Khủng hoảng rác thải nhựa trên thế giới

Liên minh châu Âu đã thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần, trước thực trạng báo động có khoảng 8 đến 13 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm.

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, đồ nhựa dùng một lần như: thìa, đĩa, bát, cốc, tăm bông, ống hút, hộp, túi nilon,…được sử dụng phổ biến, có mặt ở hầu khắp các hàng quán cao cấp đến vỉa hè. Nguy hiểm hơn, những sản phẩm này sau khi thải ra môi trường thì quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Hàng năm, khoảng 8-13 triệu tấn rác nhựa bị đổ ra biển, ước tính thiệt hại với hệ sinh thái lên tới 13 tỷ USD, theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP). Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cũng cho biết “hơn 1/4 lượng rác thải nhựa ở đại dương xuất phát chỉ từ 10 con sông, 8 trong số đó nằm tại châu Á”.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá.

Trước thực trạng báo động về chuyện đại dương đang bị “ngạt thở” vì rác thải nhựa gây tổn thương hệ sinh thái, đe dọa các hệ động vật biển, Nghị viện châu Âu (EU) vừa thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần nhằm hạn chế rác thải đổ ra đại dương.

Dự luật mới nhằm bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng, các nước thành viên EU buộc phải tái chế 90% chai nhựa vào năm 2025 và các nhà sản xuất đồ nhựa phải đóng góp chi phí cho việc quản lý rác thải.

Hải Lan (T/h)

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/khung-hoang-rac-thai-nhua-tren-the-gioi/