Khủng hoảng năng lượng: Lệch pha cung cầu và khả năng giá dầu 'lao dốc thảm' vào năm tới?

Sự phản ứng chậm chạp của ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu trước nhu cầu tăng cao trong năm 2021 đã góp phần làm chi phí năng lượng tăng và gây ra sức ép lạm phát trên thế giới. Sự lệch pha về cung cầu ở hiện tại và tương lai gần liệu có khiến giá nhiên liệu tụt giảm mạnh vào năm 2022?

Khủng hoảng năng lượng do lệch pha cung cầu, nhưng lo ngại về dịch Covid-19 vẫn có thể ảnh hưởng lớn tới sự điều chỉnh của thị trường trong thời gian tới. (Ảnh minh họa, Nguồn: Revistaoronegro)

Khủng hoảng năng lượng do lệch pha cung cầu, nhưng lo ngại về dịch Covid-19 vẫn có thể ảnh hưởng lớn tới sự điều chỉnh của thị trường trong thời gian tới. (Ảnh minh họa, Nguồn: Revistaoronegro)

Giá nhiên liệu có sụt giảm vào năm 2022 hay không phụ thuộc vào hai nhóm nhà sản xuất dầu, vốn đang "vật lộn" để tăng sản lượng dầu sau đại dịch Covid-19 là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, cũng như các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.

2022 - cung có thể vượt cầu?

Sự phản ứng chậm chạp của ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu trước nhu cầu tăng cao trong năm 2021 đã góp phần làm chi phí năng lượng tăng và gây ra sức ép lạm phát trên thế giới. Nhu cầu dầu toàn cầu gần như đã trở lại mức trước đại dịch trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và người dân quay trở lại sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không.

Trong khi đó, nguồn cung chưa phục hồi được nhanh như vậy, do đó để đáp ứng nhu cầu, ngành công nghiệp đang phải sử dụng lượng dầu trong các kho dự trữ.

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trên 86 USD/thùng và một số nhà kinh tế cảnh báo giá dầu thô có thể vượt 100 USD/thùng, đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến, trên thị trường dầu thế giới trong quý I/2022, cung cao hơn cầu 1,1 triệu thùng/ngày và tình trạng dư cung có thể tăng lên 2,2 triệu thùng/ngày trong quý II/2022.

Tuy nhiên, những dự báo đó phụ thuộc vào việc OPEC+ thực hiện tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày, trong bối cảnh nhóm này dần dần “nới lỏng” thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà buộc phải thực hiện trong thời gian dịch bệnh.

Báo cáo hàng tháng của IEA công bố ngày 16/11 cho thấy, OPEC+ còn lâu mới đạt được mục tiêu của mình. OPEC+ sản xuất khoảng 700.000 thùng/ngày, thấp hơn các mức ghi nhận được trong tháng 9 và tháng 10/2021, phần lớn là do các nhà sản xuất hàng đầu của châu Phi là Nigeria và Angola, những nước gặp vấn đề với việc bảo trì và đầu tư, theo đó có thể sẽ ảnh hưởng đến sản lượng trong năm tới.

Nếu tình trạng sản xuất dưới mức mục tiêu vẫn tiếp tục, nó có thể “quét sạch” phần lớn thặng dư trong quý I/2022 và khiến thị trường thắt chặt trong thời gian dài hơn. IEA đã nâng dự báo giá dầu trung bình lên 79,40 USD/thùng, ngay cả khi cơ quan này cho biết nguồn cung cao hơn có thể giúp giảm giá dầu.

Công ty giao dịch hàng hóa khổng lồ Trafigura ngày 16/11 cũng đã cảnh báo về một "thị trường dầu rất thắt chặt" khi hoạt động đầu tư sản xuất giảm, một phần do sự chuyển đổi sang năng lượng xanh hơn, qua đó làm tăng thêm sức ép giá.

Mỹ và các nước tiêu thụ năng lượng lớn khác đã yêu cầu OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn, nhưng nhóm này đã từ chối do lo ngại dịch Covid-19 có thể lại làm suy yếu nhu cầu trong thời gian mùa Đông ở miền Bắc.

Tình hình mong manh, không thúc đẩy sản xuất là hợp lý?

Thị trường hiện đang hướng sự chú ý tới ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ, nơi đóng góp phần lớn nguồn cung dầu ngoài OPEC cho thị trường trong thập niên qua.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về giao dịch hàng hóa của hãng tin Reuters (Anh) tuần này, Marco Dunand, Giám đốc điều hành của Mercuria Energy Trading, cho biết, có một yếu tố có thể làm tăng sản lượng dầu lúc này, đó là dầu đá phiến ở Mỹ.

IEA dự kiến sản lượng dầu thô và chất lỏng khí tự nhiên (NGL) của Mỹ sẽ tăng mạnh 480.000 thùng/ngày trong quý II/2022 và tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong cả năm 2022.

Trong khi đó, dự báo trong ngắn hạn của EIA đưa ra thấp hơn, với tổng sản lượng dầu thô và NGL dự kiến tăng 220.000 trong quý II/2022 và tăng 1,25 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2022.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu đá phiến đã phản ứng chậm hơn so với các đợt giá tăng trước đây trong bối cảnh các nhà đầu tư được yêu cầu tuân thủ việc đầu tư vốn so với các chu kỳ bùng nổ trước đó và nhiều công ty cũng đã bị trừng phạt nếu sai phạm.

Jeffrey Currie, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs cho biết, giá dầu Brent đang ở mức 83 USD/thùng, nhưng số lượng giàn khoan dầu không có sự đột biến lớn.

Trong khi đó, IEA cho rằng mức giá dầu hiện nay mang đến một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy hoạt động sản xuất tại Mỹ ngay cả khi các nhà khai thác tuân thủ các cam kết kỷ luật vốn.

Các công ty dầu đá phiến cũng đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động và thiết bị, trong khi các công ty khác cho rằng, nhu cầu vẫn chưa ổn định để thúc đẩy sản lượng khi ngành này phục hồi sau sự sụt giảm do đại dịch gây ra.

William Berry, Giám đốc điều hành tại Continental Resources cho biết, tình hình vẫn còn khá mong manh. Việc các nước không thúc đẩy sản xuất là điều hợp lý. IEA giữ triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu ổn định ở mức 5,5 triệu thùng/ngày cho năm 2021 và 3,4 triệu thùng/ngày trong năm 2022.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-lech-pha-cung-cau-va-kha-nang-gia-dau-lao-doc-tham-vao-nam-toi-165423.html