Khuyến khích xe cá nhân lắp camera hành trình thay vì bắt buộc
Tại phiên họp tổ sáng 10.11, các ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nên khuyến khích xe ô tô cá nhân lắp thiết bị giám sát hành trình thay vì bắt buộc.
Vừa mất riêng tư, vừa tốn chi phí
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định (điểm c, khoản 1, Điều 33).

ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) góp ý kiến. Ảnh:Hạnh Nhung
ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định này vì việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.
"Chỉ nên tập trung vào một số loại hình phương tiện, đặc biệt là các phương tiện giao thông vận tải, kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, pháp luật hiện hành chỉ mới quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (gồm cả lái xe) phải lắp camera. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc để đảm bảo tính khả thi của điều Luật này", ĐBQH Đoàn Thị Hảo đề xuất.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng nên khuyến khích chủ xe ô tô cá nhân lắp camera hành trình thay vì bắt buộc. Ảnh: Hạnh Nhung
Cùng quan điểm, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, việc quy định bắt buộc xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình "sẽ làm mất quyền riêng tư của người điều khiển xe cũng như người ngồi trong xe".
Bên cạnh đó, khi bắt buộc như vậy, người sử dụng xe cũng sẽ mất thêm một khoản tài chính để lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc việc khuyến khích người dân sử dụng xe ô tô cá nhân lắp camera hành trình chứ không nên bắt buộc. Chỉ nên bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với xe vận chuyển hành khách, xe kinh doanh vận tải nhằm ngăn chặn các hành vi chèn ép khách hàng.
Quy định chặt chẽ hơn với xe ô tô đưa đón học sinh
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bổ sung quy định về xe đưa đón học sinh.
Theo đó, hoạt động này có thể do cơ sở giáo dục đào tạo tự tổ chức, phải đáp ứng các quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải.
Xe ô tô đưa đón học sinh phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện.
Lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách.
Cơ sở giáo dục, đào tạo tự tổ chức hoạt động vận tải đưa đón học sinh và đơn vị kinh doanh vận tải đưa đón học sinh phải bồi thường thiệt hại gây ra cho hành khách trong quá trình vận tải theo quy định của pháp luật.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: Hạnh Nhung
ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, quy định xe đưa đón học sinh là nội dung rất mới, rất nhân văn, thể hiện chủ trương bảo vệ trẻ em mọi lúc mọi nơi.
Đồng tình bổ sung quy định về xe đưa đón học sinh vào dự thảo Luật, song đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị xem xét cơ sở pháp lý quy định niên hạn sử dụng của xe đưa đón học sinh không quá 15 năm; rà soát quy định trên xe đưa đón học sinh có 24 em học sinh phải bố trí 2 người quản lý, thêm lái xe là 3 người để điều chỉnh cho phù hợp, không cần thiết phải quá nhiều người.

Theo ĐBQH Hoàng Văn Liên (Long An), học sinh là đối tượng đặc biệt, được cả xã hội quan tâm và phải đảm bảo tuyệt đối cho các cháu đi học từ mẫu giáo đến học sinh trung học. Ảnh: Hạnh Nhung
Theo ĐBQH Hoàng Văn Liên (Long An), học sinh là đối tượng đặc biệt, được cả xã hội quan tâm và phải đảm bảo tuyệt đối cho các em khi đi học. Do đó, những quy định trong Luật cần bảo đảm chặt chẽ hơn đối với xe ô tô đưa đón học sinh.
Cụ thể, nên có màu sắc xe hoặc phải có công cụ nhận diện xe để người tham gia giao thông biết được đó là xe đưa đón học sinh. Việc này nhiều nước đã làm và làm lâu, Việt Nam đi sau đề nghị nên nghiên cứu thêm phương tiện công cụ xe.
Bên cạnh đó, nơi đón trả học sinh, chính quyền địa phương phải thiết kế thuận lợi, an toàn. Trong xe phải lắp đặt thiết bị camera hành trình, các thiết bị kỹ thuật bảo đảm cho các cháu an toàn. Cân nhắc nâng lên 5 năm kinh nghiệm trở lên đối với lái xe đưa đón học sinh...