'Khúc quân hành lặng lẽ'

Từ những năm 1968 ông đã là một du kích mưu trí, gan dạ, dũng cảm cùng đồng đội đánh trả quân địch càn quét lên vùng giải phóng quê hương Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa (Quảng Ngãi).

Từ đội viên du kích, rồi người lính binh nhì, phát triển thành vị tướng, cuộc đời ông đã từng kinh qua trận mạc, hết đánh Mỹ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, rồi lại lên vùng Chư Prông, Sa Thầy heo hút giữa đại ngàn Tây Nguyên cùng đồng đội bảo vệ biên giới, giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị. Ông luôn xúc động khi đứng trước những nấm bia mộ của đồng đội. Ông ân cần thăm hỏi, tặng quà các cụ phụ lão và em nhỏ quê hương Sơn Tịnh. Ông rất nghiêm khắc với sĩ quan cấp dưới, nhưng lại rất rộng lượng và bao dung, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho anh em phấn đấu trưởng thành... Con người nhân hậu, nặng tình, nặng nghĩa ấy là Trung tướng Đào Duy Minh, nguyên Phó chủ nhiệm TTCT, nguyên Chính ủy Quân khu 5…

 Trung tướng Đào Duy Minh tặng quà người có công trên địa bàn thị xã An Khê (Gia Lai).

Trung tướng Đào Duy Minh tặng quà người có công trên địa bàn thị xã An Khê (Gia Lai).

Ký ức về thời đánh giặc

Năm 1965, quê hương Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) được giải phóng. Tiếng là giải phóng, nhưng thực ra vẫn là vùng tranh chấp ác liệt giữa ta và địch. Giai đoạn 1965-1969, Mỹ-Ngụy dùng máy ủi san phẳng làng, mạc. Chúng thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp, thiết lập vành đai trắng... Hồi đó, ban ngày du kích và bộ đội địa phương rút vào sâu trong vùng núi Đá Sơn, Hố Bạc hoạt động. Đêm đến lại về làng nhận khoai, sắn do nhân dân tiếp tế. Có lúc lực lượng ta bám trụ dưới hầm bí mật giữa vùng địch tạm chiếm. Thời điểm ấy, cụ Đào Văn Long (bố đẻ của Trung tướng Đào Duy Minh) cũng từ miền Bắc trở về quê hương chiến đấu ở vùng Tây Quảng Ngãi. Ông không hề biết đứa con trai yêu quý của mình đã thành đội viên du kích.

Tình yêu quê hương, đất nước là yêu những gì giản dị và thiêng liêng nhất. Tình yêu ấy nhân lên thành sức mạnh tinh thần và dũng khí, ước nguyện chiến đấu giải phóng quê hương. Vì lẽ đó, năm 1969 du kích Đào Duy Minh chính thức nhập ngũ và được tổ chức cho ra Bắc học tập. Nhưng khi anh chưa kịp lên đường, thì mẹ kính yêu là bà Lê Thị Lan (cán bộ Hội Phụ nữ xã) đã anh dũng hy sinh trong trận chống càn. Sự mất mát quá lớn khiến Minh vô cùng đau đớn. Anh hiểu, dòng sữa mẹ nuôi anh không chỉ kết tinh bằng máu và nước mắt, mà còn kết tinh bằng cả đức hy sinh, niềm tin cuộc sống. Vì nung nấu quyết tâm trả thù cho mẹ và những người dân vô tội bị giặc giết, Minh nhất quyết xin ở lại bám trụ trên vùng đất ác liệt. Hồi đó, anh thường xuyên xuống núi về vùng địch tạm chiếm để tuyên truyền, giác ngộ thanh niên lên căn cứ hoạt động cách mạng. Tháng 2-1971, anh về nhận nhiệm vụ tại Trung đội 17 độc lập (trực thuộc huyện đội) chiến đấu trên hướng Tây Tư Nghĩa. Cuối năm 1971 sau khi tham gia lớp nghiệp vụ y tá trở về, anh vừa trực tiếp cầm súng đánh giặc, vừa cứu chữa, chăm sóc thương binh, bệnh binh...

Trung tướng Đào Duy Minh ít nói về những năm tháng đánh giặc của mình. Thường khi nào vết thương tái phát, ông mới chỉ vào bắp chân rồi đùa vui với cán bộ, chiến sĩ: “Thằng địch quái ác thật, bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa chịu buông tha cho mình!”. Nghe vậy, cánh lính trẻ cứ năn nỉ đòi ông kể chuyện chiến đấu... Cuối năm 1972, trong trận đánh cầu xóm Xiếc (huyện Nghĩa Hành), giữa đêm đông giá rét, Đại đội 65 cơ động ra chặn đại đội địch vào càn quét. Nhờ bí mật bố trí đội hình chốt chặn liên hoàn, hiểm hóc, lực lượng ta diệt gọn toàn bộ quân địch, Chính trị viên phó Đào Duy Minh bị đạn găm vào chân nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, anh sợ đồng đội biết sẽ nao núng tinh thần.

Trung tướng Đào Duy Minh trao đổi với sĩ quan trẻ Sư đoàn 2 (Quân khu 5).

Năm 1973, diễn biến, tình hình chiến sự trên chiến trường Quảng Ngãi chuyển hướng thuận lợi cho cách mạng, ta hoàn toàn làm chủ. Đào Duy Minh được lệnh chỉ huy đơn vị đánh trận sông Cùng, có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng địch đồn trú tại bót số 7 (Nghĩa Kỳ). Địch dùng thủ đoạn ban đêm chốt quân tại chỗ, ban ngày chúng sục sạo, giết hại dân lành. Biết rõ ý đồ đó, quân ta bí mật mai phục sẵn. Mờ sáng hôm ấy, địch ngông nghênh tiến vào làng, quân ta bất ngờ đồng loạt nổ súng, diệt gọn 17 tên. Số còn lại hốt hoảng bỏ chạy toán loạn. Lực lượng ta không ai bị thương vong.

Vừa được đề bạt giữ chức Chính trị viên d81 (tỉnh đội Quảng Ngãi) vào tháng 11-1974, thì ba tháng sau Đào Duy Minh đã vinh dự có mặt trong đội hình tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Ngãi. Mở đầu chiến dịch, đơn vị do anh chỉ huy thực hiện nhiệm vụ diệt chốt Gò Sỏi tại xã Bình Trung, huyện Bình Sơn. Khoảng 5 giờ sáng, lực lượng d81 nổ súng tấn công tiêu diệt toàn bộ Đại đội bảo an địch. Chưa đầy vài tiếng đồng hồ sau, quân ta lại quần nhau với lực lượng Trung đoàn 4 (Sư đoàn 2 - Ngụy). Lợi dụng địa hình, địa vật, các loại hỏa lực của ta bắn dồn dập vào đội hình chúng, các mũi tiến công nhanh chóng bao vây, chia cắt, khiến quân địch tháo chạy như ong vỡ tổ. Ngày 19-3-1975, d81 tiếp tục nhận nhiệm vụ đánh chiếm cầu Nước Mặn và cầu Bình Sơn, chia cắt đường 1. Ngay trong đêm ấy, toàn bộ lực lượng d81 khẩn trương cơ động về Tây Bình Sơn triển khai đội hình, tổ chức phục kích tại xã Trà Bình (Trà Bồng) diệt gọn Tiểu đoàn biệt động 69 của địch từ thị trấn Trà Bồng cơ động xuống. 2 giờ sáng ngày 23-3-1975, d81 tiếp tục nhận lệnh đánh chia cắt địch ở Bình Long. Sau hơn một giờ đồng hồ giao tranh, lực lượng d81 do Đào Duy Minh chỉ huy đã làm chủ trận địa, các bộ phận khẩn trương xây dựng trận địa dã chiến chặn địch rút chạy theo trục đường quốc lộ 1. Thời điểm này, các cánh quân của ta càng đánh càng hăng, quân địch nao núng tinh thần. Đúng như dự đoán, 20 giờ đêm 23-3, toàn bộ quân chủ lực và bộ máy Ngụy quân Quảng Ngãi dẫm đạp lên nhau định rút chạy ra hướng Đà Nẵng. Lúc này lực lượng d81 đã chốt chặn sẵn trên trục đường 1, khi quân địch vào tới trận địa phục kích, thì tất cả các loại hỏa lực đồng loạt nhả đạn. 5 xe tăng và 4 xe GMC bốc cháy, quân địch hoảng loạn vội vàng triển khai đội hình đánh trả. Ta và địch giao tranh từ tối 23 đến 8 giờ sáng 24-3 quân địch đầu hàng vô điều kiện. Đại đội do anh Minh chỉ huy bắt tù hàng binh, sau đó cùng các lực lượng tiến công giải phóng thị xã Quảng Ngãi...

Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, chẳng có cuộc chiến tranh nào lại không mất mát, hy sinh. Với người lính, sự hy sinh ấy càng lớn lao hơn. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Trung tướng Đào Duy Minh đã từng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng đội. Trận truy kích địch vào đêm 23-3 trên quốc lộ 1, đồng chí Chấn (Chính trị viên phó tiểu đoàn), đồng chí Huỳnh (Đại đội phó Quân sự) cùng 3 cán bộ Trung đội và 5 chiến sĩ anh dũng hy sinh. Lần được ông kể về câu chuyện cảm động ấy, tôi nghe giọng ông nghèn nghẹn: “Huỳnh bị đạn địch bắn xuyên qua ngực. Lúc ấy tôi chỉ biết ôm chặt tấm thân đẫm máu của Huỳnh vào lòng và thì thầm bên tai bạn: “Huỳnh ơi! cố lên, quê hương sắp giải phóng rồi!”. Biết không thể nào qua khỏi, Huỳnh khẽ mỉm cười, giọng đứt quãng: “Minh ơi!...Cậu ở lại...tớ đi đây...Ngày giải phóng...nhớ ghé về...thăm mẹ tớ ở quê nhà!...”. Dặn xong câu ấy, Huỳnh ra đi. Tôi vuốt mắt cho bạn mà lòng đau như muối xát...Huỳnh ơi! Chúng mình chỉ còn cách quê nhà chừng vài chục cây số nữa thôi, sao bạn nỡ bỏ đồng đội...

Những ân tình sâu nặng

Từ đội viên du kích phát triển lên Chính ủy Quân khu, rồi Phó Chủ nhiệm TCCT, Trung tướng Đào Duy Minh chủ yếu gắn bó với chiến trường miền Trung-Tây Nguyên, ông hiểu rất rõ về mảnh đất này. Miền Trung là chiếc đòn gánh “gánh” hai đầu đất nước. Trải qua những thời đạn bom, những mùa nắng lửa, nên mỗi năm có không biết bao nhiêu giọt mồ hôi rơi, bao dòng máu chảy, nhưng người dân nơi đây vẫn mộc mạc, chân chất. Họ vẫn vươn lên từ đau thương, từ bão giông. Có thể nói nỗi đau thương, mất mát và những khó khăn mà người dân miền Trung gánh chịu là rất lớn.

Từ cảm nhận sâu sắc ấy, nên mỗi khi có tin bão vào địa bàn, ông cùng các thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu sâu sát chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai toàn diện các mặt... Chỉ trong thời gian ngắn, mọi công tác chuẩn bị của các cơ quan, đơn vị đã hoàn tất, chỉ cần có lệnh là lên đường cứu dân...Khi lũ tới, ông cùng các thủ trưởng Bộ tư lệnh nhanh chóng thống nhất phương án, rồi vội vàng choàng áo mưa đến các vùng trọng điểm trực tiếp chỉ đạo bộ đội PCLB-TKCN. Là người cẩn trọng và sâu sát, tuy đã chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiệm vụ, nhưng Trung tướng Đào Duy Minh vẫn thường xuyên dùng điện thoại di động liên lạc với các hướng để nắm tình hình chung và động viên anh em gắng sức vượt lũ cứu người bị nạn...

Tấm lòng của vị tướng đối với nhân dân là rất lớn. Ở đâu gặp hoạn nạn, thiên tai, bão lũ là ông điều lực lượng tới ngay. Quyết định chính xác, dứt khoát ấy thể hiện sự trải nghiệm trong ứng xử với những trường hợp đột xuất, khó lường của một người lính từng trải, lăn lộn, gắn bó máu thịt với nhân dân, với địa bàn; đó chính là sự hiệp đồng chặt chẽ, chủ động, kịp thời. Ông là người có duyên nợ với khó khăn, gian khổ. Còn nhớ năm 2004, mưa lũ kéo dài, nhân dân huyện Trà Bồng thiếu đói, đích thân Đại tá Đào Duy Minh (thời điểm đó đang giữ chức Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi) cùng lực lượng cứu trợ dùng xe tải chở lương thực lên cứu đói cho bà con. Hôm ấy, mưa tầm tã, chiếc xe tải ì ạch bò tới địa phận xã Trà Phong thì bị tắc đường do núi lở. Không chậm trễ, anh chỉ đạo bộ đội cắt rừng vận chuyển gạo lên trực thăng để thả hàng cho dân. Trời mây mù, máy bay quần đảo mấy vòng vẫn không tìm thấy bãi đáp. Nhiều đồng chí tỏ vẻ lo lắng, nhưng anh vẫn bình tĩnh động viên mọi người: “Mỗi túi gạo, thùng mì tôm, gói muối đối với dân lúc này là rất cần thiết, hãy cố gắng lên!”.

Trung tướng Đào Duy Minh thường tâm sự: “Cứu dân là mệnh lệnh trái tim. Nhiệm vụ của người lính giữa thời bình là đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân. Các cụ ngày xưa vẫn coi trọng lấy dân làm gốc đấy thôi!”. Nhiều lần tháp tùng ông, tôi nhớ mãi hình ảnh vị tướng quần xắn gối, chân dép lốp, đầu đội mũ cối cùng đoàn cán bộ về các vùng ngập lũ. Dáng ông tất tả trong chiều bão giông…Chính những lần cùng ông về với dân trong những lúc gian khó, tôi mới nhận ra rằng, nước mắt người dân vùng lũ chảy ngược vào trong, nhưng sau bão họ lại gắng gượng vươn lên. Vươn lên như cây lúa ngoi lên giữa dòng nước bạc...

Tôi còn nhớ lần vào dự lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Ba Gia. Hôm ấy, xe vừa dừng bánh tại xóm nhỏ ven đường về huyện Sơn Tịnh, Trung tướng Đào Duy Minh đã ân cần thăm hỏi các cụ phụ lão, âu yếm chia quà cho các cháu thiếu nhi...Một lúc sau đã thấy ông kính cẩn thắp hương lên mộ chí của những người đồng đội trong nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều người có mặt hôm ấy đều xúc động khi thấy đôi vai vị tướng run run, mắt ông nhòa lệ...

Bao năm gắn bó với địa bàn Miền Trung-Tây Nguyên, từng được nhân dân đùm bọc, che chở từ những ngày gian khổ nhất, nên Trung tướng Đào Duy Minh hiểu rõ cuộc sống khó khăn của bà con đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai bão lũ gây nên. Vì lẽ đó mà ông cố gắng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa” và các vấn đề về an sinh xã hội.

Vào dịp Tết Mậu Tý (2008), ông đã bàn bạc, thống nhất cùng các thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu trích 250 triệu đồng từ quỹ “Ngày vì người nghèo” để mua gạo tặng các hộ nghèo trên địa bàn đơn vị đóng quân. Từ số tiền 250 triệu đồng được phân bổ, Bộ CHQS các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương khảo sát cụ thể các đối tượng, trực tiếp cử cán bộ mang quà tới từng gia đình. Không chỉ cấp gạo cho dân, các đơn vị trong toàn Quân khu còn tổ chức đợt phát động quyên góp chăn màn, quần áo tặng người nghèo.Và đợt cứu trợ ấy là việc làm thiết thực thể hiện đạo lý truyền thống “Đoàn kết, tương thân, tương ái” vì sự phát triển của dân tộc, đây còn là hoạt động bổ ích thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Nhờ có sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu, các đơn vị triển khai tốt công tác tuyên truyền vận động, tổ chức phát động ký kết đến mọi cán bộ chiến sĩ trong toàn quân khu. Cán bộ chiến sĩ còn vận động thêm gia đình, người thân, đơn vị địa phương kết nghĩa, các cơ quan, trường học, công ty, xí nghiệp, nhà máy đứng chân trên địa bàn cùng tham gia…Tất cả mọi người đóng góp trên tinh thần tự nguyện, số lượng không hạn chế, nhưng khuyến khích mỗi cán bộ, QNCN, CNVCQP, LĐHĐ ít nhất mỗi người một bộ quần áo. Kết quả đạt được hơn cả sự mong đợi, có tới 13.000 bộ quần áo các loại, 2.300 tấm chăn màn…được quyên góp gửi tặng người nghèo.

Khát vọng cầm súng từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, đến hôm nay quê hương, đất nước hòa bình. Vị tướng một thời trận mạc ấy vẫn giản dị và khiêm nhường giữa đời thường. Ông đang cùng đồng đội chắc tay súng, vững niềm tin, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương góp phần xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh... Có thể nói, cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Đào Duy Minh bình dị như “Khúc quân hành lặng lẽ”, là “bản tình ca người lính” mãi ngân vang…

Cách đây chừng dăm tháng, tôi thấy da dẻ Trung tướng Đào Duy Minh hồng hào sau nhiều tháng chống chọi với bệnh tật. Những tưởng sức khỏe ông khá lên, thì sáng nay (23-1), Đại tá Trần Trung Thiết, Phó chánh văn phòng TCCT gọi điện thông báo Trung tướng Đào Duy Minh đã mất...

Vậy là Trung tướng Đào Duy Minh đã yên giấc ngàn thu, nhưng niềm kính trọng, tiếc thương thì còn mãi. Tôi viết bài này bày tỏ lòng tri ân, tôn kính đối với ông - một vị tướng dung dị giữa đời thường; đây cũng là nén hương thơm bày tỏ lòng thành kính và cầu mong hương hồn ông siêu thoát...

Bài, ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/khuc-quan-hanh-lang-le-608534