Khuyến nông làm công nghệ cao ở Quảng Bình

Vài năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình chú trọng triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo đột phá cho tái cơ cấu ngành…

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có 26 cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, có 18 cơ sở trồng trọt, 3 cơ sở chăn nuôi, 3 cơ sở thủy sản, 2 cơ sở lâm nghiệp và chế biến gỗ.

 Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh Võ Trung Tuấn mang lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: N. Lan.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh Võ Trung Tuấn mang lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: N. Lan.

Tạo điểm nhấn mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Theo ông Trần Thanh Hải, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi được nhiều người quan tâm. Dù chỉ mới triển khai thực hiện nhưng Quảng Bình có tốc độ phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực, địa phương. “Từ những mô hình điểm ban đầu do trung tâm cùng các doanh nghiệp thực hiện, chỉ sau vài năm, phong trào phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã lan tỏa mạnh mẽ, tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh”- ông Hải cho hay.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, anh Võ Trung Tuấn (ở xã Quảng Hưng - Quảng Trạch), bắt tay vào thực hiện sản xuất các loại cây trồng, như dưa chuột, mướp đắng, dưa lưới và hoa dạ yến thảo. Toàn bộ quy trình sản xuất của anh Tuấn đều khép kín và tự động. Các khâu gieo hạt, ủ phân, thụ phấn và chăm sóc đều được anh ứng dụng và giám sát thông qua công nghệ.

“Với sự hỗ trợ của cán bộ trung tâm, tôi sử dụng dịch giun quế và ủ lên men chuối quả chín để tưới nên các loại cây trồng. Nhờ vậy mà sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao hơn so với cách sản xuất thông thường”- anh Tuấn chia sẻ thêm.

Từ những mô hình được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, hàng trăm mô hình ứng dụng các tích hợp công nghệ cao, như cơ giới hóa các khâu thu hoạch sơ chế, chế biến nông sản. Tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học. Áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ… tại các địa phương trong tỉnh.

Có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã đầu tư thực hiện các dự án có quy mô lớn, tỷ suất đầu tư cao, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. Điển hình như Công ty CP Thực phẩm xanh Đông Dương, Công ty TNHH Nông nghiệp cao nghệ cao Tuệ Lâm (TP Đồng Hới), Công ty TNHH MTV An Nông (huyện Bố Trạch)…

Ông Trần Thanh Hải nhìn nhận: “Đây được kỳ vọng sẽ là tiền đề tạo nên “luồng gió mới” đối với phong trào khởi nghiệp và phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới”.

Ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp của Quảng Bình. Ảnh: N.Lan

Ưu tiên phát triển công nghệ cao

Xác định khoa học công nghệ và công nghệ cao là xu thế tất yếu, cần thiết đối với phát triển sản xuất nông nghiệp và để tạo đà cho việc ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, thời gian qua, Quảng Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Từ nguồn chính sách nông nghiệp, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, mô hình liên kết sản xuất cây có múi gắn với tưới theo công nghệ Israel quy mô 4ha tại xã Kim Hóa (Tuyên Hóa). Triển khai 3 mô hình lắp đặt hệ thống tưới Israel trên cây có múi với quy mô 4ha tại huyện Lệ Thủy, 2ha tại huyện Tuyên Hóa và 2ha tại huyện Bố Trạch. Hỗ trợ xây dựng 6 nhà lưới và lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm cho mô hình sản xuất rau an toàn tại 6 huyện, thị xã, thành phố với quy mô diện tích gần 1.000m2/nhà lưới…”.

Thông qua các mô hình đã làm thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân. Nhiều địa phương đã phát triển mạnh về sản xuất công nghệ rau sạch, tạo thu nhập cao”- ông Hải nhìn nhận.

Với mục tiêu đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, Quảng Bình phấn đấu đến năm 2030 thực hiện diện tích ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt đạt ít nhất trên 550ha.

Trồng dưa lưới công nghệ cao ở Quảng Bình. Ảnh: Đ.N.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi sẽ tập trung hình thành các tổ hợp tác chăn nuôi theo hình thức khép kín từ khâu giống đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị… Trong đó, có sự tham gia khoảng 10 hộ, tổ hợp tác, 35 trang trại và 3 doanh nghiệp.

Lĩnh vực thủy sản phấn đấu có ít nhất trên 40ha nuôi cá nước ngọt, 50ha nuôi tôm trên cát và 30ha nuôi tôm trong nhà màng, nhà kính...

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo: Xem đây là giải pháp cơ bản để tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Nông nghiệp - PTNT Quảng Bình là tập trung tham mưu và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao...

“Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức kêu gọi, kết nối đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cho các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân”- ông Trần Phong nói thêm.

Tâm Phùng- V.Khánh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khuyen-nong-lam-cong-nghe-cao-o-quang-binh-d271874.html