Khúc tưởng niệm ở Pailin

Không thể hình dung được sau ba mươi mấy năm, chúng tôi lại có mặt ở nơi mà mỗi mét vuông đất đều thấm đẫm xương máu của đồng đội. Đó là Pailin, “thành phố của kim cương và sốt rét”…

Thị trấn Pailin trước đây thuộc tỉnh Bát Tam Bang - Campuchia, nay được tách ra thành một tỉnh lỵ. Pailin có mỏ kim cương nổi tiếng, từng là nơi tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia. Pailin cũng là địa danh sốt rét kinh hoàng nhất trên bản đồ sốt rét thế giới.

Pailin là “cái túi” chứa tàn quân Pol Pot và bọn đầu não sau ngày Phom Penh được giải phóng 7-1-1979. Thị trấn ấy đã lấy của chúng tôi một thời tuổi trẻ, cho đến tận bây giờ thỉnh thoảng nó vẫn thức dậy trong tiềm thức với những giấc mơ chiến trận khốc liệt và bi tráng.

Ở đó có rất nhiều máu…

Pailin! Đồng đội tôi reo lên khi chiếc xe 24 chỗ lăn bánh qua khỏi Đồi Chùa vào trung tâm thị trấn mà bây giờ đã thành thủ phủ của tỉnh Pailin. 16 cựu chiến binh của Trung đoàn 812 anh hùng (Sư đoàn 309 - Mặt trận 479) - giờ đều đã qua tuổi 50 với nhiều mái đầu bạc - bước xuống xe. Có người ngồi trên xe lăn, có người lê bước trên chiếc chân giả. 14 cựu binh, trong đó 12 là thương binh.

Pailin, ở đó có rất nhiều máu! Máu và một phần xương thịt của chúng tôi trộn lẫn trong đất. Có một cảm giác gì đó vừa thiêng liêng vừa rạo rực khi bàn chân chúng tôi đặt lên đất Pailin. Hình như không ai dám đi mạnh chân như sợ giẫm phải máu xương của đồng đội mình hay đạp lên xương thịt của chính mình…

Lễ tưởng niệm đồng đội Trung đoàn 812 đã hy sinh ở Pailin. Ảnh: THẠNH LONG

Hình như cảm giác rờn rợn của mìn vẫn còn ám ảnh. Cuộc chiến ở Campuchia, ở góc độ vũ khí, là cuộc chiến sử dụng mìn nhiều nhất. Những quả mìn K58, KP2, 652A, 652B được sản xuất từ nước viện trợ cho bọn Khmer Đỏ có độ sát thương và tính chất sát thương cực kỳ tàn nhẫn.

Pailin giờ được xây dựng lại như một thành phố nhỏ với những con đường trải nhựa phẳng lì, những ngôi nhà tầng mọc lên san sát. Dù có rất nhiều thay đổi nhưng với chúng tôi, những người đã lội nát rừng núi Pailin trong nhiều năm trời, thị trấn này chẳng hề lạ lẫm. Thương binh 1/4 Nguyễn Văn Thạnh chỉ chỗ anh giẫm phải mìn làm mất 2 chân và chỉ về hướng nơi trước đây là chỗ đóng quân của bệnh xá trung đoàn, nói vui: “Hai cái chân của mình chắc được chôn ở gần đó, hèn chi bây giờ cây trái xanh um!”.

“Sốt rung rừng mùa khô lá rụng”

Ký ức tràn về. Kỷ niệm tràn về. Những trận đánh ác liệt tràn về, hiển hiện trên từng mảng không gian trước mặt. Anh tài xế người Campuchia như hiểu tâm trạng của các cựu binh, sẵn sàng đưa chúng tôi đến những nơi mà ngày trước các đại đội đóng quân. Chúng tôi đang là những người lính thực sự, tỏa ra đi tìm ký ức.

Anh Nguyễn Hữu Bằng, nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn 812 và anh Đỗ Anh Chúc, nguyên đại đội trưởng đại đội công binh, tranh nhau xác định vị trí từng đơn vị của trung đoàn đã đóng quân. Những địa danh cũ kỹ trong ký ức: Nhà máy cà phê, Ba trăm nóc nhà, Đồi Tre… hiện ra trước mắt như mới hôm qua đây chúng tôi còn cõng xi măng, vác gạo lên chốt B1, B2 - những cứ điểm phòng thủ trên dãy núi Đăng-rếch chạy dọc theo biên giới Thái Lan.

Điều đáng buồn nhất là Pailin giờ không còn rừng, thay vào đó là những cánh đồng trồng khoai mì xanh ngát. Pailin cũng không còn cà phê, đặc sản nổi tiếng không kém gì cà phê Buôn Ma Thuột. Cà phê Pailin cũng đã góp phần nuôi bộ đội cả về vật chất lẫn tinh thần. Đồng đội ơi, có nhớ không, những buổi sáng giao mùa ẩm ướt, sương giăng lãng đãng, bạn ở chốt bên này pha cà phê, một giọt rơi xuống tỏa hương thơm ngát lan sang chốt bên kia và bỗng thấy thằng đồng hương lù lù vác súng qua bù khú chuyện quê nhà xa lắc xa lơ…

Pailin hình như không còn muỗi - cũng là một loại “đặc sản” từng giết chết bộ đội bằng những cơn sốt rét ác tính kinh người. Không có và không thể có đồng đội nào ở Pailin mà không bị sốt rét. Trong trường ca Tà Sanh (một địa danh ở tỉnh Bát Tam Bang, gần Pailin), nhà thơ Vương Trọng đã viết: Con voi già trụi lông/ Sốt rung rừng mùa lá khô rụng…/ Và người ơi, cơn sốt rừng, nhớ lấy/ Hai mươi tuổi, bạn tôi chống gậy/ Chỉ còn hơn một triệu hồng cầu… Ai ở Pailin mà không từng phải chống gậy? Có người xuất ngũ về nước 5-7 năm sau mà cơn sốt sét rừng vẫn bám lấy rung giường rung chiếu…

“Đội quân nhà Phật”

Trên đường trở lại trung tâm Pailin, chúng tôi đi qua một địa điểm đã để lại cho Trung đoàn 812 một nỗi đau khó quên. Đó là trận phục kích của Pol Pot được tổ chức hoàn chỉnh nhất, chỉ cách trung đoàn bộ mấy cây số, trên đường 58, gây thiệt hại nặng nề cho đơn vị.

Một buổi lễ tưởng niệm được tổ chức trong nước mắt. Rượu, hoa quả, nhang được bày ra trong cái nắng dìu dịu của Pailin. Anh Bằng rút trong túi áo một tờ giấy nhỏ, đọc bài văn tế đồng đội. Gió từ dãy Đăng-rếch thổi về như đồng đội từ các trên chốt B1, B2, B3… bay về với anh em. Pailin trở nên tĩnh lặng lạ thường. Không còn những cuộc đấu pháo, không còn tiếng súng, không còn những tiếng mìn nổ chết chóc trong đêm…, chỉ còn những đôi mắt đồng đội đỏ hoe kiếm tìm… Những người dân Campuchia tò mò đứng lại nhìn. Hình như họ biết “Đội quân nhà Phật” đang làm gì.

Đêm Pailin rực rỡ ánh đèn. Những cựu binh quây quần bên nhau trong một quán ăn, nơi chỉ cách địa điểm trung đoàn bộ đóng quân vài trăm mét. Những ly rượu được nâng lên để ghi nhớ cuộc trở về sau nhiều năm tháng dằng dặc. Không ai uống cạn, phần còn lại dành cho đồng đội đang nằm dưới chân mình. Có rất nhiều ly rượu được rót đầy và bất động, dành cho đồng đội.

Một chiếc bàn nhỏ được tách ra. Anh Bằng xin quán ăn một bó nhang. Đã có một bàn thờ với đồng đội vây quanh. Bấy giờ, nhân viên quán ăn mới biết chúng tôi là ai và đang làm gì. Họ lặng yên như lắng nghe khúc tưởng niệm ở Pailin của “kon - tốt” - tiếng Khmer là bộ đội - Việt Nam đang cất lên. Những bài hát một thời hoa đỏ được vang lên.

Không có cây đàn guitar nhưng chưa bao giờ chúng tôi “hát hay” đến như vậy và cũng chưa bao giờ chúng tôi uống nhiều đến như vậy mà không thể say vì trong rượu có pha nước mắt. Uống để nhớ máu, máu của đồng đội và của cả chúng tôi, để không bao giờ quên một cuộc chiến tranh bắt buộc và chính nghĩa của chúng ta, không chỉ bảo vệ Tổ quốc mà còn cứu một dân tộc có nền văn minh Ăng Kor rực rỡ.

Chính Thủ tướng Hunsen đã khẳng định khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo trong dịp dự lễ khánh thành khu di tích lịch sử Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng Vũ trang Đoàn kết cứu nước Campuchia - tại Đồng Nai tháng 4-2012: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay trở lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và Quân đội Việt Nam!”

Vì thế, người dân Campuchia mới gọi bộ đội Việt Nam là “Đội quân nhà Phật”. Đó không phải là cách gọi ngoại giao mà đúng bản chất của khái niệm. Trên đoạn đường hơn 300 km từ Phnom Penh đến Pailin, dù ba mươi mấy năm sau, người dân Campuchia mỗi khi biết chúng tôi là “kon - tốt” Việt Nam đều bày tỏ tình cảm hết sức quý trọng, tin yêu.

Chỉ điều đó thôi, máu của bộ đội Việt Nam đổ xuống trên đất nước Chùa Tháp đã gửi một thông điệp nhân văn đến khắp thế giới. Thông điệp bằng máu ấy cũng chỉ rõ cho nhân loại biết ai đã gây ra cuộc diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người…

Cuộc chiến không có tù binh

Trên đường trở về, nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn 812 Nguyễn Hữu Bằng nói rằng ông đọc và biết về nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới. Tuy nhiên, chưa có cuộc chiến nào như cuộc chiến này: Không có tù binh nào của Việt Nam được phía Pol Pot trao trả. Trong khi đó, ta bắt hàng ngàn tù binh và đối xử rất nhân đạo, cho họ về làm dân, cấp ruộng cho họ cày cấy. Chỉ một khía cạnh ấy thôi, đủ hiểu chế độ diệt chủng của Pol Pot khủng khiếp như thế nào.

Trong Ghi chép về Campuchia 1975-1991, ông Huỳnh Anh Dũng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia giai đoạn đó, viết rằng cuộc chiến này có hơn 100.000 bộ đội ta hy sinh và bị thương, riêng số hy sinh chính thức được công bố là 60.000. Con số ấy có thể còn nhiều hơn nữa...

Các cựu binh dưới tượng đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam ở Phnom Penh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2013010509111098p0c1002/khuc-tuong-niem-o-pailin.htm