Khủng hoảng nhiên liệu 'rình rập', các quốc gia đang phát triển lựa chọn dầu Nga?

Nhiều tuần qua, người dân tại Sri Lanka, Lào, Nigeria và Argentina đã phải xếp hàng dài tại các trạm đổ xăng vì tình trạng thiếu nhiên liệu. Các quốc gia đang phát triển phải chịu tác động lớn nhất từ cú sốc dầu năm nay.

Lệnh cấm vận dầu Nga của EU là lý do khiến thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu. Xe ô tô, xe máy xếp hàng chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Nairobi, Kenya. (Nguồn: Bloomberg)

Lệnh cấm vận dầu Nga của EU là lý do khiến thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu. Xe ô tô, xe máy xếp hàng chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Nairobi, Kenya. (Nguồn: Bloomberg)

Gánh nặng từ giá dầu cao

Virendra Chauhan, người đứng đầu công ty tư vấn Energy Aspects có trụ sở tại Singapore nhận định, các nền kinh tế mới nổi nhạy cảm hơn với giá nhiên liệu.

Cuộc khủng hoảng năng lượng là kết quả của nhu cầu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là khi mùa du lịch bắt đầu.

Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, làm gián đoạn dòng chảy năng lượng toàn cầu cũng là lý do khiến thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu.

Ngày 6/6, dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu giao dịch gần 120 USD/thùng, cao hơn khoảng 70% so với giá năm 2021.

Sri Lanka và Pakistan là hai nền kinh đang phát triển phải chịu gánh nặng của giá dầu cao hơn.

Bị rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất, Sri Lanka đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ để thanh toán cho việc nhập khẩu nhiên liệu, khi nguồn cung trong nước cạn kiệt.

Các hãng hàng không bay đến nước này được yêu cầu mang đủ nhiên liệu cho chuyến trở về hoặc đổ xăng ở nơi khác.

Lạm phát và giá nhiên liệu tăng đã đẩy Pakistan vào một cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự và quốc gia này cũng đang tìm kiếm một gói cứu trợ từ IMF.

Ở Đông Nam Á, Myanmar và Lào phải đối mặt với tình trạng thiếu xăng và dầu diesel.

Tại Myanmar, việc tiếp cận với đồng USD bị hạn chế đã khiến người mua không thể thanh toán cho dầu nhập khẩu.

Còn ở Lào, tháng 5/2022, hàng dài người lái xe ô tô xếp hàng chờ mua xăng kéo dài qua các đường phố của Vientiane. Quốc gia này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhiên liệu ngày càng gia tăng.

Châu Phi cũng bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng khi giá nhiên liệu tăng cao. Kenya, Senegal, Nam Phi và thậm chí cả Nigeria - quốc gia sản xuất dầu lớn nhất châu lục này đều báo cáo tình trạng thiếu nhiên liệu.

Các hãng hàng không hoạt động ở một số khu vực của lục địa này đã phải hủy chuyến bay hoặc mua nhiên liệu ở nơi khác.

Tại một số quốc gia nghèo hơn, tác động của giá dầu cao dẫn đến một vòng xoáy suy giảm.

Giá nhập khẩu nhiên liệu tăng cao gây tổn hại cho nền kinh tế, làm tiền tệ suy yếu và khiến giá nhập khẩu dầu đã đắt còn đắt hơn. Người nông dân không đủ tiền mua dầu diesel, không thể trồng nhiều loại cây, càng làm tăng thêm tình trạng thiếu lương thực và lạm phát. Giá nhiên liệu của tàu cao hơn làm tăng chi phí hậu cần.

Đồng Rupee của Sri Lanka đã giảm gần 44% trong năm nay so với USD, trong khi đồng Rupee của Pakistan giảm hơn 11%.

Để đối phó với giá nhiên liệu tăng cao, một số chính phủ đang tăng trợ cấp hoặc cắt giảm thuế nhiên liệu.

Theo ước tính của Bloomberg Economics, các khoản trợ cấp xăng và dầu diesel của Mexico đang khiến chính phủ phải trả gấp đôi lợi nhuận mà nhà sản xuất dầu thu được từ giá dầu thô cao hơn.

Nam Phi là một trong những quốc gia tạm thời giảm thuê nhiên liệu. Tuy nhiên, những người lái xe ở nước này đang phải đối mặt với việc giá nhiên liệu tăng gần 80% so với năm 2020.

Trong khi đó, châu Âu đang tích cực mua dự trữ nhiên liệu cho máy bay với kỳ vọng du lịch sẽ bùng nổ trong Hè này do nhu cầu bị dồn nén suốt hai năm qua. Khu vực này cũng mạnh tay mua dầu diesel để thay thế nguồn cung của Nga.

Ông Virendra Chauhan nói: “Châu Âu là nơi có nhu cầu nhiên liệu lớn và sẽ không dễ thay thế. Vì vậy, các thị trường mới nổi sẽ khó cạnh tranh”.

Dầu Nga là một lựa chọn hấp dẫn?

Trong khi các quốc gia giàu có đang mua dầu từ các nguồn cung truyền thống như Trung Đông, thì các quốc gia đang phát triển đang bị thu hút bởi dầu giá rẻ từ Nga.

Ngày 28/5, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana cho biết, quốc gia này sẽ trả 72,6 triệu USD để mua lô hàng 90.000 tấn dầu của Nga. Lượng dầu này được đặt hàng thông qua công ty Coral Energy có trụ sở tại Dubai, sẽ giúp tái khởi động lại nhà máy lọc dầu duy nhất của Sri Lanka, vốn đã đóng cửa từ ngày 25/3.

Quốc gia này cũng đang đàm phán với Nga để thu xếp nguồn cung cấp trực tiếp dầu thô, than, dầu diesel và xăng dầu, bất chấp các lệnh trừng phạt từ EU.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào Khampheng Saysompheng cũng cho rằng, việc mua dầu giá rẻ của Nga có thể là một lựa chọn khi khủng hoảng nhiên liệu gia tăng.

Nhà phân tích dầu khí cấp cao của Fitch Solutions Peter Lee nhận định, dầu Nga đang giảm giá mạnh và đây là điều hấp dẫn các nền kinh tế mới nổi.

(theo Bloomberg)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nhien-lieu-rinh-rap-cac-quoc-gia-dang-phat-trien-lua-chon-dau-nga-186346.html