Khuyến nông năm 2020: Tạo vị thế mới, tiếp tục phát triển

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên phải) nghe báo cáo kết quả mô hình chè an toàn ở thị trấn Sông Cầu (Thái Nguyên). Ảnh: Trường Giang

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên phải) nghe báo cáo kết quả mô hình chè an toàn ở thị trấn Sông Cầu (Thái Nguyên). Ảnh: Trường Giang

Nỗ lực vượt khó

Năm 2019, ngành Nông nghiệp và PTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: dịch tả lợn châu Phi, bệnh khảm lá sắn, sâu keo mùa thu, hạn hán và xâm nhập mặn, thiên tai, lũ lụt, thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn,… Trong khi đó, hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp có nhiều thay đổi, xáo trộn khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn theo Nghị quyết 19-NQ/TW. Nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông còn hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu.

Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự ủng hộ, phối hợp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tập thể Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông cả nước đã nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Các chương trình, dự án, nhiệm vụ khuyến nông được triển khai đúng tiến độ và phát huy hiệu quả đối với sản xuất, được các địa phương và bà con nông dân đánh giá cao.

Trước yêu cầu của thực tiễn khách quan, trong thời gian tới, khuyến nông cần phải đổi mới cả về tổ chức, nội dung và phương pháp hoạt động. Cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận khuyến nông, từ khuyến nông giữ vai trò “hỗ trợ” sang khuyến nông giữ vai trò “kết nối” (kết nối giữa khoa học công nghệ và sản xuất, kết nối giữa sản xuất và thị trường). Phối hợp, lồng ghép các hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả hoạt động: từ mô hình tốt, cách làm hay kết hợp với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thông tin tuyên truyền để lan tỏa và nhân rộng ra sản xuất một cách bền vững.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trao tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc năm 2018 cho tập thể Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông trong thời đại công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Cán bộ khuyến nông cần được trang bị, bổ sung những kỹ năng mềm như: kỹ năng công nghệ thông tin, kiến thức về liên kết sản xuất, thị trường, hội nhập, biến đổi khí hậu,... Cần coi yếu tố “con người” là nhân tố quyết định đến sự thành công của việc đổi mới khuyến nông.

Một số nhiệm vụ trọng tâm

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, trong bối cảnh ngành Nông nghiệp và PTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về sản xuất, thị trường, hệ thống khuyến nông cả nước (trong đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đầu tàu) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng chống thiên tai, dịch bệnh để giúp cho ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng, tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành và Chương trình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.

Mô hình trồng đậu phụng vụ Hè trên đất lúa chuyển đổi tại xã Tây An (Tây Sơn - Bình Định). Ảnh: Văn Châu.

Trong năm 2019, hệ thống khuyến nông các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ mang tính hệ thống hơn và đã có những đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động theo chỉ đạo, định hướng của Bộ. Đối với những vấn đề nóng của ngành như thiên tai, dịch bệnh, hệ thống khuyến nông đã tích cực, chủ động vào cuộc ngay để hỗ trợ nông dân khôi phục và phát triển sản xuất, phát huy đúng tinh thần xung kích của khuyến nông.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh định hướng một số nhiệm vụ mà Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần tập trung thực hiện trong năm 2020:

Rà soát chức năng nhiệm vụ, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để đảm bảo năng lực là cơ quan đầu mối quản lý toàn bộ hoạt động khuyến nông. Trung tâm cần chuẩn bị tâm thế cũng như có phương pháp tiếp cận mới để đảm bảo hoàn thành tốt vai trò, vị thế của cơ quan khuyến nông trung ương, đầu tàu của hệ thống khuyến nông cả nước.

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ mô hình tốt, hiệu quả cao phát động thành phong trào để phổ biến, nhân rộng. Để thực hiện được, cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp theo hướng chuyên nghiệp và tăng cường mối quan hệ giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố để thống nhất từ công tác quản lý, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện.

Cần tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với các cục, vụ thuộc Bộ để công tác quản lý khuyến nông được liên thông, xuyên suốt. Đồng thời, cần phối hợp tốt với các viện, trường để chủ động tiếp nhận, cập nhật tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để chuyển giao vào sản xuất.

Tăng cường khai thác, huy động các nguồn lực thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, xã hội hóa, hợp tác công tư PPP trong hoạt động khuyến nông.

Mô hình nuôi gà cỏ lai do Trạm Khuyến nông huyện Anh Sơn (Nghệ An) triển khai mang lại hiệu quả cao.

Tập trung xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định số 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông để hướng dẫn một cách đầy đủ, toàn diện công tác khuyến nông. Nghiên cứu hình thành Quỹ Khuyến nông để hỗ trợ phát triển sản xuất. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các định mức kinh tế kỹ thuật về khuyến nông cho phù hợp với sự phát triển của sản xuất.

Với kết quả đạt được, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh hy vọng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tạo được vị thế mới, tiếp tục phát triển và có đóng góp quan trọng vào thành công chung của ngành Nông nghiệp và PTNT trong tương lai.

Bá Tiến

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/khuyen-nong-nam-2020-tao-vi-the-moi-tiep-tuc-phat-trien-post32800.html