quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, quy mô cánh đồng lớn đối với cây trồng, con vật nuôi; quy hoạch các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt là công nghệ sinh học, vi sinh, giống mới, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ….

Các địa phương trong tỉnh Quảng Nam cần triển khai mạnh mẽ việc thực hiện hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách vận dụng, khai thác tốt các chính sách hiện có.

Phối hợp với các ngành liên quan như: Thương mại - Du lịch phát triển các loại hình du lịch mới (ngoài các loại hình hiện tại), tạo điều kiện cho người dân làng nghề tham gia phát triển kinh tế.

Hệ thống khuyến nông nhà nước từ Trung ương đến cơ sở làm cầu nối mời gọi và giúp đỡ doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản (thông qua nhóm hộ, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã), khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”.

Thực hiện tốt các mối liên kết này sẽ góp phần đáng kể trong việc thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Đài Lê

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/khuyen-nong-quang-nam-dau-moi-lien-ket-tieu-thu-nong-san-post4545.html