Khuyến khích người tín nhiệm thấp từ chức

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ được hiệu quả; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành nhiệm vụ, không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác ĐBQH, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy nói như vậy trong cuộc trả lời PV NNVN nhân Kỳ họp thứ 6 Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội.

Ông Trần Văn Túy (giữa). Ảnh: Báo Thanh Niên

Đề cao cảnh báo, nhắc nhở

Đây là lần thứ 3 tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Vậy đâu là điểm mới trong đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này, thưa ông?

Theo quy định tại điều 18 của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Còn 2 chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 này, theo quy định sẽ không lấy phiếu tín nhiệm vì thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng. Cụ thể 2 chức danh là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Một điểm mới nữa trong lấy phiếu tín nhiệm lần này là người được lấy phiếu phải báo cáo về việc tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ theo Nghị quyết TƯ 4. Ngoài ra, người được lấy phiếu phải báo cáo về việc tự đánh giá, kiểm điểm về thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Nghị quyết 85/2014/QH13 cũng quy định, trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.

Thưa ông, hai lần trước, sau khi công bố kết quả, nhiều ĐBQH cũng như cử tri bày tỏ băn khoăn. Với cách làm vừa rồi thì dù có lấy phiếu mấy lần cũng khó có chức danh nào bị rơi vào diện “nguy hiểm”. ĐB đề nghị chỉ nên áp dụng hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Theo ông, lấy phiếu lần này có khắc phục được băn khoăn trên không?

Trước hết là dựa trên nền kết quả chung của tình hình phát triển KT - XH, AN - QP của đất nước, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và công tác phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh và có hiệu quả rõ rệt để nhìn nhận, đánh giá tổng thể các hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và của từng chức danh lãnh đạo. Cụ thể nhất là căn cứ vào chuyển biến của từng lĩnh vực mà người đó phụ trách.

Kênh tiếp theo là từng ĐBQH cũng đều theo dõi hoạt động của những người thuộc diện lấy phiếu trong cả nhiệm kỳ, các ĐBQH nhớ từng câu nói, từng việc làm và giám sát rất chặt chẽ. Bên cạnh đó các ĐBQH còn theo dõi qua các tài liệu của các cuộc giám sát cũng như tự thân các ĐBQH thực hiện chức năng giám sát.

Đồng thời, qua kênh tiếp xúc cử tri, nếu có các vụ việc nổi lên, ĐBQH sẽ căn cứ vào đó để suy nghĩ, phân tích, sàng lọc. Những thông tin phản ánh trên báo chí cũng là cơ sở để ĐBQH đọc và tham khảo để đưa ra quyết định.

Chúng ta có rất nhiều kênh nhưng định hướng chung là ĐBQH phải có trách nhiệm sàng lọc đánh giá thông tin khách quan, công tâm, công bằng để lá phiếu của mình thể hiện đúng thực chất hiệu quả công việc của người được lấy phiếu, đáp ứng được kỳ vọng của Quốc hội, của cử tri cả nước.

Đối với hai lĩnh vực quan trọng nhưng thông tin thường bị giới hạn khi phản ánh cũng như tiếp cận là Ngoại giao và Quốc phòng. Đây có phải là hai lĩnh vực mà Quốc hội còn “đứng ngoài xa” không thưa ông?

Không hẳn như vậy. Quá trình vận hành của QH từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 3 năm không có lĩnh vực nào là không thể hiện ra bên ngoài. Không thể không bộc lộ những nghệ thuật ngoại giao ra ngoài nhưng qua những thành tựu nổi bật của đất nước khi Quốc gia tổ chức thành công nhiều sự kiện Quốc tế tiêu biểu, quy tụ những nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới đến Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều chuyến thăm cấp Nhà nước đến các quốc gia trên thế giới được đón tiếp trọng thị ở mức cao nhất. Điều đó khẳng định tính đúng đắn chính sách đối ngoại và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ quyền quốc gia được giữ vững, QPAN được đảm bảo, vị thế quốc gia trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Cử tri và ĐB thấu hiểu thực tế đó và ghi nhận. Vì lẽ đó, tôi khẳng định, lĩnh vực nào của đất nước cũng quan trọng nên Quốc hội hoàn toàn không “đứng ngoài xa”.

Việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm là khác nhau. Lấy phiếu có tính chất nhân văn, cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe để người được lấy phiếu sau đó nhìn nhận lại những việc mình đã và đang làm để tiếp theo làm cho tốt, trách nhiệm cao lên. Đây chính là cơ hội tốt nhất để khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, như Tổng Bí thư đã nói: đây là việc làm vừa động viên, vừa cảnh tỉnh nhắc nhở.

Ủng hộ người có tư duy đột phá

Có ý kiến đề xuất không nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đồng loạt mà khi nào có vấn đề thì tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với tư lệnh ngành quản lý lĩnh vực đó. Vì làm như hiện nay dễ bị nhàm, bỏ phiếu trở nên hình thức. Theo ông QH nên làm như thế nào để cử tri không cảm thấy nhàm và hình thức?

Trên cơ sở Bộ Chính trị, Ban Bí thư các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát để hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, đúng quy định, dân chủ, khách quan, công tâm, thực chất, đạt mục đích, yêu cầu đặt ra, không hình thức, duy tình.

Đặc biệt, nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh việc vận động, lôi kéo hoặc có hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Tiếp đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Trường hợp cần thiết thì đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Các ĐB cũng phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm thay mặt cử tri, thay mặt nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với người được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Thưa ông, những người xả thân vì công việc thì có thể có khuyết điểm này, khuyết điểm kia, nhưng những người đó mới là xã tắc cần và nhất là trong lúc đất nước còn khó khăn. Cá nhân ông sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cao cho những ai?

Trước hết, người được lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị báo cáo một cách trung thực, khách quan, những kết quả, thành tựu trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Trong đó, có việc thực hiện công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, đồng thời phải trả lời nghiêm túc, đầy đủ, trung thực những vấn đề mà ĐB nêu.

Tôi cho rằng, các chức danh được lấy phiếu đều đặt chung trong hoàn cảnh điều kiện KT - XH của đất nước và đòi hỏi của nhân dân ngày càng cao. Cử tri đòi hỏi các tư lệnh phải quyết liệt, trách nhiệm, tạo đột phá. Rõ ràng, khi yêu cầu ngày càng cao thì nó bao gồm tuân thủ hai nguyên tắc: giữ đúng kỷ cương, kỷ luật nhà nước và đề cao tính chủ động, sáng tạo, đột phá. Tôi cũng như cử tri, sẵn sàng chia sẻ với các tư lệnh đâu là sai sót trong vận hành để phân loại ra sai sót đó có động cơ vì nước vì dân hay vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Cá nhân tôi sẽ ủng hộ những người dám làm, có tư duy đột phá để phát triển và dám chịu trách nhiệm.

Ông kỳ vọng gì ở lần lấy phiếu tín nhiệm này?

Tôi tin rằng với tinh thần đổi mới, công tác lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong năm 2018 sẽ tạo thêm kênh thông tin quan trọng để mỗi người được lấy phiếu có thể nhìn nhận những ưu, khuyết điểm của mình tốt hơn, cử tri sẽ tin tưởng hơn vào hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội trong lĩnh vực này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo chương trình Kỳ họp, chiều nay (24/10), Quốc hội sẽ tiến hành các bước lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Danh sách 48 chức danh được lấy phiếu sẽ được công bố cụ thể, sau đó ĐBQH sẽ tiến hành thảo luận tại đoàn. Đến sáng 25/10, Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Cơ quan truyền thông, báo chí cũng đã có những đóng góp tích cực trong các lần lấy phiếu trước đây.

VĂN HÙNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khuyen-khich-nguoi-tin-nhiem-thap-tu-chuc-post229322.html