Khủng hoảng kéo dài

Kinh tế thế giới đang có nguy cơ rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài khi hầu hết các nền kinh tế đang có 'một năm kinh tế buồn', tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt và thương mại hàng hóa toàn cầu giảm xuống mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, đại dịch Covid-19 có thể sẽ kéo dài một đến hai năm nữa.

Kinh tế thế giới đang có nguy cơ rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài khi hầu hết các nền kinh tế đang có "một năm kinh tế buồn", tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt và thương mại hàng hóa toàn cầu giảm xuống mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, đại dịch Covid-19 có thể sẽ kéo dài một đến hai năm nữa.

Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên toàn thế giới, với hơn 23 triệu người nhiễm bệnh vào cuối tuần qua. Dịch bệnh đã nhấn chìm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế và đang tiếp tục vẽ thêm những "khoảng tối" trên bức tranh kinh tế toàn cầu.

Các số liệu thống kê tính đến hết quý II năm nay đã cho thấy chắc chắn thế giới sẽ có "một năm kinh tế buồn". Tốc độ tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển và mới nổi đều sụt giảm mạnh. Trong đó, hầu hết các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản đều rơi vào tình trạng "xuống dốc không phanh". Tốc độ tăng trưởng âm tới hai con số được ghi nhận ở nhiều nền kinh tế. Trong khi đó, tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi chủ chốt như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nga, các nước thuộc khu vực Ðông - Nam Á, tốc độ tăng trưởng đều sụt giảm đáng kể so với ước tính ban đầu.

Kinh tế thế giới đã khép lại nửa đầu năm 2020 đầy biến động với nhiều lo ngại, và nhân tố tác động được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là Covid-19. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh mất việc làm, hàng nghìn doanh nghiệp bị phá sản, hoạt động thương mại, sản xuất trên thế giới đều ít nhiều đình trệ và khiến nhiều nền kinh tế phải chứng kiến mức suy giảm mạnh chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Thống kê mới nhất mà Chính phủ Mỹ công bố cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong quý II năm nay đã sụt giảm 33%, ghi dấu số liệu kém nhất kể từ năm 1947. Trước đó, kinh tế Mỹ đã giảm 5% trong quý I và chính thức rơi vào suy thoái, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài 11 năm liên tiếp. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch đã cảnh báo rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng nợ công cao và thâm hụt ngân sách tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng Covid-19.

Trong khi đó, đại dịch cũng đã "phủ bóng đen" lên kinh tế châu Âu khiến tăng trưởng tại các nền kinh tế của "lục địa già" đều suy giảm mạnh. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, trong quý II-2020, kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đã bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối này giảm 12,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995. Ngay cả "đầu tàu kinh tế khu vực" là Ðức cũng thông báo GDP sụt 10,1%, trong khi GDP của Pháp giảm tới 13,8% trong quý vừa qua.

Bức tranh kinh tế châu Á cũng nhuốm mầu xám xịt khi tại nền kinh tế lớn nhất châu lục là Trung Quốc, tính chung trong sáu tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Dịch Covid-19 và lũ lụt nghiêm trọng đang đe dọa cuốn phăng nỗ lực phục hồi kinh tế của nước này. Tại Nhật Bản, nền kinh tế cũng lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015 do tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. So với cùng kỳ năm 2019, GDP của Nhật Bản suy giảm tới 3,4% trong quý I tài khóa 2020 (kết thúc vào tháng 6-2020) khi cả tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều sụt giảm. Trước đó, trong quý IV tài khóa 2019, kinh tế nước này đã ghi nhận mức giảm 7,3%.

Trong bối cảnh các nền kinh tế khó khăn, các lĩnh vực kinh tế then chốt từ sản xuất đến dịch vụ, tiêu dùng đều bị ngưng trệ đáng kể. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết, thước đo thương mại hàng hóa của tổ chức này đã chạm mức thấp kỷ lục, cho thấy thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong quý II-2020 khi đại dịch lan rộng. Theo đó, chỉ số thương mại hàng hóa dừng ở mức 84,5 điểm, giảm 18,6 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt và sức ép bảo đảm an sinh xã hội đang ngày càng trở thành gánh nặng với các nền kinh tế.

Mặc dù các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đã tung ra các gói kích cầu lớn và kỳ vọng những "quả đấm thép" này phá tan "vòng vây khó khăn" do dịch Covid-19. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều có sự đồng thuận về nhận định kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể thấy "ánh sáng cuối đường hầm" và khó có thể phục hồi trong ngắn hạn. WTO cảnh báo một biểu đồ hồi phục kinh tế hình chữ L, thay vì hình chữ V như mong đợi, có nguy cơ xảy ra.

Việc khi nào kinh tế toàn cầu có thể lấy lại đà phục hồi phụ thuộc lớn vào thời điểm cuộc khủng hoảng Covid-19 chấm dứt. Tuy nhiên, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.Ghê-brây-ê-xút vừa nhận định, cuộc khủng hoảng Covid-19 khó có thể sớm kết thúc và có thể kéo dài một đến hai năm tới. Với tiên lượng không mấy lạc quan này, giới phân tích quan ngại rằng, kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào tình trạng "trầm cảm kéo dài" và chưa biết khi nào mới có thể phục hồi tăng trưởng.

Việt Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/khung-hoang-keo-dai-614050/