Khủng hoảng truyền thông và biện pháp ứng xử

Từ khi dân chủ cơ sở được mở rộng và triển khai tổ chức thực hiện ở các cấp, lợi dụng quy chế dân chủ, nhất là thời điểm sắp diễn ra các kỳ họp của Quốc hội và Đại hội Đảng các cấp, thì các đơn thư khiếu kiện cũng như nhiều vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội cũng tăng đến 'chóng mặt'. Những nguồn thông tin 'không chính danh' ấy đã tạo ra sự khủng hoảng truyền thông và từ đó tác động không nhỏ đến chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo của Đảng, Nhà nước ta.

Trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, việc giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận những thông tin chính thống, chính xác sẽ hạn chế tối đa sự khủng hoảng truyền thông. Ảnh: Minh Quân

Trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, việc giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận những thông tin chính thống, chính xác sẽ hạn chế tối đa sự khủng hoảng truyền thông. Ảnh: Minh Quân

Tạo ra sự khủng hoảng truyền thông thường có mấy phương thức. Sự việc xảy ra là có thật nhưng ở mức độ nhỏ bị đẩy lên thành vấn đề nóng, cấp bách. Những sự việc không có, dựng lên, xuyên tạc nhằm mục đích bôi xấu, hạ uy tín, đánh vào niềm tin của những người nhẹ dạ, trung dung. Các sự việc để tạo nên sự khủng hoảng truyền thông là các tập thể, cá nhân có vị trí trong chính thể hoặc trong bộ máy quản lý của Nhà nước.

Thời gian để gây ra khủng hoảng truyền thông thường vào các thời điểm có sự kiện quan trọng trong đời sống xã hội như Đại hội Đảng, sắp diễn ra kỳ họp của Quốc hội, các ngày lễ lớn trong cả nước. Những vấn đề các đối tượng thường tập trung để tạo nên khủng hoảng truyền thông, lôi kéo người xem, người nghe, người đọc chủ yếu là đời sống kinh tế, phẩm chất những người nắm giữ vị trí nhất định trong xã hội hoặc những sai phạm do sơ xuất hay sự vô tâm của một bộ phận cán bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Vậy, bản chất của khủng hoảng truyền thông là gì? Nó là những sự kiện xảy ra ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý đối với tập thể hoặc cá nhân với mục đích nhằm hạ uy tín, gây mất niềm tin trong đời sống xã hội. Đối với cá nhân thì sẽ gây hoang mang trong tâm lý, bị ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ chức trách được giao, tổ chức, tập thể phải xem xét. Đối với các tập thể, tạo nên những dư luận, gây nghi kỵ làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Trong kinh doanh thì sẽ làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm và làm giảm uy tín của công ty.

Nói như thế để thấy, tạo khủng hoảng truyền thông là có ý đồ xấu của một hoặc nhóm đối tượng nhất định. Khi thực hiện có âm mưu, mục đích, mục tiêu rõ ràng. Có cách thức, bước đi cụ thể với sự lựa chọn phương thức, thời gian thực hiện. Tuy nhiên, nhìn lại thời gian qua, việc đối phó với khủng hoảng truyền thông của cá nhân, tập thể, nhất là các cơ quan có trách nhiệm trong quản lý còn lúng túng và đôi khi nhìn nhận, ứng xử chưa chặt chẽ, vô tình như “đổ thêm dầu vào lửa”. Do đó, khủng hoảng không giải quyết được mà lại làm rối việc thêm, càng tạo điều kiện cho các đối tượng xấu có cơ hội để làm thông tin lan truyền nhanh hơn nữa, tác động sâu rộng vào đời sống xã hội.

Khi có khủng hoảng truyền thông, với các cơ quan chức năng, tập thể và cá nhân liên quan trong đó phải bình tĩnh xem xét mức độ, tìm hiểu rõ sự thật, tính chất, mục đích của các thông tin trên. Khi đã tìm hiểu rõ, đúng bản chất, mức độ, hình thức, nội dung, sử dụng chính các phương tiện mà các đối tượng đã tạo nên “sự khủng hoảng” ấy để công khai sự thật và nhất định phải có chính danh. Việc công bố công khai và có chính danh sẽ làm cho người tiếp nhận có được niềm tin và thấy độ chính xác của sự việc xảy ra. Khi công khai cũng cần phải nói rõ, nói đúng sự việc, không thêm thắt hay che đậy dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất của sự việc và chỉ để một tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm phát ngôn. Tuyệt đối không nên để nhiều tổ chức, cơ quan hay nhiều người trả lời, phát ngôn, dễ dẫn đến tình trạng thiếu tính thống nhất.

Cũng rất cần nói rõ cách khắc phục và biện pháp xử lý đúng theo mức độ xảy ra. Tuyệt đối không lên gân hoặc nói quá để tránh khi xử lý không đúng như công khai hay theo quy định của quy chế cơ sở, chế tài của pháp luật, tạo ra sự bất nhất, làm cho các đối tượng càng có cớ để khoét sâu và người tiếp nhận thông tin ban đầu nghi hoặc. Song song với đó, trong nội bộ rất cần sự nghiêm túc rút kinh nghiệm và rút ra bài học chung, tránh gây ra những sự việc tương tự hay phát sinh những sự việc mới. Không chạy theo các thông tin, nhất là các thông tin không chính danh, thiếu cơ sở, gây nhiễu loạn, làm ảnh hưởng đến đoàn kết, chất lượng và hiệu quả thực hiện chức năng nhiệm vụ của tập thể và cá nhân.

Trong “thế giới phẳng”, sự bùng nổ của rất nhiều các trang mạng xã hội, sự chen lấn trong quá trình đưa thông tin đến bạn đọc, bạn nghe và bạn xem hiện nay, nhất là tới đây, việc quy hoạch lại các cơ quan báo chí, quản lý kênh thông tin, các phần mềm, rà soát các tài khoản cung cấp, cơ quan chủ quản sẽ có tác động nhất định đến hoạt động truyền thông. Một số đối tượng xấu sẽ lợi dụng cơ hội này để tạo sự khủng hoảng truyền thông nhiều hơn và với mức độ cao hơn. Đây cũng là giai đoạn mà Đảng đang chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII, các đối tượng phản động, thù địch sẽ tập trung để xuyên tạc, lôi kéo, bôi xấu, đưa thông tin nhiễu loạn, nhằm hạ uy tín, gây mất niềm tin trong nhân dân, từ đó thực hiện ý đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trước sự khủng hoảng truyền thông, chúng ta cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để xử lý và cần công khai, minh bạch trước mọi luồng thông tin. Dân chủ, song cũng rất cần sự kiên quyết xử lý đối với những cá nhân hay tổ chức có dụng ý xấu, ý đồ phá hoại, gây hoang mang và làm mất niềm tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cũng rất cần có sự lựa chọn, bồi dưỡng, xây dựng một đội ngũ cán bộ có đủ tâm, tầm, tài về kiến thức và nghiệp vụ, đủ khả năng ứng phó khi xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Phạm Quế Nghi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khung-hoang-truyen-thong-va-bien-phap-ung-xu/