Khuyến khích phương thức tự thỏa thuận trong giải quyết tranh chấp ranh đất

Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

Luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa tư vấn vấn đề tranh chấp đất đai cho người dân. Ảnh: Đoàn Phú

Luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa tư vấn vấn đề tranh chấp đất đai cho người dân. Ảnh: Đoàn Phú

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho biết, có nhiều lý do khác nhau dẫn tới tranh chấp mốc ranh giới đất giữa các hộ liền kề. Khi phát sinh tranh chấp đôi bên cũng có cách ứng xử khác nhau nhằm tìm phương án giải quyết có lợi cho mình hoặc hài hòa lợi ích chung thông qua thỏa thuận hay nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp.

* Mất tình nghĩa vì tranh chấp ranh đất

Những ngày cuối năm 2020, vấn đề tranh chấp ranh đất giữa bà Đ.T.D. và bà V.T.M., cùng ngụ P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) trở nên gay gắt hơn khi bà M. tiến hành xây tường rào bít lối đi của bà D. Theo lý lẽ của bà M., đất của bà được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì bà có quyền xây dựng. Còn bà D. thì cho rằng, lối đi này là của chung và là lối đi duy nhất của gia đình bà nên việc chiếm dụng lối đi chung làm của riêng của bà M. là trái pháp luật. Chính vì cả hai không tìm được tiếng nói chung nên vụ việc kéo dài 16 năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng tới tình làng nghĩa xóm.

“Thật là phi lý khi bà M. được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cả phần diện tích đi chung của nhiều hộ gia đình, trong đó có hộ nhà tôi. Cho nên, tôi quyết không nhượng bộ nếu bà M. không chịu phá tường rào, trả lại phần lối đi chung cho mọi người”- bà D. cho biết.

Hay như trường hợp giữa 2 ông T.D.V. và T.L.N., cùng ngụ xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) tranh chấp nhau ranh giới 2 khu đất liền kề. Sự tranh chấp đó dù được tòa án thụ lý giải quyết xong nhưng gia đình hai bên vẫn không thể hàn gắn mối quan hệ tình làng nghĩa xóm như xưa.

Luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa bày tỏ, một khi tranh chấp xảy ra mà đôi bên không tự thỏa thuận được cách thức giải quyết thì có quyền nhờ pháp luật can thiệp. Khi đó, lý lẽ của đôi bên phải được chứng minh bằng những chứng cứ hợp pháp, thuyết phục. Do đó, mọi người cần bình tĩnh, cân nhắc chọn phương thức giải quyết hợp tình, đúng pháp luật, hạn chế để tình trạnh tranh chấp diễn biến xấu thêm như: mất đoàn kết, đánh nhau, gây mất an ninh trật tự…

* Tốt nhất nên tự thỏa thuận

Luật sư Nguyễn Đức cho biết thêm, tranh chấp ranh giới đất nói riêng và tranh chấp đất đai nói chung là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Theo quy định của pháp luật, khi các bên không tự thỏa thuận, giải quyết được thì yêu cầu UBND xã, phường hòa giải. Nếu chính quyền địa phương hòa giải không thành thì người dân khởi kiện ra tòa án.

Điều 203, Luật đất đai năm 2013 quy định, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã không thành mà đương sự có giấy chứng nhận QSDĐ hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại TAND có thẩm quyền.

Luật sư Nguyễn Đức chia sẻ: “Việc giải quyết tranh chấp đất đai của UBND cấp có thẩm quyền, tòa án đều dựa trên nguyên tắc chứng cứ, hài hòa lợi ích của các bên. Phương thức giải quyết tại tòa án vừa tốn kém thời gian, tiền bạc và tất yếu có kẻ thắng người thua nên tình cảm, mối đoàn kết dễ bị tan vỡ. Do đó, pháp luật luôn khuyến khích các bên tự thỏa thuận khi phát sinh tranh chấp tại cộng đồng hoặc UBND xã”.

Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được các địa phương chú trọng. Nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn tại cộng đồng khu dân cư được hòa giải thành. Các bên tự thỏa thuận cách giải quyết tranh chấp, giữ được tình làng nghĩa xóm. Cụ thể như, với quan điểm lấy tình cảm xóm giềng làm trọng, 2 ông T.V.N. và L.C.K., cùng ngụ xã Phú Tân (H.Định Quán) tự thỏa thuận đo chỉnh lại ranh giới đất giữa 2 gia đình mà không tiếp tục khiếu nại. “Đất ngày càng có giá trị nhưng tình nghĩa xóm giềng quý hơn nên tôi chọn phương án đôi bên tự thỏa thuận. Còn nếu đưa vụ việc ra tòa vừa tốn kém thời gian, tiền bạc vừa mất tình làng nghĩa xóm” - ông N. bày tỏ.

“Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai, trong đó có tranh chấp ranh giới, mốc giới tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở. Nếu các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Nếu không hòa giải được nữa thì có thể gửi đơn khởi kiện lên TAND cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp” - luật sư Nguyễn Đức cho biết.

Theo luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa, giải pháp nhằm hạn chế việc tranh chấp đất đai nói chung và ranh giới mốc nói riêng trong dân là tăng cường tuyên truyền các chính sách pháp luật về đất đai, công tác đăng ký đất đai, công tác hòa giải cơ sở khi phát sinh tranh chấp. Đồng thời, trong quá trình thụ lý giải quyết, cơ quan chức năng sớm có giải pháp thụ lý giải quyết dứt điểm, công tâm, đúng pháp luật ngay từ giai đoạn phát sinh tranh chấp, không để vụ việc kéo dài.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202101/khuyen-khich-phuong-thuc-tu-thoa-thuan-trong-giai-quyet-tranh-chap-ranh-dat-3040054/