Khủng hoảng xã hội đe dọa vị thế nước Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải đối mặt với thời điểm khó khăn nhất trong 20 tháng cầm quyền khi các cuộc biểu tình của lực lượng 'Áo vàng' tiếp tục căng thẳng khiến thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn của Pháp trở nên hỗn loạn. Đây là làn sóng bạo lực tồi tệ nhất ở đất nước hình lục lăng trong hàng chục năm qua.

Tổng thống Mỹ đe dọa đóng cửa Chính phủ trong thời gian dài

Cảnh sát Pháp đã phải dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán các cuộc biểu tình.

Những hành động tấn công, phá hoại và cướp bóc của các phần tử quá khích khiến tình hình ngày càng phức tạp. Giới phân tích đánh giá đây là cuộc khủng hoảng xã hội chưa từng có và có thể tiếp tục lan rộng ra ngoài biên giới nước Pháp. Mặc dù Chính phủ Pháp đã thông báo hoãn tăng thuế nhiên liệu cùng một số nhượng bộ khác nhằm xoa dịu tình hình, song phong trào “Áo vàng”, trong đó có nhiều phần tử cực hữu, vẫn huy động lực lượng biểu tình vào cuối tuần.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, đã có 84.000 người tuần hành trên toàn nước Pháp theo lời kêu gọi của lực lượng này vào ngày 12-1, chỉ 3 ngày trước khi bắt đầu cuộc thảo luận theo sáng kiến của Tổng thống E.Macron. Ngoài Paris, căng thẳng và đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát cũng đã nổ ra ở trung tâm các thành phố lớn như Bordeaux, Toulouse và Bourges.

Cuộc biểu tình ở Paris đã trở nên căng thẳng sau khi xảy ra nhiều vụ đụng độ với cảnh sát trên Đại lộ Champs-Elysees và xung quanh Khải Hoàn Môn. Để đẩy lùi những người biểu tình, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng.

Hoạt động biểu tình, phản kháng xã hội vốn được coi là một “truyền thống” lâu đời của người Pháp qua nhiều thế kỷ và kể từ khi Tổng thống E.Macron lên nắm quyền tới nay, người dân Pháp cũng thường xuyên xuống đường bày tỏ thái độ trước những kế hoạch cải cách của ông. Song hầu hết các hoạt động này diễn ra hòa bình.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” suốt 9 tuần qua rất khác thường. Từ mục tiêu ban đầu là bày tỏ phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu của Chính phủ, một số nhóm thành viên “Áo vàng” đưa ra nhiều đòi hỏi khác như tăng lương tối thiểu, giảm thuế thu nhập, tăng trợ cấp thất nghiệp, tăng lương hưu… Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi các đảng đối lập tận dụng cơ hội để chỉ trích Tổng thống E.Macron, khuyến khích lực lượng này tiếp tục biểu tình cho đến khi các yêu sách được đáp ứng.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire thừa nhận rằng, các cuộc biểu tình bạo loạn đã tác động nghiêm trọng tới kinh tế đất nước. Các nhà phân phối hàng hóa bị thiệt hại doanh thu 35%, thậm chí một số cửa hàng doanh số giảm tới 70% do phải đóng cửa.

Không những thế, các hành động tấn công cướp phá ngang nhiên ngay tại "thủ đô ánh sáng" của châu Âu đã làm xấu hình ảnh nước Pháp, vốn được coi là thân thiện, văn minh và yên bình.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống E.Macron phải đương đầu với làn sóng phản kháng gay gắt khi ông triển khai loạt dự án cải cách đầy tham vọng nhưng cũng gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, việc tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay là hết sức khó khăn.

Bản thân phong trào “Áo vàng” dù có số lượng ủng hộ đông đảo vẫn chưa thể tìm ra người đại diện hoặc phát ngôn viên chính thức. Chưa có bên nào đủ uy tín có thể đứng ra làm trung gian hòa giải.

Giờ đây, cuộc khủng hoảng không chỉ tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế của nước Pháp, mà còn tạo thành một cản lực lớn cho tiến trình tăng cường hội nhập kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhất là vào thời điểm Thủ tướng Đức Angela Merkel - một nhà lãnh đạo chủ chốt của Cựu lục địa - cũng đang ở giai đoạn chuẩn bị chuyển giao quyền lực.

Khủng hoảng xã hội đe dọa vị thế nước Pháp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/924232/khung-hoang-xa-hoi-de-doa-vi-the-nuoc-phap