Khủng hoảng nợ tại các nước nghèo: Đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu

Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) vừa phát đi cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng hiện đang diễn ra ở những nước nghèo nhất trên thế giới, đe dọa làm suy yếu sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhằm giảm hệ lụy, UNDP đã kêu gọi các hành động linh hoạt hơn từ những nước phát triển trong việc giảm bớt gánh nặng nợ ngày càng tăng của các quốc gia này.

Người dân xếp hàng mua dầu diesel tại một cửa hàng xăng dầu ở Sri Lanka.

Người dân xếp hàng mua dầu diesel tại một cửa hàng xăng dầu ở Sri Lanka.

Báo cáo mới nhất của UNDP cho thấy, ước tính 54 quốc gia - nơi sinh sống của hơn một nửa số người nghèo nhất thế giới, hiện cần được xóa nợ ngay lập tức để tránh tình trạng nghèo đói cùng cực hơn nữa và cho họ cơ hội đối phó với biến đổi khí hậu.

Báo cáo nêu rõ, đây là điều đáng lo ngại, bởi lẽ các quốc gia bị ảnh hưởng lại chính là những nước thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng bất chấp những cảnh báo được nhắc đi nhắc lại, đến nay rất ít các động thái được thực hiện, trong khi mức độ rủi ro ngày càng tăng lên. Theo thống kê, 46/54 quốc gia có nợ công tích lũy tổng cộng 782 tỷ USD vào năm 2020.

Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng này đang gia tăng và có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng tới hàng chục quốc gia trên thế giới". Các nước nghèo đang phải đối mặt với nhiều sức ép kinh tế. Nhiều nước trong số này không thể thanh toán nợ hoặc tiếp cận nguồn tài chính mới.

Theo UNDP, những rắc rối về nợ đã âm ỉ ở nhiều quốc gia từ rất lâu trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, tình trạng nợ tăng nhanh trong thập kỷ qua luôn bị đánh giá thấp. Theo kết quả nghiên cứu của UNDP, gần 1/3 các nền kinh tế đang phát triển có xếp hạng tín nhiệm ở mức “rủi ro đáng kể” so với 10 quốc gia vào đầu năm 2020.

Ông Heidi Chow, Giám đốc điều hành Debt Justice - tổ chức ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, cho biết: “Nhiều quốc gia đã cắt giảm chi tiêu thiết yếu để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ, trước khi lãi suất tăng cao khiến tình hình trở nên đáng báo động hơn. Các quốc gia như Pakistan cũng đang phải đối mặt với chi phí khổng lồ từ sự tàn phá trên diện rộng do tình trạng khẩn cấp về khí hậu gây ra. Chúng tôi cấp thiết cần có những cơ chế để nhanh chóng hủy bỏ các khoản nợ cho các nước có nhu cầu”.

Bên cạnh sự gia tăng chi phí đi vay, nghiên cứu của Debt Justice cho thấy, việc trả nợ cũng trở nên đắt đỏ hơn do đồng USD tăng giá, vốn đã tăng trung bình 14% ở 27 quốc gia có thu nhập thấp. Tác động tổng hợp của đại dịch Covid-19 và giá hàng hóa cao kỷ lục do cuộc xung đột ở Ukraine đã gây thiệt hại nặng nề hơn cho Sri Lanka, làm trầm trọng thêm nợ nần của nước này và làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối. Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ giảm 9,2% trong năm nay.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho rằng, việc giảm nợ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt căng thẳng về ngân sách của các nước nghèo. Trong bối cảnh này, báo cáo của UNDP đã kêu gọi điều chỉnh lại Khuôn khổ chung do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dẫn đầu. Đây là kế hoạch được thiết kế nhằm hỗ trợ các nước gặp khó khăn tài chính do đại dịch Covid-19 tái cơ cấu nợ.

UNDP đề xuất mở rộng điều kiện lựa chọn của Khuôn khổ chung để tất cả các nước mắc nợ nhiều có thể được hưởng lợi từ cơ chế trên, cũng như bảo đảm nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ sẽ tự động bị đình chỉ trong quá trình này. Nếu không có biện pháp cứu trợ kịp thời, các khoản đầu tư tối cần thiết cho việc thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở những quốc gia này sẽ không mang lại hiệu quả./.

Hanoimoi.com.vn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khung-hoang-no-tai-cac-nuoc-ngheo-de-doa-phuc-hoi-kinh-te-toan-cau-114640.html