Khủng hoảng điện than: Khi thị trường còn bị can thiệp giá

Gần đây, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục cầu cứu tới các cơ quan chức năng về nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng do tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) không cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện. Điều này thật trái ngược vì cũng chính EVN vào tháng 5 năm ngoái đã đề xuất Chính phủ giảm mua hai triệu tấn than của TKV vì than nội địa giá cao, chất lượng không tốt. Nghịch lý thừa than cũng 'than' và thiếu than lại 'cầu cứu' này xuất phát từ cơ chế can thiệp giá và hạn chế nguồn cung rất phi thị trường tại Việt Nam.

Nút thắt của thị trường mua bán than sản xuất điện năng hiện nay nằm ở sự can thiệp giá và hạn chế nguồn cung. Ảnh: THÀNH HOA

Theo EVN, các nhà máy nhiệt điện trên toàn miền Bắc đang trong tình trạng khan hiếm than và hiện phải hoạt động cầm cự, thậm chí dừng một phần sản xuất trong những tháng cuối năm. Cụ thể, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn than (không đủ một ngày vận hành); Nhiệt điện Hải Phòng chỉ còn trên 6.600 tấn (khoảng năm ngày vận hành), Nhiệt điện Phả Lại cầm cự được trong khoảng 10 ngày tới. Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh đã phải dừng hoạt động hai tổ máy từ đầu tháng 11 đến nay do nguồn cung không đủ cầu.

Trong công văn mới nhất, số 5997/EVN-KTSX gửi Bộ Công Thương vào ngày 20-11-2018, EVN cho biết tại cuộc họp giữa các bên, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cam kết cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sản xuất nhưng thực tế lượng than cấp nhỏ giọt.

Vì đâu nên nỗi?

Thực trạng thiếu than cho sản xuất điện vào những tháng cuối năm nay có thể được giải thích bằng cả những yếu tố về cung và cầu.

Về phía cầu, nhu cầu sản xuất nhiệt điện tăng cao hơn những năm trước do hạn hán khiến thủy điện thiếu nước. Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tình hình hạn hán ở miền Trung căng thẳng nên khu vực này không huy động được các nhà máy thủy điện công suất lớn. Để đảm bảo điều độ hệ thống điện, các nhà máy nhiệt điện than được huy động cao hơn so với mức huy động bình quân, sản lượng dự báo lên tới 47,3% toàn hệ thống cung ứng điện trong khi mọi năm nhiệt điện chỉ chiếm 40%. Đây là nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ than của các nhà máy nhiệt điện tăng cao, tạo áp lực lên các đơn vị cung ứng.

Về phía cung, nguồn cung than để sản xuất nhiệt điện vừa bị hạn chế bởi chính sách, vừa bị ảnh hưởng gián tiếp bởi những biến động giá trên thị trường quốc tế.

Thứ nhất, theo quy định trong Chỉ thị 21/CT-TTg năm 2015, EVN chỉ được phép mua than để sản xuất điện từ hai đơn vị là TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Do đó, ngay cả khi thiếu hụt nguồn than cho sản xuất điện thì các nhà máy nhiệt điện cũng chỉ có thể yêu cầu đối tác nội địa tăng sản lượng hoặc cầu cứu cấp trên chứ không được phép mua thêm từ các nguồn than bên ngoài.

Thứ hai, nguồn dự trữ than trong nước cho sản xuất nhiệt điện không còn sẵn có như trước do tăng trưởng nóng xuất khẩu. Giá cả than thế giới tăng mạnh từ năm 2016 do kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh và nguồn cung than thu hẹp do sự thay đổi chính sách của các nhà xuất khẩu lớn. Giá than nhiệt, loại than chủ yếu cho sản xuất nhiệt điện, đã tăng 130% kể từ năm 2016 sau khi chạm mức thấp kỷ lục 50 đô la Mỹ/tấn. Than nhiệt giao ngay tại cảng Newcastle (Úc) ngày 8-7-2018 đạt 115,25 đô la Mỹ/tấn, cao nhất trong vòng hơn sáu năm. Một nhà xuất khẩu than nhiệt lớn khác trong khu vực là Indonesia cũng đạt đỉnh giá vào tháng 8-2018, khi loại than nhiệt chất lượng cao (hàm lượng 6.300 kcal/kg) có giá lên tới 118,9 đô la Mỹ/tấn. Đến tháng 10-2018, giá tham chiếu than nhiệt của Indonesia (HBA) có giảm đôi chút nhưng vẫn cao hơn 7,3% so với năm trước.

Trong bối cảnh giá than thế giới đã tăng kỷ lục, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ cũng tăng mạnh, từ mức 22.735 đồng/đô la (ngày 1-1-2018) lên tới 23.390 đồng/đô la (vào tháng 8-2018), tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp than trong nước xuất khẩu.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong bảy tháng đầu năm 2018, xuất khẩu than đá đạt 1,41 triệu tấn, tương đương 190,17 triệu đô la Mỹ, tăng 19,4% về lượng và tăng 14,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo tài chính của các công ty than đã được cổ phần hóa cho thấy hàng loạt doanh nghiệp trong ngành vừa báo lãi vượt xa kế hoạch cả năm. Lợi nhuận quí 3-2018 của Than Hà Lầm tăng 79% so với cùng kỳ, của Than Hà Tu - Vinacomin gấp 7 lần so với cùng kỳ. Than Đèo Nai đã vượt 64% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đáng chú ý là vào tháng 9 năm ngoái, Bộ Tài chính đã tổ chức hiệp thương giá giữa EVN và TKV. Tuy thông tin giá mua than của EVN không được tiết lộ nhưng khả năng cao là giá mua than này thấp hơn giá thị trường vào thời điểm năm nay. Do đó, các doanh nghiệp than càng ít động lực tăng sản lượng để bán than cho các nhà máy nhiệt điện.

Một hạn chế nữa của ngành than đó là hầu hết than khai thác được công ty mẹ TKV mua với giá và sản lượng theo kế hoạch. Tuy năng suất và chi phí sản xuất than khác nhau ở các mỏ khác nhau, các công ty khác nhau nhưng giá mua than cơ bản là giống nhau. Điều này hạn chế khả năng tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao.

Ngoài ra, theo điều tra của báo Lao động, một góc khuất của thị trường mua bán than chính là ở các nhà máy nhiệt điện. Một số nhà máy nhiệt điện không ký hết sản lượng với TKV bởi nguồn than trôi nổi và nhập khẩu luôn có sẵn với giá rẻ hơn giá mua từ TKV, dẫn đến các nhà máy “chân trong, chân ngoài” thu mua với mục đích gửi giá cùng ăn chia. Trong các năm trước, TKV đã liên tục than phiền về tình trạng các nhà máy nhiệt điện không mua đủ sản lượng cam kết.

Khi thị trường đảo chiều, các nhà máy nhiệt điện không mua được than trôi nổi nữa thì trở tay không kịp vì không ký hợp đồng dài hạn đảm bảo với TKV. Các doanh nghiệp bán than cũng không còn dư dả dự trữ mà nếu có thì cũng không muốn bán thêm ngoài hợp đồng vì giá thấp hơn giá xuất khẩu. Theo EVN, lượng than tồn kho của Công ty Tuyển than Hòn Gai và Công ty Tuyển than Cửa Ông chỉ còn khoảng 200.000 tấn/đơn vị so với cả triệu tấn những năm trước. Trước những cáo buộc của EVN, TKV cũng đã phản bác lại để khẳng định cam kết hợp đồng: “Đã cấp đủ than, thậm chí vượt hợp đồng cho các nhà máy của tập đoàn Điện lực”.

Nút thắt thực sự nằm ở sự can thiệp giá và hạn chế nguồn cung

Như vậy, có thể nói, nút thắt của thị trường mua bán than sản xuất điện năng hiện nay nằm ở sự can thiệp giá và hạn chế nguồn cung. Các chính sách này tuy có thể được thiết kế với mục tiêu tốt đẹp, ví dụ bao tiêu đầu ra cho than nội địa, tạo việc làm cho lao động ngành than, bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia... nhưng thực ra lại lợi bất cập hại.

Khi giá than còn rẻ, các doanh nghiệp nhiệt điện phải mua than nội địa giá cao, chất lượng kém hơn than nhập khẩu sẽ phải nâng giá thành sản xuất điện hoặc thậm chí tìm cách mua “chui” than ngoài thị trường trôi nổi. Khi than tăng giá, lại đến lượt các doanh nghiệp bán than cháy hàng, không còn động lực nâng cao sản lượng phục vụ nhu cầu gia tăng của ngành điện. Về lâu dài, chính sách can thiệp phi thị trường kiểu này sẽ vừa ảnh hưởng xấu tới phúc lợi xã hội, không khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, phát triển bền vững, vừa tạo ra kẽ hở để một nhóm nhỏ lợi dụng.

Văn Thịnh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282519/khung-hoang-dien-than-khi-thi-truong-con-bi-can-thiep-gia.html