Khuyến công Bình Định: Tăng nguồn lực hỗ trợ

Nguồn vốn thực hiện chương trình, đề án khuyến công tăng theo từng năm đã giúp Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Định có thêm nguồn lực hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp triển khai nhiều đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc vào sản xuất chế biến

Nguồn vốn tăng mạnh

Những năm gần đây, nguồn vốn dành cho công tác khuyến công của Bình Định tăng mạnh. Nếu như năm 2016, tổng kinh phí khuyến công được phê duyệt của tỉnh là 2,925 tỷ đồng, năm 2017 tăng lên 3,54 tỷ đồng, năm 2018 đã tăng mạnh lên 7,16 tỷ đồng.

Bình Định chủ yếu hướng vào việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, hướng dẫn các văn bản về chính sách khuyến công… Đặc biệt, khuyến công Bình Định dành nguồn vốn đáng kể hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư, thay đổi máy móc, thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Đây cũng là nội dung được đánh giá đem lại hiệu quả tốt của khuyến công Bình Định.

Theo đánh giá từ đại diện Sở Công Thương tỉnh, hoạt động khuyến công đã khẳng định vai trò quan trọng khuyến khích và phát huy nguồn lực đầu tư phát triển CNNT theo định hướng quy hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội một cách đáng kể. Giúp các cơ sở CNNT từng bước nâng cao năng lực quản lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển ổn định hơn.

Bình Định có số lượng đối tượng thuộc diện hỗ trợ của chính sách khuyến công khá đông đảo, trên 20.000 cơ sở CNNT, trong đó có trên 9.700 cơ sở kinh doanh hoạt động ở 50 làng nghề truyền thống trong tỉnh. Đây là điều kiện tốt, giúp khuyến công tỉnh có nhiều lựa chọn đối tượng thụ hưởng cho triển khai các đề án phù hợp, đạt hiệu quả tốt.

Đồng bộ các chính sách

Việc gia tăng nguồn vốn hỗ trợ đã giúp khuyến công Bình Định phần nào vượt qua khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, đề án. Tuy nhiên, hầu hết nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực tài chính của các tổ chức nên kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Cùng đó, mức hỗ trợ thấp so với tổng vốn đầu tư của cơ sở và khi xem xét hỗ trợ lại thấp hơn so với quy định nên khó vận động cơ sở tham gia. Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công còn thiếu, yếu về chất lượng và kinh nghiệm, chưa có đội ngũ cộng tác viên cấp huyện, xã, thôn.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khuyến công phát huy hiệu quả, Sở Công Thương Bình Định sẽ nghiên cứu đề xuất để UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh. Củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp song song với phát triển mạng lưới cộng tác viên sâu rộng tới tận xã… nhằm nắm bắt tình hình tại địa phương, hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở.

Sở cũng tiếp tục phối hợp với đơn vị có liên quan khảo sát nghiên cứu các mô hình, tìm hiểu thị trường đầu ra, công nghệ, tạo sự đổi mới trong tư duy của cơ sở CNNT. Qua đó, định hướng, tư vấn, giới thiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia đầu tư phù hợp với nhu cầu thị trường. Hướng dẫn cơ sở CNNT cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, cải tiến nâng cao chất lượng, hình thức sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Tổng kinh phí khuyến công được phê duyệt năm 2018 của khuyến công Bình Định là 7,16 tỷ đồng cho triển khai 27 chương trình, đề án.

Bình Định: Đa dạng hóa nội dung khuyến công

Bình Định: Tìm giải pháp gỡ khó cho khuyến công

Bùi Việt

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/khuyen-cong-binh-dinh-tang-nguon-luc-ho-tro-107246.html