Khủng hoảng Yemen: 5.000 trẻ em thương vong, 400.000 trẻ suy dinh dưỡng

Cuộc chiến kéo dài ở Yemen đã cướp đi sinh mạng hoặc làm bị thương hơn 5.000 trẻ em và khiến cho 400.000 trẻ em khác rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nặng nề và buộc phải đấu tranh vì sự sống mỗi ngày, theo một báo cáo của một cơ quan bảo vệ quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc.

Suy dinh dưỡng và bệnh dịch đang đe dọa mạng sống trẻ em Yemen. (Nguồn: AFP).

Trong bản báo cáo mới được công bố trong hôm 17/1, Unicef (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) cho hay có gần 2 triệu trẻ em ở Yemen bị buộc phải rời trường học, và khoảng 1/4 trong số này rời trường học kể từ sau khi cuộc xung đột tăng nhiệt do liên minh quân sự mà Arab Saudi dẫn đầu can thiệp vào nước này trong tháng 3/2015.

Tính từ lúc cuộc khủng hoảng bắt đầu đến nay, đã có hơn 3 triệu trẻ em sinh ra trong bối cảnh chiến tranh, báo cáo cho hay, thêm rằng những đứa trẻ này "chịu sự ám ảnh vì nhiều năm chìm trong bạo lực, mất nhà cửa, bệnh dịch, đói nghèo, suy dinh dưỡng và thiếu sự tiếp cận tới các dịch vụ cơ bản nhất".

Unicef nói rằng có hơn 5.000 trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương do tình trạng bạo lực ở Yemen, con số này tương đương với "mỗi ngày có 5 trẻ em thiệt mạng hoặc bị thương" tính từ tháng 3/2015 đến nay.

"Toàn bộ một thế hệ trẻ em ở Yemen đang phải lớn lên mà không biết gì khác ngoài tình trạng bạo lực" - ông Meritxell Relano, đại diện của Unicef ở Yemen, nói - "Trẻ em ở Yemen đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của một cuộc chiến mà chúng không hề tạo ra".

Vị quan chức này thêm rằng, tình trạng suy dinh dưỡng, bệnh dịch lan tràn và thiếu thốn các dịch vụ cơ bản là tình trạng mà trẻ em ở Yemen đang hứng chịu. Những đứa trẻ may mắn sống sót được thì mang theo những chấn thương tâm lý và thể chất mà cuộc xung đột gây ra trong suốt phần đời còn lại.

Unicef nói rằng hơn 11 triệu trẻ em - gần như toàn bộ trẻ em ở Yemen - hiện đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Cơ quan này kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực đẫm máu và bảo vệ trẻ em, cũng như tạo điều kiện cần thiết để các cơ quan viện trợ nhân đạo được tiếp cận trẻ em.

Chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận ở Yemen cho hay, họ đang đối mặt với nhiều khó khăn về mặt kinh tế và kêu gọi các đồng minh - trong đó có Arab Saudi - hỗ trợ họ vượt qua tình cảnh này. Trong một bài viết đăng tải trên Facebook, Thủ tướng Yemen Ahmed bin Dagher đã kêu gọi các nước đồng minh hỗ trợ họ về mặt tài chính để "cứu người dân Yemen khỏi nạn đói".

Ông Dagher cũng thúc giục các nước đồng minh chuyển tiền hỗ trợ thông qua ngân hàng trung ương ở Aden, thành phố hiện đang được chính phủ của ông xem là thủ phủ sau khi bị lực lượng phiến quân Houthi mà Iran hậu thuẫn đẩy lùi ra khỏi thủ đô Sanaa.

Kể từ khi Arab Saudi cùng các nước đồng minh Arab của họ nhảy vào cuộc chiến chống phiến quân Houthi ở Yemen, cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của 9.245 người, theo con số thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cuộc nội chiến ở Yemen đã làm bùng phát cái mà Liên Hợp Quốc gọi là "cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới", trong đó hơn 2.200 người đã thiệt mạng do một đợt bùng phát dịch tả bắt đầu từ hồi tháng 4/2017. Bên cạnh đó, Yemen cũng đang đối mặt với nạn đói lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ.

Cuối năm 2017, Giám đốc Nhân đạo của Liên Hợp Quốc Mark Lowcock nói rằng, ông đã đưa ra đề xuất với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đảm bảo việc nối lại viện trợ, ngăn chặn nguy cơ nạn đói khủng khiếp hiện diện tại Yemen.

“Nó sẽ không giống như nạn đói mà chúng ta đã chứng kiến tại Nam Sudan đầu năm nay - hàng chục ngàn người đã bị ảnh hưởng, cũng không giống nạn đói tác động lên 250.000 người ở Somalia trong năm 2011. Đây sẽ là nạn đói lớn nhất thế giới mà con người được chứng kiến trong nhiều thập niên, với hàng triệu nạn nhân”.

Tuy nhiên, ông Lowcock cho rằng không một chiếc máy bay của Liên Hợp Quốc nào có thể hạ cánh ở Yemen, và ông tin rằng không một cơ quan nhân đạo nào khác có thể tiếp cận được đất nước này. Không giải thích đói nghèo sẽ đến nhanh như thế nào ở Yemen, nhưng ông Lowcock nhấn mạnh việc thiếu lương thực sẽ dẫn tới hệ lụy một loạt các biến chứng về y tế.

Đất nước Yemen đang đứng trên bờ vực của nạn đói kể từ khi Arab Saudi cùng các nước đồng minh phong tỏa gần như mọi tuyến đường tiếp tế của nước này. Hơn một nửa các cơ sở y tế của đất nước này đã đóng cửa và cắt giảm phần lớn trang thiết bị y tế thiết yếu.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/khung-hoang-yemen-5000-tre-em-thuong-vong-400000-tre-suy-dinh-duong-tintuc392353