Khủng hoảng lương thực ở Địa Trung Hải

Đối thoại cấp bộ trưởng lần thứ nhất về khủng hoảng lương thực khu vực Địa Trung Hải vừa được tổ chức tại Rome (Italy), trong bối cảnh tình trạng mất an ninh lương thực đang lan rộng trên thế giới.

Khủng hoảng lương thực đang lan rộng tại nhiều quốc gia khu vực Địa Trung Hải. Ảnh: CHINA DAILY

Khủng hoảng lương thực đang lan rộng tại nhiều quốc gia khu vực Địa Trung Hải. Ảnh: CHINA DAILY

Tình trạng thiếu lương thực lan rộng

Đối thoại do Bộ trưởng Ngoại giao Italy L.Di Maio chủ trì, với sự phối hợp của các nước Đức (nước Chủ tịch luân phiên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới - G7), Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - G20 ), Lebanon (quốc gia đang đối mặt khủng hoảng) và sự tham dự của Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), cùng đại diện 24 quốc gia khu vực Địa Trung Hải và bảy tổ chức quốc tế liên quan.

Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Di Maio nhấn mạnh, Nga và Ukraine đóng góp khoảng 30% sản lượng lúa mì cho thị trường thế giới, trong đó 50 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi và khu vực Địa Trung Hải, phụ thuộc nguồn cung cấp này. Tuy nhiên, giá lúa mì và các loại lương thực thiết yếu liên tục tăng suốt thời kỳ đại dịch, do đó vấn đề giải tỏa hàng triệu tấn lúa mì và các loại lương thực đang mắc kẹt ở Ukraine trở nên rất cấp bách. Theo Bộ trưởng Di Maio, nạn đói và mất an ninh lương thực luôn là chủ đề hàng đầu trong nghị trình quốc tế, nhưng hiếm khi tình trạng khan hiếm lương thực lại gây tác động rộng trên phạm vi toàn cầu như hiện nay.

Bộ trưởng Hợp tác kinh tế và Phát triển Đức Svenja Schulze khẳng định, một cuộc khủng hoảng toàn cầu đòi hỏi sự quan tâm ở mức độ toàn cầu. Đây là cuộc khủng hoảng “tồi tệ nhất” mà thế giới, nhất là các nước khu vực châu Phi và Trung Đông, đang phải đối mặt trong những thập niên gần đây. Đại diện Chính phủ Đức khẳng định, trong vai trò Chủ tịch luân phiên G7, Berlin tích cực ủng hộ các hành động chung của LHQ nhằm ứng phó khủng hoảng lương thực.

Các cuộc khủng hoảng chồng chéo đang làm đình trệ hoạt động sản xuất và tiếp cận lương thực của hàng triệu người trên thế giới. Trong vài tháng qua, FAO đã liên tục cảnh báo về nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu. Theo Báo cáo khủng hoảng lương thực toàn cầu của FAO, số người bị đói trên thế giới năm 2021 đã lên tới gần 193 triệu, tăng 40 triệu người so năm 2020 và sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Khoảng 811 triệu người bị suy dinh dưỡng năm 2020, nhiều hơn 161 triệu người so năm 2019. Theo FAO, xung đột có thể làm số người bị suy dinh dưỡng tăng thêm 18,8 triệu vào năm 2023.

FAO kêu gọi tài trợ nhiều hơn cho nông nghiệp. Ảnh: GETTY

Tìm giải pháp tháo gỡ

FAO kêu gọi tài trợ nhiều hơn cho nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực và thực phẩm trong các tình huống khủng hoảng. Hiện, chỉ 8% tổng tài trợ cho lĩnh vực an ninh lương thực được dành cho nông nghiệp. Năm 2021, FAO đã hỗ trợ nông nghiệp khẩn cấp và các chương trình xây dựng khả năng chống đỡ cho hơn 30 triệu người trên thế giới. Tại Afghanistan, FAO đã cung cấp các gói canh tác lúa mì với giá 160 USD/gói cho ba triệu người, đáp ứng được các yêu cầu về ngũ cốc chủ yếu cho một gia đình bảy người trong cả năm. Ở Ethiopia, bất chấp những khó khăn về đi lại, FAO và các đối tác đã cung cấp hạt giống và vật tư nông nghiệp giúp nông dân địa phương sản xuất 900.000 tấn lương thực, gấp năm lần số lương thực nhân đạo và thương mại được cung cấp cho khu vực.

Để ngăn chặn sự gia tăng của xu hướng mất an ninh lương thực nghiêm trọng những năm tới, FAO khuyến nghị các nước ưu tiên mở rộng sản xuất lương thực bằng cách cung cấp tài chính và đầu vào thiết yếu cho sản xuất ngũ cốc, rau quả cũng như bảo vệ vật nuôi. Khu vực nhà nước và tư nhân cần tham gia các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản để hỗ trợ những nông dân sản xuất nhỏ và các hộ gia đình. Cộng đồng toàn cầu cũng cần phân bổ các nguồn lực mới để duy trì sản xuất nông nghiệp, đầu tư nhiều hơn vào đổi mới và công nghệ mới. Các nước cần nỗ lực giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí lương thực, đồng thời sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, canh tác.

Trên bình diện quốc tế, những hành động đa phương, tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy an ninh lương thực, bảo đảm các chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối... đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, một yếu tố mấu chốt không thể thiếu nhằm bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu là những biện pháp toàn diện và bền vững trong ứng phó biến đổi khí hậu, ngăn ngừa và thúc đẩy giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình.

MINH KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-quocte/khung-hoang-luong-thuc-o-dia-trung-hai-701108/