Khuyến công Lâm Đồng thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng sản xuất

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nguồn kinh phí khuyến công tuy chưa lớn nhưng chương trình này rất hữu ích và mang lại cả lợi ích kinh tế, xã hội.

Tăng về số lượng, chất lượng

Lâm Đồng có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đặc biệt thế mạnh hiện nay là phát triển ngành chế biến nông sản gắn với dịch vụ du lịch canh nông. Vì vậy, tỉnh đã chủ động triển khai Nghị định số 45/NĐ-CP về khuyến công nhằm động viên kịp thời và tạo động lực cho các cơ sở, doanh nghiệp ở rộng quy mô sản xuất. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đã chuyển sang quy mô lớn và hình thành chuỗi liên kết, là mô hình điểm cho những cơ sở nhỏ khác học tập.

Năm 2023, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công. Nguồn: ITN

Năm 2023, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công. Nguồn: ITN

Đại diện Công ty Cổ phần Viên Sơn cho biết, nhờ vốn khuyến công, đến nay công suất chế chế biến của công ty đạt 350 - 500 tấn/tháng, sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước Đông Á, Nhật Bản, Hàn Quốc. Công ty cũng thu hút 200 lao động địa phương với mức lương trung bình 8 - 15 triệu đồng/tháng/lao động.

Trên địa bàn huyện Đức Trọng, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Lâm Đồng đã triển khai hơn 50 đề án với tổng kinh phí 18 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ kinh phí để đào tạo việc làm tại làng nghề truyền thống; hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, xây dựng nhãn hiệu… Nhờ vậy, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã hiện đại hóa thiết bị, xây dựng nhà xưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm. Quan trọng hơn hết là giải quyết được việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương…

Cũng sau 10 năm (2012 - 2022) được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Đơn Dương từng bước ổn định. Các đơn vị chủ yếu được hỗ trợ theo hình thức có thu hồi, kinh phí hỗ trợ 60 - 400 triệu đồng/đề án. Nhìn chung, các đơn vị được hỗ trợ đã sử dụng đúng mục đích nguồn vốn khuyến công, giá trị sản xuất năm sau tăng so với năm trước.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Lâm Đồng Lê Phước Long cho biết, để đạt kết quả tích cực như vậy, địa phương đã thực hiện tốt việc phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể cùng hỗ trợ và thực hiện hoạt động khuyến công. Đồng thời, vận dụng lồng ghép nhiều nội dung và chương trình để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Nguồn kinh phí khuyến công địa phương để hỗ trợ có thu hồi vốn cho việc đầu tư xây dựng nhà xưởng và kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu… Kinh phí khuyến công quốc gia tập trung hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị hoàn thiện dây chuyền sản xuất. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách khuyến công với các hình thức phong phú, đa dạng.

Hỗ trợ có thu hồi kinh phí

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo kế hoạch, kinh phí khuyến công năm 2023 là trên 10 tỷ đồng; trong đó kinh phí khuyến công địa phương trên 9,6 tỷ đồng, kinh phí khuyến công quốc gia là 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh cấp hơn 3 tỷ đồng; thu hồi từ các đề án khuyến công hỗ trợ có thu hồi của những năm trước trên 5,7 tỷ đồng và kinh phí năm 2022 chuyển sang là 700 triệu đồng.

Trong đó, hơn 9,6 tỷ đồng kinh phí khuyến công địa phương sẽ hỗ trợ cho các đề án có thu hồi kinh phí hơn 6,9 tỷ đồng, còn lại là hỗ trợ cho các đề án không thu hồi vốn. 12 nội dung hỗ trợ có thu hồi vốn gồm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị may công nghiệp, máy móc chế biến các loại nông sản và thực phẩm ở các địa phương như thành phố Bảo Lộc, huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà...

Đối với hỗ trợ không thu hồi vốn sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn đào tạo; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tổ chức bình chọn, trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu…

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc hỗ trợ các cơ sở công nghiệp là rất quan trọng. Vì vậy, Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình khuyến công; lồng ghép nhiều nội dung và chương trình để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ các lĩnh vực theo định hướng, hình thành chuỗi liên kết hợp tác thông qua hình thức hỗ trợ có thu hồi kinh phí để bảo tồn vốn ngân sách của tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, lồng ghép nguồn vốn khuyến công với các nguồn vốn của các chương trình như Chương trình xây dựng nông thôn mới; xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển ngành công thương giữa các tỉnh, thành phố theo chủ trương của tỉnh nhằm tăng thêm hiệu quả của chương trình…

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/khuyen-cong-lam-dong-thuc-day-doanh-nghiep-mo-rong-san-xuat-i330496/