Khủng hoảng Ukraine: Khi dầu và khí đốt Nga còn được săn đón ở Trung Quốc...

Nga-Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ về thương mại, địa chính trị và chuỗi cung ứng, cả hai gắn bó với nhau bởi nhu cầu bán và mua năng lượng, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với Moscow.

Khi các lệnh trừng phạt Nga tăng lên, Trung Quốc có thể bù đắp phần nào tổn thất cho nước láng giềng bằng cách mua nhiều hàng hóa hơn nhưng cũng sẽ cảnh giác với việc vi phạm các lệnh trừng phạt tiềm năng. (Nguồn: china-briefing.com)

Khi các lệnh trừng phạt Nga tăng lên, Trung Quốc có thể bù đắp phần nào tổn thất cho nước láng giềng bằng cách mua nhiều hàng hóa hơn nhưng cũng sẽ cảnh giác với việc vi phạm các lệnh trừng phạt tiềm năng. (Nguồn: china-briefing.com)

Theo tác giả Chris Devonshire-Ellis* trong bài báo** được đăng trên china-briefing.com ngày 14/4, Trung Quốc và Nga ngày càng trở nên thân thiết trong những năm gần đây.

Đặc biệt, trong mối quan hệ mang lại cả cơ hội và rủi ro khi Moscow phải hứng chịu các lệnh trừng phạt cứng rắn từ phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine hiện nay, quan hệ Nga-Trung vẫn được thắt chặt.

Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, tổng kim ngạch thương mại giữa nước này và Nga đã tăng 35,9% vào năm 2021, lên mức kỷ lục 147,9 tỷ USD. Moscow đóng vai trò là nhà cung cấp dầu, khí đốt, than đá, hàng hóa nông nghiệp chính và là nước có thặng dư thương mại với Bắc Kinh.

Kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp đặt vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea, thương mại song phương Nga-Trung đã tăng hơn 50% và Trung Quốc trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Nga.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh nhân dịp dự Thế vận hội mùa Đông 2022, hai bên xác lập mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 250 tỷ USD.

Khi các lệnh trừng phạt Nga tăng lên, Trung Quốc có thể bù đắp phần nào tổn thất cho nước láng giềng bằng cách mua nhiều hàng hóa hơn nhưng cũng sẽ cảnh giác với việc vi phạm các lệnh trừng phạt tiềm năng.

Trung Quốc cần năng lượng

Xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga sang Trung Quốc tăng đều đặn. Nga là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Trung Quốc sau Saudi Arabia, với khối lượng trung bình 1,59 triệu thùng mỗi ngày vào năm ngoái, chiếm 15,5% lượng nhập khẩu của Trung Quốc.

Khoảng 40% nguồn cung chảy qua đường ống dẫn dầu ở Đông Siberia Thái Bình Dương (ESPO) dài 4.070 km, công trình được tài trợ bởi khoản vay 50 tỷ USD của Trung Quốc.

Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 3 của Bắc Kinh, với 16,5 tỷ mét khối (bmc) nhiên liệu xuất sang Trung Quốc vào năm 2021, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu của nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Nguồn cung cấp thông qua đường ống Power of Siberia, không kết nối với mạng lưới đường ống dẫn khí đốt đi về phía Tây của Nga, bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2019 và dự kiến tăng lên 38 bmc mỗi năm vào năm 2025, tăng từ 10,5 bcm vào năm 2021, trong vòng 30 năm với hợp đồng trị giá hơn 400 tỷ USD.

Nga đặt mục tiêu xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ hai - Power of Siberia 2 - công suất 50 bcm/năm chạy qua Mông Cổ đến Trung Quốc. Nga cũng là nhà cung cấp than số 2 của Trung Quốc vào năm 2021.

Vào tháng 2 năm nay, Tổng thống Nga Putin đã công bố các hợp đồng dầu khí mới của nước này với Trung Quốc trị giá khoảng 117,5 tỷ USD. Những con số bổ sung này có ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu được tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Thương mại song phương của Nga với Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2021 là 247,8 tỷ Euro, với giá trị xuất khẩu của Nga trị giá 158 tỷ Euro. Trong đó, khoảng 110 tỷ Euro là dầu và khí đốt, còn 48 tỷ Euro dành cho các hoạt động thương mại khác như ô tô, máy móc…

Thành tích trên có thể bị “nuốt chửng” trong vòng hai năm với giả sử tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga được điều chỉnh lên 250 tỷ USD vào năm 2024 - như mục tiêu đề ra.

Nga cần khách hàng

Nga đã chuyển khí đốt đến Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia, bắt đầu hoạt động vào năm 2019 và bằng cách vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nước này đã xuất khẩu 16,5 tỷ bcm khí đốt sang Trung Quốc vào năm 2021.

Tuyến đường ống Power of Siberia không được kết nối với các đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu, nơi đang phải đối mặt với giá khí đốt tăng cao do nguồn cung thắt chặt.

Theo kế hoạch đã vạch ra trước đó, Nga đặt mục tiêu cung cấp cho Trung Quốc 38 bcm khí đốt bằng đường ống này vào năm 2025.

Đường ống khí đốt Power of Siberia. (Nguồn: Forbes)

Riêng tập đoàn dầu khí Rosneft (Chủ tịch là ông Igor Sechin, cố vấn thân cận, từng giữ chức Phó Thủ tướng trong Nội các của ông Putin cho tới ngày 21/5/2012), đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) trị giá 80 tỷ USD để cung cấp 100 triệu tấn dầu qua Kazakhstan trong hơn 10 năm.

Các thỏa thuận mua bán năng lượng giữa hai nước đã thúc đẩy đồng Ruble và thị trường chứng khoán Nga, bao gồm cả cổ phiếu của Rosneft và tập đoàn năng lượng Gazprom.

Sau khi Sở giao dịch chứng khoán Moscow tạm dừng hoạt động trong 3 tuần (do xung đột tại Ukraine) và mở cửa trở lại vào ngày 21/3, chứng khoán Nga đã tăng 11% trong phiên giao dịch đầu giờ trước khi ổn định mức tăng hằng ngày 4,4%.

Bên cạnh đó, đồng Ruble đã tăng giá trở lại ở mức trước xung đột Ukraine, hoàn toàn trái ngược với những gì phương Tây dự tính.

Cũng cần nhận thấy, thỏa thuận mới với Bắc Kinh không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt của Nga vốn bị ràng buộc bán cho châu Âu. Được biết, thỏa thuận giữa Rosneft và CNPC liên quan đến đường ống dẫn khí đốt từ đảo Sakhalin ở Thái Bình Dương và không được kết nối với mạng lưới đường ống châu Âu của Nga.

Ngoài ra, trong một tuyên bố, Gazprom cho biết, họ có kế hoạch tăng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc lên 48 bcm mỗi năm, bao gồm thông qua một đường ống mới với dự kiến cung cấp 10 bcm mỗi năm từ vùng Viễn Đông của Nga.

Theo các kế hoạch trước đó, Nga đặt mục tiêu cung cấp cho Trung Quốc 38 bcm vào năm 2025. Thông báo không nêu rõ khi nào nước này sẽ đạt được mục tiêu 48 bcm.

Gazprom đã sản xuất hơn 10 triệu tấn LNG/năm tại Sakhalin. Điều này làm nảy sinh khả năng nếu tình hình địa chính trị sau này thay đổi, Nga có thể một lần nữa cung cấp khí đốt cho EU.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, có thể có giới hạn đối với sự kiên nhẫn của Trung Quốc liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, vốn đang vô hiệu hóa một phần chuỗi cung ứng của chính nước này và ảnh hưởng vào mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh.

Ngày 25/3, trước lo ngại bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow, Tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc (Sinopec) đã hủy đề xuất đầu tư 500 triệu USD vào công ty khí đốt Sibur của Nga.

Tóm lại, Trung Quốc nhất quán ủng hộ Nga và mối quan hệ giữa hai nền kinh tế ngày càng trở nên mật thiết. Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn sẽ tiếp tục phát triển.

Riêng trong lĩnh vực năng lượng, Nga có thể hợp tác liên doanh nhiều hơn với một số doanh nghiệp chiến lược của Trung Quốc (hoặc do Trung Quốc tài trợ), chọn các dự án của Nga bị "bỏ rơi" bởi Shell, Total và các công ty năng lượng phương Tây khác.

* Chris Devonshire-Ellis là nhà sáng lập Dezan Shira & Associates và Chủ tịch của công ty International Board of Equity Partners & Director; Giám đốc điều hành của các ấn phẩm Báo cáo tóm tắt châu Á (Asia Briefing). Ông đồng thời là Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh tế - Đại học St. Petersburg, Nga.

** Bài báo được trích từ ấn phẩm của Asia Investment Research, có tựa đề Russia’s Pivot To Asia, bao gồm các chương về tất cả các nền kinh tế châu Á và tác động từ cuộc xung đột Ukraine.

(theo china-briefing.com)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-ukraine-khi-dau-va-khi-dot-nga-con-duoc-san-don-o-trung-quoc-180303.html