Khủng hoảng khí đốt sắp xảy ra tại châu Âu?

Đợt nắng nóng lịch sử đang diễn ra tại châu Âu đã làm tăng nhu cầu về năng lượng và khu vực này đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng khí đốt toàn diện.

Một đợt khủng hoảng khí đốt tại châu Âu có thể đến vào thời điểm tồi tệ nhất. Người dân địa phương đi ngang qua một hiệu thuốc có bảng hiển thị nhiệt độ ngoài trời 42,5 độ C ở Toulouse, miền Nam nước Pháp ngày 17/7. (Nguồn: AFP)

Một đợt khủng hoảng khí đốt tại châu Âu có thể đến vào thời điểm tồi tệ nhất. Người dân địa phương đi ngang qua một hiệu thuốc có bảng hiển thị nhiệt độ ngoài trời 42,5 độ C ở Toulouse, miền Nam nước Pháp ngày 17/7. (Nguồn: AFP)

Ngày 11/7, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) - huyết mạch quan trọng nối khí đốt của Nga với khu vực châu Âu tạm ngưng hoạt động để bảo trì định kỳ. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) lo ngại, Nga sẽ khóa van đường ống này hoàn toàn để trả đũa các lệnh trừng phạt mà khối đã áp đặt kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hồi đầu tháng này cho biết, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra và nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 cung cấp 55 tỷ m³ khí đốt mỗi năm cho châu Âu.

Trước đó, Moscow cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang một số nước châu Âu. Tháng 6 sau khi Gazprom - "gã khổng lồ" khí đốt Nga cắt giảm 60% xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc dưới biển Baltic, với lý do phương Tây giữ lại các tuabin quan trọng của đường ống vì các lệnh trừng phạt.

Một đợt khủng hoảng khí đốt có thể đến vào thời điểm tồi tệ nhất.

Châu Âu đang trải qua những ngày oi bức dưới cái nóng kỷ lục. Ngày 15/7, Cơ quan khí tượng Anh lần đầu ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng, khi nhiệt độ ở một số khu vực tại nước này được dự báo lần đầu tiên chạm mức 40 độ C, phá vỡ kỷ lục nắng nóng từng ghi nhận là 38,7 độ C năm 2019.

Nước Pháp cũng đang đối mặt đợt nắng nóng cao điểm từ Địa Trung Hải tới Brittany ở Tây Bắc. Có 15 khu vực đang được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất vì nhiệt độ cao. Nhiệt độ ở miền Tây nước Pháp dự kiến từ 38-40 độ C.

Thậm chí, một số khu vực tại Pháp và Tây Ban Nha đang phải chống chọi với cháy rừng khi nhiệt độ dự kiến tăng trên 40 độ C (104 độ F) trong những ngày tới.

Nhiệt độ tăng cao khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đặc biệt với các thiết bị điều hòa không khí.

Enagas, nhà điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Tây Ban Nha cho biết, nhu cầu về khí đốt tự nhiên để sản xuất điện đạt mức kỷ lục mới là 800 Gigawatt/giờ.

Enagas nhấn mạnh: “Nhu cầu về khí đốt tự nhiên để sản xuất điện tăng mạnh chủ yếu là do đợt nắng nóng bao trùm châu Âu”.

Hiện tại, các nước châu Âu đang chạy đua để lấp đầy các khu dự trữ khí đốt để tránh tình trạng thiếu hụt năng lượng có thể xảy trong mùa Đông tới.

Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, vài tháng tới là thời điểm rất quan trọng để EU củng cố nguồn cung khí đốt.

Ông Fatih Birol nói thêm: “Nếu Nga quyết định cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt trước khi châu Âu có thể nâng mức dự trữ lên đến 90%, tình hình sẽ nghiêm trọng và thách thức hơn”.

Theo Cơ quan hạ tầng khí châu Âu, mức dự trữ khí đốt trên toàn EU hiện ở mức khoảng 64%.

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-khi-dot-sap-xay-ra-tai-chau-au-191212.html