Khủng hoảng năng lượng: Xung đột Nga-Ukraine, phương Tây trừng phạt Moscow và giải pháp 'rốt ráo' của Trung Quốc

Trung Quốc đang đẩy mạnh khai thác dầu khí nhằm chủ động, độc lập về nguồn cung năng lượng trước những rủi ro của một cuộc khủng hoảng có thể trở nên trầm trọng hơn do xung đột Nga-Ukraine.

Theo Viện Kinh tế năng lượng Trung Quốc (CNOOC), lượng dầu thô nhập khẩu của nước này trong năm 2022 có thể ở mức 501 triệu tấn, chiếm 70,9% lượng dầu sử dụng, giảm từ mức 72% của năm 2021. (Nguồn: Reuters)

Theo Viện Kinh tế năng lượng Trung Quốc (CNOOC), lượng dầu thô nhập khẩu của nước này trong năm 2022 có thể ở mức 501 triệu tấn, chiếm 70,9% lượng dầu sử dụng, giảm từ mức 72% của năm 2021. (Nguồn: Reuters)

Ông Wang Zhen, Chủ tịch Viện Kinh tế năng lượng thuộc Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) nhận định: “Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài gần 11 tháng và chưa có dấu hiệu kết thúc đã thay đổi “sâu sắc” cục diện nguồn cung năng lượng toàn cầu”".

Chủ động tăng nguồn cung nội địa

Một báo cáo của viện trên dự đoán, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục bấp bênh trong năm nay, với việc nguồn cung của Nga bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như quyết định cắt giảm nguồn cung của OPEC+.

Tại một diễn đàn năng lượng trực tuyến tháng 12/2022, ông Wang nói: “Mối quan tâm của các quốc gia đối với an ninh năng lượng đã tăng lên đáng kể sau xung đột”.

Cũng trong tháng trước, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch mới nhất nhằm tăng cường nguồn cung năng lượng nội địa bằng cách mở rộng tiêu dùng và đầu tư đến năm 2035.

Theo một tài liệu do Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố, các ưu tiên bao gồm cải thiện lượng dự trữ và tăng sản lượng dầu khí trong nước, đồng thời thúc đẩy khai thác các nguồn tài nguyên trên đất liền và ngoài khơi.

Hội đồng Nhà nước cho biết: “Chúng ta nên thúc đẩy sản xuất khí đá phiến, đồng thời nâng cao quy mô phát triển dầu đá phiến, hướng dẫn và khuyến khích vốn xã hội tham gia vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí”.

Mặc dù các kế hoạch này được nhiều người coi là một phần trong nỗ lực hồi sinh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng chúng cũng thể hiện kế hoạch của Trung Quốc trong việc giải quyết các mối lo ngại về an ninh năng lượng, vốn đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này.

Nhập khẩu năng lượng của Bắc Kinh đã giảm mạnh kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, điều này làm trầm trọng thêm việc thắt chặt nguồn cung cấp năng lượng ở châu Âu và đẩy giá dầu cũng như khí đốt toàn cầu lên cao.

Theo báo cáo của Viện Kinh tế năng lượng, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong năm 2022 có thể ở mức 501 triệu tấn, chiếm 70,9% lượng dầu sử dụng của nước này, giảm từ mức 72% vào năm 2021.

Ngược lại, cũng theo báo cáo, sản lượng trong nước đang tăng lên, với sản lượng dầu dự kiến đạt 205 triệu tấn, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Viện nghiên cứu trên ước tính, trong bối cảnh nhu cầu yếu do suy thoái kinh tế, sản lượng khí đốt của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 221,1 tỷ mét khối, với mức tăng trưởng hằng năm 6,5%.

Mới đây, CNOOC cho biết, việc sản xuất và khai thác tại mỏ khí đốt ở biển ngoài khơi tỉnh đảo Hải Nam, miền Nam nước này đã bắt đầu bước vào giai đoạn hai. Sau khi hoàn thành, sản lượng khai thác hằng năm của mỏ dự kiến sẽ tăng từ 3 tỷ lên 4,5 tỷ mét khối.

Trên toàn quốc, sản lượng khí đốt tự nhiên ngoài khơi ước tính sẽ tăng lên 23 tỷ mét khối trong năm nay, so với 21,6 tỷ mét khối của năm ngoái. Sản lượng dầu ngoài khơi của Trung Quốc dự kiến sẽ vượt 60 triệu tấn vào năm 2023.

Dần độc lập về năng lượng

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhà sản xuất lớn nhất, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ ròng vào năm 1993.

Kể từ đó, quốc gia châu Á này đã không ngừng thực hiện các kế hoạch nhằm củng cố an ninh năng lượng như thiết lập quan hệ đối tác năng lượng quốc tế ở Trung Đông và nhập khẩu hàng trăm mét khối khí đốt tự nhiên mỗi ngày thông qua các đường ống dẫn từ nhiều nước láng giềng giàu tài nguyên, bao gồm Nga và Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan.

Tuy nhiên, an ninh năng lượng của Bắc Kinh vẫn dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị, kinh tế hiện nay và tình trạng biến đổi khí hậu.

Vào tháng 12/2017, hàng nghìn gia đình ở miền Bắc Trung Quốc phải trải qua giai đoạn thiếu khí đốt trầm trọng vào mùa Đông khi Turkmenistan giảm nguồn cung. Năm 2021, việc thiếu than dẫn đến tình trạng khan hiếm điện tràn lan từ các nhà máy ven biển đến các hộ gia đình ở phía Bắc.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng gần đây nhất xảy ra vào mùa Hè năm ngoái, khi hàng trăm triệu người, từ vùng nông thôn tỉnh Tứ Xuyên ở phía Tây Nam đến tỉnh ven biển phía Đông Chiết Giang, phải chịu cảnh cắt điện vì đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán.

Tháng trước, nhà sản xuất khí đốt thuộc sở hữu nhà nước Uzbekistan đã tạm thời ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc khi quốc gia Trung Á này phải vật lộn để đối phó với nhu cầu năng lượng tăng cao trong mùa Đông.

Bắc Kinh đã nỗ lực cải thiện sản xuất dầu và khí đốt trong nước kể từ năm 2016, khi tình trạng dư thừa nguồn cung khiến giá dầu toàn cầu lao dốc nghiêm trọng. Đồng thời, sản lượng dầu thô trong nước của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, chỉ còn 199,69 triệu tấn.

Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh từ lâu đã kêu gọi các công ty trong nước tăng cường đầu tư vào thăm dò dầu khí trong nước, và trong những năm gần đây, kế hoạch này được tăng cường.

Năm 2019, Trung Quốc công bố kế hoạch hành động 7 năm nhằm tăng sản xuất và lưu trữ đối với ngành dầu khí. Các đại gia dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước cũng được yêu cầu tăng cường đầu tư tài chính và công nghệ.

Trong quá trình đó, đã có một số tiến bộ được ghi nhận. Vào tháng 11/2022, cơ quan quản lý tài nguyên thiên nhiên của Tân Cương cho biết họ đang mời thầu 5 lô thăm dò trên đất liền tại khu vực, trong thời hạn ban đầu là 5 năm.

(theo SCMP)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-xung-dot-nga-ukraine-phuong-tay-trung-phat-moscow-va-giai-phap-rot-rao-cua-trung-quoc-212797.html