Khuyến khích người dân ở mọi lứa tuổi tham gia học sơ cấp cứu

Ngày 14-9, tại Đà Nẵng, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2019.

Lễ kỷ niệm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng và tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong các tình huống khẩn cấp; khuyến khích người dân ở mọi lứa tuổi tham gia học sơ cấp cứu; đồng thời huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội và cộng đồng trong truyền thông phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông.

 Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Chủ đề của Ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2019 là “Sơ cấp cứu cho những người dễ bị tổn thương”, với các thông điệp chính: “Sơ cấp cứu là một hành động nhân đạo” “Sơ cấp cứu, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tiếp tục củng cố và phát triển mô hình Trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tại các điểm đen về tai nạn giao thông; xây dựng mô hình “đội lái xe an toàn” thông qua đào tạo, phổ biến kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho các lái xe, tình nguyện viên và người dân tại cộng đồng để sẵn sàng tham gia sơ cứu trong các trường hợp cần thiết; cung cấp dịch vụ huấn luyện sơ cấp cứu cho người lao động tại các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải, giáo viên, học sinh, sinh viên trong trường học và người dân tại cộng đồng; phối hợp với các ngành chức năng, đối tác để tăng cường các hoạt động truyền thông phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông.

Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích cao trên thế giới. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế, năm 2018 cả nước có 1.226.704 trường hợp mắc tai nạn thương tích, trong đó có 9.745 trường hợp tử vong, chiếm tỷ lệ 0,73% so với tổng số mắc tai nạn thương tích. Tử vong do tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 47,91%, tiếp theo là đuối nước 12,31%, tự tử 11,45%, tai nạn lao động 6,81%.

Nhân viên chữ thập đỏ thực hành sơ cấp cứu.

Sơ cấp cứu là một trong những hoạt động truyền thống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, đã được quy định trong Luật Hoạt động chữ thập đỏ năm 2008. Tính đến hết năm 2018, toàn Hội có hơn 400 Trạm, Điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ được ngành y tế cấp phép hoạt động; trung bình mỗi năm trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho hàng trăm ngàn người; tham gia hỗ trợ sơ cứu cho hàng ngàn nạn nhân bị tai nạn thương tích, trong đó nạn nhân bị tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ lớn. Hoạt động đào tạo và phát triển mạng lưới tập huấn viên, hướng dẫn viên và tình nguyện viên sơ cấp cứu trong hệ thống Hội được chú trọng. Hiện toàn Hội có 10 Trung tâm/cơ sở huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ thuộc Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội.

Sáng kiến về “Ngày Sơ cấp cứu thế giới” được phát động lần đầu tiên vào năm 2000. Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế chọn “Ngày thứ 7, tuần thứ 2 của tháng 9 hằng năm” tổ chức hoạt động kỷ niệm “Ngày Sơ cấp cứu thế giới” nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong phòng tránh tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng xảy ra hằng ngày hoặc trong các tình huống khẩn cấp.

Tin, ảnh: HẢI YẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/khuyen-khich-nguoi-dan-o-moi-lua-tuoi-tham-gia-hoc-so-cap-cuu-591086