Khuyến khích xã hội hóa nguồn lực phục vụ phổ biến giáo dục pháp luật

Mặc dù đã có nhiều văn bản quy định vấn đề kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tuy nhiên hiện nay, đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng cân đối được ngân sách thì việc bố trí kinh phí là vô cùng khó khăn.

Ảnh minh họa

Theo quy định tại điều 39 Luật PBGDPL, kinh phí PBGDPL của các cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Ngân sách TƯ hỗ trợ kinh phí PBGDPL cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách.

Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ PBGDPL của năm sau, cơ quan, tổ chức xây dựng dự toán kinh phí PBGDPL và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách nhà nước của cấp mình trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Luật PBGDPL cũng quy định, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động PBGDPL theo quy định của pháp luật.

Mặc dù Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định rõ về cơ chế tài chính để triển khai công tác PBGDPL đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách như vậy nhưng theo Bộ Tư pháp, đến thời điểm hiện tại, quy định trên là rất khó khả thi trong thực tế.

Một trong những lý do để các tỉnh chưa dành nhiều sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực cho công tác PBGDPL trước hết phải kể đến là nguồn ngân sách eo hẹp. Tiếp đến là do nhận thức của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Nhiều nơi cho rằng, việc PBGDPL không cần kíp như thức ăn, nước uống hàng ngày nên chưa cần thiết phải đầu tư ngay.

Một số ít nơi, ngành Tư pháp thiếu quyết liệt trong công tác tham mưu, chưa chủ động cho chính quyền địa phương thấy rõ vai trò của PBGDPL trong đời sống... Bên cạnh đó, có địa phương còn phản ánh, quy định về vấn đề kinh phí cho PBGDPL theo Luật chưa thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Luật Ngân sách nhà nước quy định về nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách đã xác định nguyên tắc: “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm”.

Để khắc phục tình trạng này, hàng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương, trong đó có các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách tự bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL trong phạm vi ngân sách được Trung ương giao.

Thông tư số 132/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 tại điểm b khoản 2 Điều 3 quy định: “Căn cứ dự toán chi ngân sách được giao năm 2018, các tỉnh, TP trực thuộc TƯ chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác PBGDPL theo Luật PBGDPL; công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở”.

Xuất phát thực tế triển khai Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành nêu trên, trong chỉ đạo, hướng dẫn, Bộ Tư pháp luôn đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm bảo đảm kinh phí, nguồn lực để triển khai nhiệm vụ PBGDPL. Do đó, đề nghị các địa phương chủ động tham mưu, lập dự toán, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi ngân sách của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan Tư pháp các cấp phát huy vai trò đầu mối, chủ trì tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo, điều phối các hoạt động và kinh phí thực hiện Chương trình, các Đề án về PBGDPL tại địa phương để lồng ghép, tiết kiệm, tránh tình trạng dàn trải, lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước trong công tác PBGDPL tại cùng một địa bàn, lĩnh vực, đối tượng cụ thể.

Về lâu dài, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với bộ, ngành, đoàn thể đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành luật, pháp lệnh để có được nguồn lực bảo đảm cho công tác này; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, điều chỉnh các quy định về lĩnh vực công tác này đảm bảo tính khả thi, phù hợp, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác này trong tình hình mới, trong đó có nghiên cứu đề xuất về việc quy định định mức PBGPDL ở địa phương nếu hợp lý.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị các cơ quan Tư pháp, tổ chức pháp chế tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL; tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với công tác PBGDPL; có giải pháp lồng ghép các hoạt động để khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; khuyến khích, huy động các nguồn lực theo tinh thần xã hội hóa để công tác PBGDPL thực sự là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Thanh Nhàn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/huy-dong-nguon-luc-phuc-vu-pho-bien-giao-duc-phap-luat-theo-tinh-than-xa-hoi-hoa-410917.html