Khuyến nghị tăng truyền thông về thịt mát và sử dụng sản phẩm có thương hiệu

Đóng góp ý kiến tại Diễn đàn 'Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019' vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện cho Masan Nutri-Science thuộc Tập đoàn Masan khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường truyền thông về tiêu chuẩn thịt mát, khuyến khích sử dụng sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng.

Meat Deli thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng ngay ngày đầu ra mắt. Nguồn: Internet.

Meat Deli thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng ngay ngày đầu ra mắt. Nguồn: Internet.

Meat Deli - thịt sạch từ trang trại đến tay người tiêu dùng

Đóng góp ý kiến tại Diễn đàn, đại diện Masan Nutri-Science cho rằng, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn sử dụng chủ yếu dạng thịt nóng ngay sau giết mổ do người tiêu dùng quan niệm thịt này là tươi ngon nhất.

Các chuyên gia đã nghiên cứu và chỉ ra rằng thịt nóng trong điều kiện khí hậu nước ta ẩn chứa nhiều nguy cơ do hoạt động của vi sinh vật không được kiểm soát chặt chẽ, nhất là phần lớn các lò mổ đều không đạt chuẩn, thịt sau giết mổ phải mất một khoảng 6 giờ trước khi đến tay người tiêu dùng.

Đây chính là thực trạng đầy rủi ro với người tiêu dùng Việt và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tiến vào lĩnh vực thịt mát, mang lại cho người dùng Việt một nguồn thịt ngon, an toàn và giá cả hợp lý.

Với khởi điểm là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong gần 5 năm qua Masan Nutri-Science đã khởi đầu thành công chuỗi giá trị Feed-Farm-Food (từ trang trại đến bàn ăn).

Sau khi ghi dấu ấn trên thị trường thức ăn chăn nuôi, Masan tiến thêm một bước bằng dự án trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao ở Nghệ An. Khởi công xây dựng từ năm 2016, đây chính là trang trại nuôi lợn công nghệ cao đầu tiên của cả nước đạt tiêu chuẩn Global GAP.

Trang trại với hai phân khu có tổng diện tích 200 ha và vốn đầu tư lên tới 1.400 tỷ đồng, có khả năng cung cấp cho thị trường 250.000 heo mỗi năm. Trong tương lai, Masan sẽ làm việc chặt chẽ với các hộ chăn nuôi nhỏ bé nhằm nhân rộng mô hình chăn nuôi kiểu mẫu của trang trại kỹ thuật cao tại Nghệ An cho các hộ chăn nuôi có quy mô, kỹ thuật chăn nuôi tốt, sẵn sàng theo quy chuẩn của Masan.

Mô hình này sẽ cho phép cung cấp nguồn heo hơi ổn định, đảm bảo chất lượng và không sử dụng chất cấm cho Tổ hợp chế biến Thịt Meat Việt Nam (Meat Deli).

Khởi công từ tháng 2/2018 và chính thức khánh thành đi vào hoạt động từ tháng 12/2018, tổ hợp này có mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, công suất thiết kế là 1.400.000 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn/năm.

Với công nghệ thịt mát từ châu Âu, được các chuyên gia châu Âu giàu kinh nghiệm trực tiếp vận hành và kiểm soát, Meat Deli được xử lý làm mát và đóng gói bằng công nghệ Oxy-Fresh ngay tại nhà máy, vận chuyển, bảo quản xuyên suốt ở điều kiện nhiệt độ từ 0-4 độ C, vừa ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập, vừa đảm bảo vệ sinh và giữ được vị ngon tự nhiên của thịt. Thịt sau khi được áp dụng công nghệ đã được nâng lên một tầm cao mới, người tiêu dùng có cơ sở để an tâm về sự lựa chọn thịt sạch. Sản phẩm thịt mát Meat Deli của Masan đã bán ra thị trường cuối năm ngoái và được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tốt cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Sản phẩm thịt mát Meat Deli của Masan. Nguồn: Internet.

Thách thức từ đầu ra

Với các hiệp định thương mại đã được ký kết, đặc biệt là sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, ngành chăn nuôi của Việt Nam đang được xxem là có nhiều yếu thế. Để củng cố ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi lợn, không còn cách nào khác là phải tập trung cải thiện đối với hai khâu yếu nhất là chế biến và phân phối lưu thông.

Đại diện cho Masan Nutri-Science cho rằng các sản phẩm nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, thách thức hiện tại là đầu ra.

Bản thân Masan Nutri-Science gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Đó là sản phẩm thịt mát cần có một hệ thống làm mát đúng tiêu chuẩn và phải quản lý kiểm soát nghiêm ngặt nhiệt độ định kỳ nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Điều này khiến việc phân phối hàng đến từ điểm bán hoặc mở thêm nhiều điểm bán mới không dễ dàng như các sản phẩm tiêu dùng thông thường khác.

Đại diện cho Masan Nutri-Science kiến nghị và mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức người chăn nuôi về đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong giai đoạn có dịch tả châu Phi hoặc lở mồm long móng như hiện nay.

Cùng với đó là xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất cấm; tăng cường phối hợp với các cơ quan ban ngành kiểm soát các lò giết mổ trái phép, không đạt chuẩn.

Đặc biệt là tăng cường truyền thông về tiêu chuẩn thịt mát, khuyến khích sử dụng sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng.

Minh Nhật

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/khuyen-nghi-tang-truyen-thong-ve-thit-mat-va-su-dung-san-pham-co-thuong-hieu-4837.html