Khuyến nông góp công lớn vào tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn mới

'Năm 2018, ngành nông nghiệp đã gặt hái nhiều kết quả to lớn, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của ngành' - đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh tại hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2018 và kế hoạch công tác năm 2019 vừa được TTKNQG tổ chức.

Nhiều đổi mới, kịp thời phục vụ sản xuất

Năm 2018, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh... Tuy nhiên, hoạt động khuyến nông dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ NNPTNT đã đạt được nhiều kết quả cao.

Cụ thể, năm 2018 TTKNQG được giao chủ trì 13 dự án và quản lý 15 dự án, tổng kinh phí 82,96 tỷ đồng, tăng 1,96 tỷ đồng so với năm 2017. Do tình hình dịch bệnh và yêu cầu sản xuất, Bộ NNPTNT đã giao bổ sung 3 nhiệm vụ đặc thù nhằm khắc phục dịch bệnh (khảm lá sắn), nâng cao chất lượng nông sản (cải tạo mẫu mã quả bưởi, na).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.

Đến hết tháng 12.2018, các dự án đều triển khai đảm bảo tiến độ, theo đúng nội dung thuyết minh được duyệt, đạt kết quả về quy mô, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng.

Theo báo cáo tại hội nghị, để nâng cao hiệu quả, tác động đối với sản xuất, năm 2018 các dự án khuyến nông T.Ư đã có những đổi mới như: Tập trung vào các đối tượng, sản phẩm chủ lực của ngành theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo đầu bờ để sơ kết, tổng kết, đánh giá, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình ra sản xuất đại trà; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất mới như: HTX, tổ hợp tác, CLB…

Đặc biệt là tổ chức liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; chăn nuôi theo hướng VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG cho biết, về hiệu quả, các dự án khuyến nông đều đem lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà tối thiểu là 15%. Với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và quy trình VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, đồng thời góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Để làm được điều này, những năm gần đây TTKNQG rất coi trọng việc đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ khuyến nông nguồn và khuyến nông cơ sở. Riêng năm 2018, trung tâm đã tổ chức 295 lớp tập huấn TOT cho 8.875 lượt học viên, trong đó: Tập huấn giảng viên quốc gia 6 lớp cho 240 học viên; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, chủ nhiệm dự án khuyến nông với 15 lớp cho 450 lượt học viên; Tập huấn TOT cho cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện, khuyến nông cơ sở và cộng tác viên khuyến nông, cán bộ HTX, cán bộ chương trình nông thôn mới (273 lớp cho 8.125 lượt học viên tham gia).

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trao danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho TTKNQG. Ảnh: T.T

Năm 2019, TTKNQG tiếp tục chủ trì triển khai 6 dự án khuyến nông giai đoạn 2017- 2019 với tổng kinh phí 24,8 tỷ đồng, tập trung vào các đối tượng, sản phẩm chủ lực của ngành theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường vai trò, sự tham gia của hệ thống khuyến nông các địa phương, phát triển các mô hình tổ chức theo chuỗi giá trị...

Trong hoạt động đào tạo, TTKNQG chú trọng xây dựng chương trình đào tạo cán bộ khuyến nông nguồn (giảng viên cấp quốc gia) có đủ năng lực về nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật chuyên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo mới, trở thành lực lượng chính đào tạo lại hệ thống khuyến nông viên cơ sở.

“Phương pháp đào tạo cũng ngày càng được đổi mới, cụ thể là ưu tiên sử dụng phương pháp lớp học nông dân hiện trường (FFS), dần thay thế phương pháp tập huấn lý thuyết trên lớp, phân chia bài giảng theo chu kỳ sinh trưởng cây trồng vật nuôi. Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu của học viên, tổ chức giảng dạy ngay trên đồng ruộng, học viên được thực hành, lập kế hoạch hành động sau khi học nên rất hiệu quả" - ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc TTKNQG cho hay.

Tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, trong năm vừa qua, TTKNQG đã có nhiều đổi mới, hệ thống khuyến nông tổ chức bài bản hơn, có chiều sâu hơn. Công tác tuyên truyền đã đi vào thực tiễn, giúp người dân nắm bắt nhanh tiến bộ kỹ thuật và tình hình dịch hại. Các hội nghị, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp bám sát thực tế sản xuất, sát sao với đời sống bà con nông dân, có hiệu quả ở mọi lĩnh vực như trông trọt, chăn nuôi, thủy sản...

Đặc biệt, trước tình trạng dịch bệnh khảm lá sắn hoành hành ở nhiều tỉnh, trung tâm đã quyết liệt, nhanh chóng đưa tin, hướng dẫn bà cong nông dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giúp giảm thiệt hại về kinh tế. "Thay mặt Bộ trưởng Bộ NNPTNT, tôi chúc mừng TTKNQG đã đạt được nhiều kết quả cao trong năm 2018 và mong năm 2019, trung tâm hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao” - Thứ trưởng nói.

Dự hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năm 2018, hệ thống khuyến nông đã có nhiều đóng góp cho ngành chăn nuôi nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung. Ông Dương cũng đề xuất, năm 2019, hệ thống khuyến nông cần tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân, từ đó tạo ra các chuỗi sản xuất hàng hóa lớn.

Ông Trần Văn Khởi cho biết, năm 2019, hoạt động khuyến nông sẽ có nhiều thay đổi và sẽ chuyển từng bước từ “chuyển giao kỹ thuật đơn lẻ” sang chuyển giao đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tổng hợp (bao gồm cả chuyển giao kỹ thuật, phương pháp tổ chức quản lý sản xuất và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm) theo mô hình liên kết chuỗi.

Thiên Hương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/khuyen-nong-gop-cong-lon-vao-tai-co-cau-nong-nghiep-nong-thon-moi-948533.html