Khủng hoảng Mỹ-Thổ: Vì sao Nga không hề sợ lộ bí mật S-400 cho NATO mà Mỹ cứ lo ngại 'mơ hồ'?

Trớ trêu thay, chỉ mỗi Washington bày tỏ sự không hài lòng và lo ngại về việc lộ bí mật F-35, còn 'người bán' như Moscow thì không nghĩ gì khi để lộ công nghệ S-400.

Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm thực hiện hợp đồng S-400.

Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm thực hiện hợp đồng S-400.

Vấn đề S-400 đang trở nên phức tạp hơn với việc Washington không chấp nhận sự cương quyết của Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ tiếp tục khẳng định rằng thỏa thuận nên dừng lại, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ coi việc mua hệ thống phòng không Nga là "thỏa thuận đã được thực hiện".

Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar đã có các cuộc họp quan trọng với giới chức Mỹ vào tháng trước và khi nói về tình hình gần đây với các phóng viên, ông nói rằng Mỹ vẫn đang cố gắng ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400. Tuy nhiên, Ankara quyết tâm thực hiện thỏa thuận này.

Do không có sự thay đổi dự kiến nào trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc mua vũ khí Nga, nên có thể Mỹ sẽ cố gắng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, Ankara đang thực hiện các bước chuẩn bị để ứng phó.

“Nếu nhìn vào bức tranh lớn hơn, chúng ta thấy một vấn đề rất rõ ràng. Washington cố gắng thao túng các quyết định chính sách đối ngoại của các quốc gia khác bằng vũ lực, xây dựng các rào cản chống lại thương mại tự do và thúc đẩy các Chính phủ phải tuân theo mình”, cây bút Nagehan Alci nhận định trên Daily Sabah.

Theo cây bút Alci, hợp đồng S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là một câu chuyện nói về việc chống lại sự áp đặt đó. Tất nhiên, điều này không dễ dàng. Và quan trọng hơn, vũ khí Nga sẽ không là lý do đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi khối ảnh hưởng của phương Tây. Ankara có mối quan hệ chặt chẽ với phương Đông và phương Tây và nên giữ vững lập trường của mình mà không đưa ra quá nhiều nhượng bộ.

Theo cây bút Alci, đó là lý do tại sao một giải pháp tốt để vượt qua cuộc khủng hoảng S-400 hiện tại có thể là cứ để vấn đề này “nguội” đi theo thời gian. Không bên nào có thể thực hiện các bước đi tiếp theo vì cả hai đều tự giới hạn lập trường của mình và hơn cả là khán giả quốc tế đang tập trung theo dõi chủ đề này.

Thổ Nhĩ Kỳ đang hoàn thành trách nhiệm của mình trong dự án F-35 và hy vọng chương trình sẽ tiếp tục như kế hoạch. Tuy nhiên, Mỹ khăng khăng tuyên bố rằng S-400 không thể được tích hợp vào các hệ thống NATO và gây nguy hiểm cho vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong kế hoạch F-35.

“Đó không phải là về sự tích hợp của một hệ thống; đó là về sự hợp nhất của Thổ Nhĩ Kỳ vào đường chân trời do người Mỹ kiểm soát”, Alci nêu quan điểm. “Đó là vấn đề khiến Thổ Nhĩ Kỳ chống đối. Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ không nên đi theo chính sách đối đầu mà nên tiến hành ngoại giao cửa sau để thuyết phục chính phủ Donald Trump”.

Thổ Nhĩ Kỳ nên ngoại giao "cửa sau" với chính quyền Trump.

Điều quan trọng nhất đó là không có điều khoản nào trong thỏa thuận F-35 nói rằng một quốc gia sẽ bị loại khỏi kế hoạch nếu mua S-400. Thổ Nhĩ Kỳ đã trả 1,2 tỷ USD và sản xuất các bộ phận được đặt hàng trong thời gian qua.

Mỹ nên xem xét lại đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ và ngừng gây áp lực để lấn át các quyết định lớn vì hành vi đó có khả năng biến đồng minh thành kẻ thù, cây bút Alci nhấn mạnh.

Erdogan Karakush, một trung tướng nghỉ hưu của không quân Thổ Nhĩ Kỳ thì tin rằng, quan điểm của Mỹ về vấn đề F-35 là không hợp pháp.

“Không có thông tin nào trong chương trình F-35 có nhắc đến S-400. Tất cả điều này chỉ là một cái cớ. Mục tiêu chính của người Mỹ là đình chỉ việc giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tình huống này, người ta không chỉ chú ý đến lập trường của Mỹ mà phải nhìn sang cả Israel và Hy Lạp, những nước quan tâm đến việc có được các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD để cung cấp phụ tùng cho chương trình F-35. Theo thỏa thuận hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang có các hợp đồng này. Họ quan tâm đến việc loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình để có các hợp đồng trên. Vì vậy, căng thẳng không chỉ giới hạn ở mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ hay S-400”, Karakush giải thích.

Bằng cách cung cấp một hệ thống vũ khí hiện đại và tinh vi như S-400 cho một quốc gia thành viên NATO, Nga đã thể hiện một lập trường táo bạo và tận tụy. Trên thực tế, người Nga cũng có thể bày tỏ mối lo ngại về khả năng NATO nắm được thông tin về S-400.

Trớ trêu thay, chỉ có mỗi Washington bày tỏ sự không hài lòng và lo ngại về điều này, còn “người bán” như Moscow thì không.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khung-hoang-my-tho-nga-khong-so-lo-bi-mat-s-400-cho-nato-thi-sao-my-phai-so-a435176.html