Khuyến công Đồng Tháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn

Những năm gần đây, hoạt động khuyến công tại tỉnh Đồng Tháp ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí địa phương đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời giúp các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn Đồng Tháp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình sản xuất. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên bản địa, tạo việc làm cho lao động địa phương, gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và thị trường xuất khẩu.

Cơ sở sản xuất bột Tư Nương (Đồng Tháp) đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới "Máy hút bột chân không", nâng cao giá trị, sản lượng và chất lượng sản phẩm từ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyên công Bộ Công Thương và địa phương

Cơ sở sản xuất bột Tư Nương (Đồng Tháp) đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới "Máy hút bột chân không", nâng cao giá trị, sản lượng và chất lượng sản phẩm từ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyên công Bộ Công Thương và địa phương

Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đã hỗ trợ thực hiện 5 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp cho 109 DN và cơ sở công nghiệp nông thôn.

Tổng nguồn vốn khuyến công Đồng Tháp thực hiện giai đoạn này là 126,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ hơn 5,3 tỷ đồng, khuyến công địa phương hỗ trợ gần 23,8 tỷ đồng, hỗ trợ từ các chương trình khác tại địa phương là hơn 2,6 tỷ đồng. Vốn đối ứng của các cơ sở công nghiệp nông thôn hơn 95,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Na - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - đánh giá, các đề án khuyến công triển khai luôn gắn với nhu cầu thực tế của các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn và phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động. Chương trình đã thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của DN, cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm ngày càng có chất lượng cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều DN có kế hoạch tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ghi nhận thực tế, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến sau khi triển khai thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Nam Huy (Đồng Tháp) được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công triển khai thực hiện Đề án “Máy sấy chân không thực phẩm, nông sản”, đã giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian trong quá trình sản xuất, đảm bảo việc sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu đối với sản phẩm của DN.

Nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã giúp cho Công ty TNHH MTV Nam Huy, nâng cao năng lực, phát triển sản xuất và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tạo đầu ra ổn định và giá trị tăng thêm cho trái cây sấy của DN

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy - đánh giá cao các chương trình khuyến công của Sở Công Thương Đồng Tháp đối với các DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Nguồn vốn hỗ trợ từ đề án đã giúp công ty mạnh dạn đầu tư mua sắm những thiết bị máy móc tiên tiến.

“Trước đây còn sản xuất thủ công, sản lượng sản xuất ít, nay được đầu tư máy móc hiện đại đã rút ngắn được các công đoạn sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, giảm giá thành làm ra sản phẩm, năng suất nâng lên khoảng 30 - 40%. Đồng thời, đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu. Hiện tại sản phẩm của công ty xuất khẩu sang các nước châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào… Mới đây sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ” - Giám đốc Công ty Nam Huy nhấn mạnh.

Việc hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia và địa phương cho DN ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã giúp cho DN nâng cao năng lực, phát triển sản xuất và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tạo đầu ra ổn định và giá trị tăng thêm cho trái cây sấy của DN.

Theo Trung tâm Khuyên công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2020, trung tâm đã triển khai Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho 3 đề án khuyến công quốc gia năm 2020 cho 3 DN trong sản xuất nông sản và thủy sản. Bên cạnh đó, trung tâm dự kiến sẽ trình Hội đồng thẩm định xét duyệt trên 34 đề án hỗ trợ kinh phí khuyến công và phát triển ngành cơ khí năm 2020.

Để hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại những hiệu quả thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Nguyễn Văn Luận - Giám đốc Trung tâm Khuyên công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp - cho biết, thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các DN cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Trong đó, ưu tiên đối với những đề án đổi mới và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng… trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng, tài nguyên bản địa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khuyen-cong-dong-thap-thuc-day-phat-trien-san-xuat-cong-nghiep-nong-thon-142376.html