Khủng hoảng Nga-Ukraine có thể khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt lên đỉnh mới

Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine đã phủ bóng lên thị trường năng lượng thời gian gần đây. Giới phân tích nhận định rằng việc hai nước láng giềng chưa thể xuống thang mâu thuẫn sẽ kéo dài cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu...

Binh sỹ Ukraine trong một cuộc tập trận gần Kiev tháng 12/2021 - Ảnh: Getty/CNBC.

“Thị trường khí đốt vốn dĩ đã thắt chặt. Rõ ràng, tâm lý lo ngại về vấn đề Nga-Ukraine phủ thêm bóng đen lên thị trường, nhất là khi Nga là nguồn cung cấp 35% lượng khí đốt mà châu Âu tiêu thụ”, chuyên gia năng lượng Daniel Yergin nói với hãng tin CNBC.

Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, giá khí đốt ở châu Âu có thể lập đỉnh mới, sau khi đã thiết lập kỷ lục trong năm ngoái – công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định trong một báo cáo.

Chuyên gia kinh tế trưởng William Jackson của Capital Economics chỉ ra rằng ngoài sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn khí đốt từ Nga, một vấn đề đáng lo ngại khác là lượng khí đốt tồn kho của khu vực này đang ở mức thấp.

“Nếu lệnh trừng phạt được áp lên xuất khẩu năng lượng của Nga, hoặc nếu Nga sử dụng khí đốt như một ‘lá bài’ để mặc cả, giá khí đốt ở châu Âu nhiều khả năng sẽ bùng nổ”, ông Jackson nói.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng mạnh trong những tháng gần đây, khi Nga tập trung lực lượng lớn ở khu vực gần biên giới giữa hai nước. Việc triển khai quân này làm dấy lên lo ngại rằng Nga chuẩn bị một cuộc tấn công quân sự nhằm vào quốc gia láng giềng, cho dù Moscow phủ nhận.

Tuần trước, phương Tây đã có 3 cuộc đàm phán nhằm “tháo ngòi” căng thẳng, nhưng không đạt bước đột phá nào. Các quan chức Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, sau các cuộc đàm phán ở Geneva, Brussels, và Vienna, nói rằng các bên không đi đến được giải pháp nào, đồng thời cảnh báo tình hình ở biên giới Nga-Ukraine đang trở nên xấu hơn.

Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là điện Kremlin quyết định tấn công Ukraine, giới chức Mỹ đã thảo luận về các biện pháp siết chặt trừng phạt Nga. Nếu kịch bản này trở thành hiện thực, giá khí đốt ở châu Âu có thể vượt đỉnh 180 Bảng Anh/MWh thiết lập vào cuối năm ngoái – Capital Economics dự báo.

“Một số nước có sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, nhất là các nước Đông Âu, có thể buộc phải chuyển sang chế độ khẩu phần khí đốt”, ông Jackson nói thêm.

Tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng ở châu Âu trong quý 3 năm ngoái đã đẩy giá điện ở khu vực này lên mức cao nhất trong nhiều năm, đồng thời góp phần kéo giá dầu thế giới tăng theo. Đó là do khi không có đủ khí đốt để phát điện, các nhà máy điện ở khu vực này phải dùng thêm dầu để làm nguyên liệu đầu vào. Trong phiên giao dịch ngày 18/1, cả giá dầu Brent giao sau tại London và giá dầu WTI giao sau tại New York đều đạt mức cao nhất 7 năm.

Trong một cuộc trao đổi với CNBC, Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis nói rằng Nga là “nguyên nhân gây lo ngại” không chỉ bởi rủi ro an ninh và còn bởi Nga có ảnh hưởng về kinh tế.

Cũng trao đổi với CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Tây Ban Nha Nadia Calvino nói “mọi người đều nhận thức rất rõ ràng rằng cần phải nhìn nhận nghiêm túc về tình hình địa chính trị và ảnh hưởng tiềm tàng đối với giá năng lượng. Và chúng tôi phải tìm một giải pháp cho châu Âu sớm nhất có thể”.

Một báo cáo mới của ngân hàng đầu tư Mỹ Jefferies nhấn mạnh rằng lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu hiện đang thấp hơn so với bình thường.

Nhập khẩu khí đốt từ Nga vào khu vực Tây Bắc Âu trong thời gian từ tháng 8-12/2021 đã giảm 38% so với cùng kỳ 2018, theo dữ liệu của Jefferies. Cùng với đó, lượng khí đốt tồn kho ở châu Âu vào ngày 12/1 giảm 21% so với mức bình quân 5 năm ở cùng thời điểm.

“Chúng tôi dự báo thời kỳ giá khí đốt cao sẽ kéo dài. Dòng khí đốt từ Nga sẽ tiếp tục thấp khi bước sang mùa cao điểm tiêu thụ khí đốt cho sưởi ấm trong năm nay, giữa lúc lượng khí đốt tồn kho thấp kỷ lục”, Jefferies nhận định.

“Khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu vào cuối năm ngoái, mọi người có khuynh hướng cho rằng chuyện này sẽ không kéo dài. Nhưng nếu bạn nhìn vào các xu hướng nhu cầu hay mức đầu tư cho việc khai thác dầu khí, có thể thấy rằng tình trạng này sẽ trở đi trở lại”, ông Yergin nhận định về khủng hoảng khí đốt ở châu Âu.

An Huy -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khung-hoang-nga-ukraine-co-the-khien-gia-khi-dot-o-chau-au-tang-vot-len-dinh-moi.htm