Khúc vui xin lại so dây cùng người

Tố Hữu là một nhân vật lịch sử. Sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp thi ca của ông đã được thừa nhận bền vững, mà không hề bị bất kỳ ảnh hưởng gì, nếu có thêm một nhận định hay một đánh giá nào.

Nhà thơ Tố Hữu và vợ.

Thật khó thống kê cuộc đời 82 năm trên dương gian của ông (1920 - 2002) đã viết tất thảy bao nhiêu bài thơ. Tôi chưa bao giờ có ý định ngụp lặn trong di sản đồ sộ của ông, mà tôi luôn thầm cảm ơn ông vì những vần thơ dung dị vẫn đi về giữa tâm trí mình. Bởi lẽ, thỉnh thoảng lúc vui lúc buồn, thì tôi lại tự nâng đỡ cõi lòng mình bằng những ý nọ ý kia mà ông đã viết từ vài chục năm trước khi tôi được sinh ra.

Thơ Tố Hữu từng giục giã bao thế hệ tranh đấu. Từ thái độ “Ta chỉ thấy nơi đây mồ lạnh/ Chôn linh hồn đắm đuối hư danh” trước cảnh quê hương lầm than, Tố Hữu làm thơ như một công cụ giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, tôi lại thấy Tố Hữu lấp lánh phẩm chất thi sĩ ở những câu thơ mềm mại và gần gũi. Bài thơ “Táo rụng” chỉ vỏn vẹn bốn câu, Tố Hữu viết tháng 1/1967, phản ánh chân dung một con người trầm tư và nhân hậu:

“Đạn bom giặc Mỹ phá ngày đêm/ Trường học rời xa, phố vắng thêm/ Đường sấu lâu rồi im tiếng guốc/ Xuân về, táo rụng nhớ đàn em…”

Hai câu đầu mang tính thông tin thời sự, nhưng hai câu sau chính là niềm riêng của nhà thơ. Câu thơ “đường sấu lâu rồi im tiếng guốc” ngỡ chừng không có âm thanh nào mà vẫn vang vọng bao nhiêu xao động của ký ức. Tiếng guốc của nữ sinh, tiếng guốc của nhịp sống, tiếng guốc của bình yên.

Trong bài thơ “Tâm tư trong tù” được Tố Hữu viết tại Xà lim số 1, lao Thừa Thiên, 29/4/1939, cũng từng xuất hiện tiếng guốc: “Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều/ Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh/ Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh/ Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về…”.

Tiếng guốc trong thơ Tố Hữu vừa chậm rãi vừa xa vắng. Đó là cách nghe của thi sĩ, nghe được tiếng guốc trong gian khó thủy chung, nghe được tiếng guốc trong thinh lặng kiên cường và nghe được cả tiếng guốc trong hồi tưởng lạc quan!

Một thi sĩ đích thực, luôn nặng nợ với xứ sở. Tố Hữu thể hiện điều ấy rất rõ ràng trong tác phẩm: “Đường đi như giấc mơ dài/ Nước non ngàn dặm nên bài thơ quê”. Dù giữa khói lửa, Tỗ Hữu vẫn nhìn được cảnh sắc Việt Nam đẹp mơ màng và đầy tâm trạng, nên ông có được những câu thơ không cũ với thời gian: “Đồng xanh gợn nhớ quê hương/ Bơ vơ tiếng hát bên nương nắng chiều” hoặc “Đường xa bao nỗi truân chuyên/ Ngọn đèn đêm gió con thuyền biển khơi”.

Có những tác giả, thơ và đời khác biệt. Với trường hợp Tố Hữu, thơ và đời lúc nào cũng song hành và đồng nhất. Cái khí phách ngạo nghễ “Ta sinh ra là để làm người/ Không sợ chết bởi vì ta dám sống” đã giúp Tố Hữu cảm thông được những số phận xung quanh: “Kiếp người cơm vãi cơm rơi/ Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”.

Tố Hữu dùng thơ để xác lập sự sinh tồn của con người: “Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải bay, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, Tố Hữu làm thơ để kêu gọi sự hành động của con người: “Bâng khuâng đứng trước đôi dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi”, và Tố Hữu cũng dùng thơ để ca ngợi sự mạnh mẽ của con người: “Yêu biết mấy những con người đi tới/ Hai cánh tay như hai cánh bay lên”.

Quan trọng hơn, Tố Hữu còn dùng thơ để gắn kết con người với con người: “Ước gì mang ít hoa xuân sớm/ Gửi bạn gần xa bớt nỗi hàn”.

Quá trình trôi chảy của tháng năm có thể làm thay đổi nhiều thứ, giá trị hôm qua có thể lung lay hôm nay, thần tượng hôm qua có thể chông chênh hôm nay.

Thế nhưng, những câu thơ thơ đích thực thì vẫn khiến độc giả rung động. Tôi cũng như những người lớn lên và thụ hưởng cuộc sống hòa bình, vẫn được ấp iu vần điệu mà ông sáng tác trong khói lửa.

Tập thơ “Việt Bắc” được Tố Hữu viết năm 1954, không chỉ phô diễn không khí sôi sục của một thời đại, mà còn đọng lại nhiều câu thơ hay cho hậu sinh ngâm ngợi.

Không thể không bồi hồi: “Nhớ gì như nhớ người yêu/ Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương/ Nhớ từng bản khói cùng sương/ Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”. Không thể không xao xuyến: “Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.

Không thể không nắc nỏm: “Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Không thể không nôn nao: “Nước trôi lòng suối chẳng trôi/ Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non”.

Không chỉ học thơ Tố Hữu trong sách giáo khoa, tôi còn đọc thơ ông ở nhiều tuyển tập khác nhau. Thật thú vị, khi nhiều câu thơ của Tố Hữu, tôi không nhớ rõ nằm ở bài thơ nào nhưng vẫn bị ý tứ và vần điệu đeo bám.

Nhà thơ Tố Hữu.

Lý do, đó là những câu thơ quyến rũ, có sức tả và có sức gợi về cảnh sắc Việt Nam, về tâm tư Việt Nam, về khát vọng Việt Nam: “Đêm nay gió biển đông về/ Mùa thu chừng đã tái tê đất trời/ Non quanh chừng đã lạnh rồi/ Rừng sâu run rẩy, xa vời tiếng rung” hoặc “Tuổi thơ úa trong mưa dầm da diết/ Cát truông dài nắng bỏng lưng trâu”.

Thành tựu của một nhà thơ, không phải là tác phẩm nằm trên bàn nghiên cứu của các học giả, mà là những câu thơ vào những dịp tình cờ lại thảng thốt trỗi lên trong cảm xúc người đọc, để an ủi sự quạnh hiu, để động viên sự bền bỉ, để chở che sự lầm lạc, để truyền lửa sự đam mê.

Tôi tin như vậy, mỗi khi bất chợt nhớ đến những câu thơ thanh thoát của Tố Hữu như “Đêm khuya một tiếng bầu, tiếng trúc/ Một câu hò cũng đọng trong tim” hoặc “Gì sâu bằng những những trưa thương nhớ/ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò”, hoặc “Đường nở ngực, những hàng dương liễu nhỏ/ Đã lên xanh như tóc tuổi mười lăm”.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tố Hữu, tôi nhớ đến ông và tôi cảm ơn ông ở góc độ một thi sĩ san sẻ cái riêng cho ấm áp cái chung: “Hỡi người xưa của ta nay/ Khúc vui xin lại so dây cùng người”.

Vì sao có nhiều năm làm lãnh đạo cấp cao, Tố Hữu vẫn đều đặn làm thơ? Rất dễ hiểu, vì ông là một thi sĩ đích thực. Ông luôn tin vào lý tưởng của bản thân, ông luôn tin vào đường đi của dân tộc, ông luôn tin vào ngày mai của lương tri.

Bây giờ, giữa những vô cảm và lạnh lùng, giữa những tham lam và xảo trá, càng thấy trân trọng tấm lòng Tố Hữu: “Phải đâu tim cứng thành khuôn dấu/ Càng thấu nhân tình nên vẫn thơ”.

LÊ THIẾU NHƠN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khuc-vui-xin-lai-so-day-cung-nguoi-post255302.html