Khủng hoảng chính trị Belarus: 2 gọng kìm phương Tây

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cáo buộc phương Tây can thiệp trực tiếp vào tình hình Belarus bằng cả quân sự lẫn chính trị.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko mới đây đã lên tiếng cáo buộc phương Tây “can thiệp trực tiếp” vào tình hình ở nước Cộng hòa này sau cuộc bầu cử Tổng thống. Theo ông, cả Mỹ-Liên minh châu Âu và khối quân sự NATO đang gây sức ép với chính quyền Minsk.

Theo ông, tình hình bất ổn ở Belarus là do Mỹ chỉ đạo, châu Âu thì hùa theo, còn NATO thì giơ nắm đấm.

EU gây sức ép chính trị với Belarus

Ngay sau khi Ủy ban bầu cử Belarus công bố kết quả bầu cử với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử ở nước này - người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết sau hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp hôm 19/8. Ông Michel kêu gọi Minsk tìm ra con đường giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình.

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định rằng “chắc chắn các cuộc bầu cử ở Belarus là không trung thực và không công bằng”.

Theo bà Merkel, các nhà lãnh đạo EU lên án bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa ở Belarus, "vụ bắt giữ hàng nghìn người Belarus" và "kêu gọi chế độ Lukashenko ngừng sử dụng vũ lực, đảm bảo tự do ngôn luận và hội họp."

Bà nhấn mạnh rằng, các tù nhân Belarus "phải được trả tự do vô điều kiện" và Belarus phải tự tìm ra con đường riêng của mình, điều này phải diễn ra thông qua đối thoại trong nước, không có sự can thiệp từ bên ngoài. EU ủng hộ đối thoại quốc gia, như phe đối lập ở Belarus đang đề xuất, có thể với sự tham gia của OSCE.

Liên minh châu Âu cũng tuyên bố áp lệnh trừng phạt chống lại những nhân vật chịu trách nhiệm trước tình trạng xảy ra bạo lực ở Belarus. Ngoài ra, EU sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với "một số lượng đáng kể những người chịu trách nhiệm về bạo lực ở nước cộng hòa và gian lận bầu cử."

EU cũng tuyên bố sẽ phân bổ 53 triệu euro "để hỗ trợ người dân Belarus", trong đó 1 triệu sẽ dành để hỗ trợ xã hội dân sự và truyền thông độc lập.

“Chúng tôi đã cung cấp rất nhiều hỗ trợ cho Belarus thông qua chương trình Đối tác phương Đông, nhưng giờ đây, điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải có mặt bên cạnh người dân Belarus và lập trình lại quỹ, chuyển hướng từ chính quyền Belarus sang phía xã hội dân sự và các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Ủy ban Châu Âu hiện đang huy động thêm 53 triệu euro để hỗ trợ người dân Belarus trong những thời điểm khó khăn này” - bà Ursula von der Leyen - người đứng đầu Ủy ban châu Âu, tuyên bố.

Belarus đã tăng cường binh lực tới biên giới phía Tây giáp với NATO

Belarus đã tăng cường binh lực tới biên giới phía Tây giáp với NATO

Người đứng đầu EC làm rõ rằng, 2 triệu euro trong số tiền này được lên kế hoạch phân bổ "để hỗ trợ các nạn nhân bị đàn áp và chịu bạo lực không thể chấp nhận được từ phía nhà nước", 1 triệu euro khác để hỗ trợ xã hội dân sự và truyền thông độc lập.

50 triệu euro còn lại là hỗ trợ khẩn cấp trong bối cảnh coronavirus cho ngành y tế, chẳng hạn như cho các bệnh viện, đặc biệt, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này.

NATO gây sức ép quân sự với Belarus

The nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko, các cơ quan an ninh nước này đã nắm được thông tin về một trung tâm chỉ đạo đặc biệt cho cuộc chính biến ở Belarus đã được thành lập gần Warsaw.

Ông cũng chỉ ra rằng, các lực lượng quân sự của NATO đang áp sát biên giới phía tây và nam đất nước. Máy bay, xe tăng của Mỹ và các nước NATO ở châu Âu đã sẵn sàng cho các chiến dịch quân sự ở trên không và trên mặt đất. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang nước này đã có sự chuẩn bị.

Nhà lãnh đạo đã chỉ rõ những dấu hiệu “hỗ trợ quân sự” của các nước NATO dành cho đám biểu tình ở Belarus. “Hỗ trợ quân sự rất rõ, có sự điều chuyển quân NATO đến sát biên giới. Họ di chuyển nhằm kéo tân Tổng thống [tự xưng] tới đây” – ông Lukashenko cho biết.

Ông Lukashenko vạch trần âm mưu của những nhà lãnh đạo đối lập là kêu gọi các quốc gia phương Tây, mà trong trường hợp này là NATO, phải “bảo vệ cư dân Belarus”. Và sau đó, phương Tây sẽ đưa quân vào và “cắm cây thập ác lên nấm mộ của đất nước”.

Người đứng đầu Belarus nhấn mạnh rằng, tình hình ở nước Cộng hòa đang phát triển theo đúng “kế hoạch kịch bản của cuộc cách mạng màu”. Yếu tố bên ngoài đã xuất hiện ở Belarus là do chính quyền của ông đã đứng vững trước các phe nhóm đối lập thân phương Tây, nên các thế lực thù địch bên ngoài quyết định phải can thiệp.

“Đúng như chúng tôi dự đoán, mọi thứ đang diễn ra theo kế hoạch của cuộc cách mạng màu với sự kích động làm bùng phát tình hình chính trị nội bộ trong nước. Tính độc đáo và đặc biệt của tình huống là ở chỗ kết nối với yếu tố bên ngoài, điều này không phải lúc nào cũng thế” - ông Lukashenko tuyên bố khi đến thăm khu thao trường huấn luyện quân sự ở ngoại vi Grodno.

Tổng thống Belarus Alexandr Lukashenko tuyên bố rằng, chính quyền nước này đã trù liệu trước những âm mưu như vậy. Bộ chỉ huy quân sự nước này đã triển khai các đơn vị quân đội ở biên giới phía tây của nước cộng hòa và đưa họ vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Ông Lukashenko cũng nhắc nhở các nước phương Tây rằng, họ đang "có rất nhiều vấn đề” của riêng mình cần phải giải quyết, mà công việc của Belarus còn nhỏ bé hơn nhiều, do đó, Mỹ-EU đừng nên chĩa mũi nhọn vào Minsk.

Theo ông, các nhà lãnh đạo phương Tây nên thảo luận và tìm cách giải quyết các vấn đề như: Phong trào "áo vàng" ở Pháp, các cuộc bạo động khủng khiếp ở Mỹ, biểu tình ở Đức… Sau khi xong việc họ hãy quan tâm đến Belarus.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/khung-hoang-chinh-tri-belarus-2-gong-kim-phuong-tay-3417796/