Khủng hoảng chính trị ở Minsk: Các nước Baltic muốn 'làm gương', giáng đòn vào TT Lukashenko

Vào hôm 31/8, các nước Baltic: Litva, Latvia và Estoni đã áp lệnh cấm đi lại đối với Tổng thống Belarus Lukashenko và 29 quan chức khác có trách nhiệm trong cuộc bầu cử ngày 9/8.

Theo Deutsche Welle (DW - Đức) Động thái cho thấy sự mất kiên nhẫn của phương Tây trong cách chờ Belarus giải quyết vấn đề.

DW cho rằng, ba quốc gia vùng Baltic là những quốc gia có tiếng nói nhất trong việc kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) cũng như các quốc gia khác hành động quay lưng lại với Tổng thống Alexander Lukashenko sau khi nhà lãnh đạo này bị các đối thủ và phương Tây cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Belarus hôm 9/8.

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda phát biểu, "Chúng tôi nói cần những đối thoại và thỏa thuận hòa bình giữa chính quyền Belarus và công chúng, nhưng chính quyền [Belarus] chưa sẵn sàng cho điều này. Chúng tôi thấy mình cần đứng lên để làm gương cho các nước khác."

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda. Ảnh: DW

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda. Ảnh: DW

Đức triệu tập Đại sứ Belarus

Cũng trong ngày 31/8, Bộ Ngoại giao Đức cho biết họ đã triệu tập Đại sứ Belarus sau động thái Belarus giam giữ các nhà báo nước ngoài.

Các nhà chức trách tại Belarus đã tước quyền hoạt động của một số phóng viên vào cuối tuần trước, vài người trong số đó được cho là bị trục xuất khỏi nước này.

Theo DW, các nhà báo làm việc cho các hãng tin AFP và AP cũng như đài truyền hình BBC (Anh), ARD (Đức) và Radio Liberty (Mỹ) đã bị tước quyền hoạt động.

Ngoại trưởng Đức Heiko Mass đã lên án các động thái chống lại phương tiện truyền thông nước ngoài, ông gọi đó là hành động "không chấp nhận được" và hiện Bộ Ngoại giao Đức cần trao đổi khẩn cấp với Đại sứ Belarus tại Berlin.

Biểu tình tiếp diễn, Mỹ cảnh báo Nga

Các cuộc biểu tình lớn đã xảy ra liên tiếp trong ba tuần sau cuộc bầu cử tổng thống của Belarus hôm 9/8. Vào ngày 30/8, hàng chục nghìn người lại tiếp tục xuống đường biểu tình ở Minsk, tìm cách duy trì áp lực, buộc tổng thống đương nhiệm Lukashenko phải từ chức.

RIA (Nga) dẫn lời Bộ Nội vụ Belarus cho biết có ít nhất 140 người đã bị bắt trong cuộc biểu tình gần đây nhất.

Tổng thống Lukashenko vẫn duy trì mối quan hệ là đồng minh của Nga và liên tục bác bỏ ý kiến cho rằng có gian lận trong bầu cử, cùng lúc đó, nói những người biểu tình được các cường quốc nước ngoài hậu thuẫn.

Biểu tình ở Belarus. Ảnh: Reuters

Mỹ cảnh báo rằng Nga phải tôn trọng chủ quyền của Belarus và quyền được bầu chọn lãnh đạo của người Belarus.

Thư kí báo chí tại Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết: "Số lượng lớn người Belarus biểu tình trong hòa bình cho thấy chính quyền không thể làm ngơ trước lời kêu gọi dân chủ của dân chúng, và Nga phải tôn trọng chủ quyền của Belarus cũng như quyền được bầu chọn lãnh đạo một cách công bằng và dân chủ của người dân Belarus."

Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun tuần trước cho biết sự can thiệp quân sự của điện Kremlin tới Belarus sẽ "không được hoan nghênh", nhưng bổ sung rằng Mỹ không có ý định can thiệp. Ông cũng khuyến khích Minsk nên chấp nhận hòa giải từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.

Thúy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/khung-hoang-chinh-tri-o-minsk-cac-nuoc-baltic-muon-lam-guong-giang-don-vao-tt-lukashenko-8202019151612600.htm