Khuyến khích nuôi thủy sản trên biển để giảm khai thác ven bờ

Mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp đã thành công, mở ra triển vọng mới cho nuôi cá biển ở Việt Nam.

Trang trại trình diễn nuôi cá biển quy mô công nghiệp của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, đóng tại Vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Trang trại được thành lập từ giữa năm 2013 với hơn 100.000 m2 mặt biển. Trang trại này được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng công nghệ lồng bằng nhựa HDPE của Na Uy.

Trang trại có 20 lồng nuôi, mỗi lồng chu vi 60m, thể tích 2.400 m3, nuôi cá chim vây vàng thương phẩm và 22 lồng nhựa HDPE vuông kích thước nhỏ hơn để lưu giữ cá bố mẹ, ương cá giống.

Đến nay, trang trại đã hoạt động ổn định, sản lượng hằng năm khoảng 200 tấn, cá có trọng lượng từ 0,5 -1 kg. Một nửa số cá thương phẩm được tiêu thụ nội địa, số còn lại cho xuất khẩu. Quy trình nuôi công nghiệp không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, tỷ lệ hao hụt thấp.

Cá chim được nuôi bằng lồng HDPE trên vịnh Vân Phong.

Cá chim được nuôi bằng lồng HDPE trên vịnh Vân Phong.

“So với đối tượng nuôi khác thì con cá chim rất là có tiềm năng, có khả năng nuôi công nghiệp rất là cao. Có khả năng chống chịu được một số loại bệnh thông thường. Hầu như không phải sử dụng thuốc và hóa chất, nên con cá được nuôi là con cá rất sạch. Trên thị trường rất phổ biến đối với con cá chim này” - anh Phạm Đức Phương, phụ trách trang trại nói.

Cá chim được nuôi trên Vịnh Vân Phong trong các lồng nuôi bằng nhựa HDPE, có thể chịu được bão, gió mạnh, an toàn với môi trường. Không chỉ làm chủ các công nghệ sản xuất giống, phối trộn thức ăn, nuôi cá thương phẩm, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, còn làm chủ công nghệ sản xuất, lắp ráp lồng nhựa nên chi phí đầu tư giảm hơn nửa so với ngoại nhập. Mỗi lồng có tuổi thọ đến 50 năm, giá khoảng 500 triệu đồng.

PGS TS Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho biết: “Viện đã nghiên cứu các công nghệ phụ trợ từ con giống, thức ăn, công nghệ lắp đặt lồng, công nghệ nuôi lồng. Và thậm chí cả công nghệ thu hoạch để đảm bảo thế nào giảm thiểu stress con vật. Chúng tôi đã hoàn thiện được quy trình đấy và sẵn sàng nhân rộng ra toàn quốc. Quy trình này hoàn toàn không khó”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra mô hình nuôi cá chim với quy mô công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa dẫn đầu Đoàn công tác đến kiểm tra thực tế tại vịnh Vân Phong. Để ngành thủy sản phát triển bền vững, giảm dần khai thác ven bờ thì nuôi cá biển là hướng đi cần đặc biệt chú ý. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho các trung tâm, các Viện nghiên cứu lớn chuẩn bị từ công tác giống, thức ăn cho đến quy trình nuôi.

“Chúng ta phải tổ chức nuôi xa, đây là một hướng tiềm năng còn rất lớn. Để chuẩn bị cho chiến lược này, Bộ đã giao cho các Trung tâm, các Viện nghiên cứu lớn, chuẩn bị các bước. Kết quả rất là khả quan, mở ra triển vọng cho đối tượng nuôi biển, cụ thể như con cá chim vây vàng. Ngoài ra, chúng ta cũng đang tập trung nhiều đối tượng khác, kể cả về thủy sản, tảo, rong biển. Tới đây, điều này sẽ được cụ thể hóa bằng các đề án cụ thể” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói./.

Thái Bình /VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/khuyen-khich-nuoi-thuy-san-tren-bien-de-giam-khai-thac-ven-bo-932706.vov