Khúc mắc xoay quanh 3.600 tỉ đồng ở DAB

Vợ ông Trần Phương Bình - người đứng đầu PNJ - liên quan thế nào trong chuỗi sai phạm của chồng? Nhiều uẩn khúc trong vụ án thất thoát 3.600 tỉ đồng, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), chưa thể khơi thông

Một trong những sai phạm gây thiệt hại nghiêm trọng mà ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT DAB) bày ra là mua cổ phần DAB nhằm tăng vốn điều lệ. Đáng chú ý, vợ ông Bình là bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ) đứng tên gần 9,7 triệu cổ phần mua bằng nguồn tiền bất minh.

Mối liên hệ DAB - PNJ

Dù đứng tên số cổ phần "khủng", đồng nghĩa với việc trở thành cổ đông DAB nhưng bà Dung không hề biết chồng sử dụng nguồn tiền nào mua cổ phần. Chưa hết, người đứng đầu PNJ khẳng định bản thân không dính dáng vào thủ đoạn ký chứng từ nộp tiền khống để mua cổ phần. Tại tòa, cơ quan công tố kết luận không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Cao Thị Ngọc Dung về hành vi đứng tên sở hữu cổ phần DAB. Ngoài ra, trong thời gian dài, PNJ và DAB có không ít giao dịch tín dụng. Cơ quan chức năng đã tách mối quan hệ này, tiếp tục điều tra trong giai đoạn tiếp theo. Qua đó, cơ quan pháp luật sẽ làm rõ trách nhiệm chủ tịch HĐQT PNJ trong các khoản vay của PNJ tại DAB.

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ thất thoát 3.600 tỉ đồng tại DAB

Trong một diễn biến khác tại tòa, 3 cá nhân gồm: Nguyễn Thị Cúc, Phan Thị Tố Loan, Nguyễn Vinh Sơn (nguyên thành viên Ban Kiểm soát DAB giai đoạn 2007-2015) bị cáo buộc tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" vì quản lý, giám sát lỏng lẻo. Lợi dụng sơ hở này, ông Trần Phương Bình và đồng phạm rút ruột ngân hàng hơn 2.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Cúc (nguyên trưởng ban) đã làm việc tại PNJ trước khi chuyển sang DAB làm việc. Sau khi bà Cao Thị Ngọc Dung đứng tên cổ phần DAB, bà Cúc kết thúc công việc tại PNJ, sang nhận nhiệm vụ giám sát ngân hàng.

Hiện tòa án chưa thể làm rõ mối quan hệ lằng nhằng trên do bà Cao Thị Ngọc Dung cùng một số người liên quan nhiều lần vắng mặt dù có giấy triệu tập từ trước.

Nhập nhằng 13,4 triệu USD

Ngoài những rắc rối xoay quanh vai trò cá nhân tham gia, đứng tên mua bán cổ phần DAB, dòng tiền liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam) trong DAB vẫn trong tình trạng tranh tối tranh sáng.

Thừa hành quyền công tố tại tòa, đại diện VKSND TP HCM nhận định bị cáo Trần Phương Bình lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt gần 284 tỉ đồng của ngân hàng trong việc ông này mua 13,4 triệu USD rồi chuyển cho Phan Văn Anh Vũ. Cơ quan công tố nêu rõ chứng cứ là 5 tờ giấy viết tay ghi chép lại các khoản thu chi sai nguyên tắc. Trong đó, từ ngày 11-10-2012 đến 2-3-2015, DAB xuất quỹ chi hơn 294 tỉ đồng với mục đích mua 13,9 triệu USD cho ông Trần Phương Bình. Sau đó, ông Bình chuyển 13,4 triệu USD theo đề nghị từ đối tác chiến lược (ông Vũ). Bị cáo Bình khai nhận bản thân "mua hộ" ông Vũ số ngoại tệ trên. Trái lại, bị cáo Phan Văn Anh Vũ khăng khăng nói rằng bản thân vay cá nhân bị cáo Bình số tiền này (tương tự khoản vay 200 tỉ đồng khi mua cổ phần DAB). Bị cáo Vũ cho rằng đây là quan hệ giao dịch dân sự và cam đoan hoàn trả đủ số nợ. Theo HĐXX, cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ việc Phan Văn Anh Vũ nhận số tiền này. Nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sẽ xử lý theo quy định.

Ngoài ra, trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại DAB cũng vướng nhiều ý kiến trái chiều. Ngày 4-12, chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản nhận xét NHNN kiểm tra chưa toàn diện khi không phát hiện ra dòng tiền trong DAB có vấn đề, sổ sách hạch toán không hợp lý. Trong khi đó, đại diện NHNN cho rằng bị cáo Trần Phương Bình và đồng phạm sử dụng thủ đoạn quá tinh vi nên cơ quan thanh tra, giám sát không phát hiện sai phạm kịp thời.

Bài và ảnh: DI LÂM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/khuc-mac-xoay-quanh-3600-ti-dong-o-dab-20181205221800934.htm