Khủng hoảng nghiêm trọng ở Ethiopia

Ethiopia có nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực sau các vụ ám sát một số quan chức cấp cao và xảy ra âm mưu đảo chính bất thành ở nước này. Nhiều người đã thiệt mạng trong các cuộc tiến công đẫm máu. Quốc gia vùng Sừng châu Phi với khoảng 100 triệu dân đứng trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Ethiopia có nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực sau các vụ ám sát một số quan chức cấp cao và xảy ra âm mưu đảo chính bất thành ở nước này. Nhiều người đã thiệt mạng trong các cuộc tiến công đẫm máu. Quốc gia vùng Sừng châu Phi với khoảng 100 triệu dân đứng trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Tình hình Ethiopia diễn biến nguy hiểm sau vụ Tham mưu trưởng quân đội nước này, ông S.Mekonnen và một quan chức khác bị sát hại trong vụ đảo chính không thành. Vụ sát hại diễn ra chỉ vài giờ sau âm mưu đảo chính tại vùng Amhara, phía bắc thủ đô Addis Ababa, khiến người đứng đầu chính quyền vùng này và một cố vấn cấp cao của ông thiệt mạng. Người phát ngôn của Thủ tướng Ethiopia A.Ahmed cho biết, một nhóm do tướng A.Tsige - Chỉ huy lực lượng an ninh vùng Amhara, đứng đầu bất ngờ nổ súng ngay tại cuộc họp khiến một số quan chức vùng này thiệt mạng. Vụ tiến công thứ hai xảy ra ngay sau đó khiến Tham mưu trưởng quân đội và một quan chức cấp cao bị chính lực lượng vệ sĩ bắn chết. Tướng A.Tsige, nhân vật đứng sau âm mưu đảo chính tại vùng Amhara, là người đứng đầu cơ quan an ninh của vùng Amhara, một trong chín vùng tự trị tại Ethiopia. Hầu hết các đối tượng đứng sau âm mưu đảo chính đã bị bắt giữ.

Các diễn biến trên xảy ra một năm sau vụ nổ lựu đạn nhằm vào cuộc tuần hành có sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng A.Ahmed tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia khiến hai người chết và hàng chục người bị thương. Ðiều này cho thấy bất ổn tiếp diễn tại nhiều khu vực của Ethiopia. Các cuộc biểu tình quá khích phản đối chính phủ kéo dài suốt ba năm đã buộc người tiền nhiệm của ông A.Ahmed từ chức. Kể từ khi lên nắm quyền từ tháng 4-2018, Thủ tướng A.Ahmed được đánh giá cao về những nỗ lực chấm dứt chế độ hà khắc của chính quyền tiền nhiệm và thực hiện cải cách kinh tế. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Ethiopia cho rằng, Chính phủ của Thủ tướng A.Ahmed sẽ phải đối mặt những áp lực ngày càng gia tăng từ một số nhân vật quyền lực trong khu vực, nhất là vùng Amhara, một điểm nóng liên quan bạo lực sắc tộc tại Ethiopia. Hiện có khoảng ba triệu người đã phải đi sơ tán do các cuộc xung đột sắc tộc kéo dài liên quan quyền sở hữu đất đai ở quốc gia này. Hiện có thêm hàng chục người bị sát hại ở Ethiopia. Lực lượng an ninh nghi ngờ thủ phạm của các vụ tiến công gần đây có liên quan đến nhau.

Trước những diễn biến có nguy cơ khó kiểm soát ở Ethiopia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bạo lực đẫm máu gần đây và kêu gọi các bên tại Ethiopia hết sức kiềm chế, tránh các hành động làm ảnh hưởng tới tình hình hòa bình và ổn định của quốc gia châu Phi này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc hoan nghênh cam kết của Thủ tướng A.Ahmed và Chính phủ Ethiopia sẽ đưa những kẻ đứng đằng sau vụ ám sát các quan chức mới đây ra trước công lý. Liên hợp quốc cam kết ủng hộ chính quyền Ethiopia giải quyết những thách thức của đất nước. Ðại sứ quán Mỹ đã khuyến cáo các nhân viên trú ẩn an toàn sau khi nhận được thông tin về các vụ nổ súng và tình hình bạo lực ở Ethiopia.

THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/40705202-khung-hoang-nghiem-trong-o-ethiopia.html