Khuyến công Bà Rịa - Vũng Tàu: Đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng

Quy định đối tượng thụ hưởng ở quy mô hẹp đã khiến nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp có nhu cầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) không được hỗ trợ; đồng thời gây khó cho triển khai công tác khuyến công.

Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất

Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất

Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công quy định chỉ những đối tượng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và một số xã có thời gian chuyển đổi lên phường không quá 5 năm mới được thụ hưởng chính sách khuyến công. Tuy nhiên, BRVT có TP. Vũng Tàu là đô thị loại I, đang có rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ dưới 10 lao động, tổng nguồn vốn dưới 3 tỷ đồng đang hoạt động. Đối tượng này có trình độ quản lý tốt, khả năng phát triển thị trường cũng như năng lực thay đổi công nghệ sản xuất. Việc không nằm trong phạm vi đối tượng hỗ trợ gây thiệt thòi cho các cơ sở sản xuất, khiến BRVT khó tìm kiếm đối tác cho triển khai công tác khuyến công.

BRVT tuy có lực lượng cơ sở sản xuất công nghiệp đông đảo nhưng hầu hết quy mô nhỏ. Nhằm khuyến khích, hỗ trợ lực lượng này phát triển, những năm qua, khuyến công BRVT đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. 5 năm vừa qua, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp BRVT đã hỗ trợ cho 15 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, 2 cơ sở xây dựng, đăng ký thương hiệu. Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, trung tâm tổ chức đào tạo nghề cho 480 lao động, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 573 người và thực hiện các hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Dù vậy, sức bật của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là tại khu vực nông thôn không cao. Nguyên do, nhiều cơ sở chưa chủ động tham gia chương trình khuyến công nhằm thay đổi công nghệ thiết bị, mở rộng sản xuất, phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, một số nội dung khuyến công khó triển khai bởi liên quan đến quy định thanh toán, quyết toán trong năm tài chính khi thủ tục hành chính giải quyết tại các cơ quan quản lý nhà nước kéo dài. Đơn cử, thời gian xin cấp đăng ký chứng nhận hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) quá dài, dẫn tới nội dung hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn khó thực hiện, do không bảo đảm tiến độ theo quy định.

Thời gian từ lúc thu thập thông tin, tiếp cận cơ sở xây dựng, trình thẩm định và ra quyết định phê duyệt tới thanh toán, quyết toán đề án thường được thực hiện từ trước tháng 6 năm trước tới tận năm sau, ảnh hưởng tiến độ và tính khả thi của đề án. Thực tế, đã có đề án phải dừng triển khai hoặc chuyển đổi nội dung hỗ trợ, bỏ qua cơ hội đầu tư.

Để tháo gỡ cho những trở ngại trên, Sở Công Thương tỉnh BRVT sẽ tăng cường tuyên truyền và đưa chính sách khuyến công tới gần hơn nữa các cơ sở sản xuất công nghiệp; thực hiện các đề án có trọng tâm, ưu tiên hỗ trợ sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Cùng đó, đề xuất Cục Công Thương địa phương xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng là tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, không hạn chế địa bàn đầu tư sản xuất; quy định cơ chế bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ trong năm tài chính và được thẩm định nhiều đợt trong năm để hỗ trợ cho cơ sở trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng. Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và bộ đơn giá dịch vụ công cho ngành Công Thương để làm cơ sở cho các địa phương áp dụng.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khuyen-cong-ba-ria-vung-tau-de-xuat-mo-rong-doi-tuong-thu-huong-119896.html