Khúc mắc lớn khiến đàm phán hòa bình Nga-Ukraine khó thành hiện thực

Việc Mỹ và Ukraine nêu ra những điều kiện không thể chấp nhận với Nga và ngược lại khiến tiến trình đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột ở Ukraine vẫn tiếp tục đi vào bế tắc.

Những điều kiện không thể chấp nhận được

Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẵn sàng trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về thỏa thuận hòa bình tương lai ở Ukraine, điện Kremlin khẳng định quan điểm được Tổng thống Biden đưa ra rằng, Nga phải rời Ukraine để bắt đầu đàm phán là không thể chấp nhận được. Điều đó cho thấy triển vọng đàm phán kết thúc xung đột ở Ukraine hiện nay vẫn là một viễn cảnh xa vời.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine nếu ông Putin nghiêm túc trong đàm phán hòa bình. Dù vậy, các quan chức Mỹ cho rằng theo đánh giá của họ, Nga chưa chuẩn bị thiện chí đàm phán bởi các quan chức Nga liên tục nhắc lại những yêu cầu cứng rắn không thể chấp nhận được với Ukraine.

Mặc dù bình luận của ông Biden được giới quan sát cho là điểm mới khi nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh đến hướng đi đàm phán hòa bình với Nga nhưng người phát ngôn Hội đồng An ninh John Kirby khẳng định với báo giới rằng lập trường của ông Biden chưa thay đổi.

"Tổng thống Biden vẫn có lập trường nhất quán về việc này. Tổng thống không có ý định đàm phán với Tổng thống Putin hiện nay. Như ông ấy đã khẳng định, Tổng thống Putin hoàn toàn không quan tâm đến các hình thức đối thoại mà trái lại những gì ông ấy đang làm cho thấy ông Putin chỉ quan tâm đến việc tiếp tục cuộc xung đột này".

Tại Moscow, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov trong cuộc họp báo ngày 2/12 nói rằng, Tổng thống Putin vẫn "cởi mở với các cuộc tiếp xúc và đàm phán" và Moscow vẫn nghiêng về giải pháp ngoại giao để đạt được các mục tiêu.

Dù vậy, ông Peskov cho biết Mỹ "vẫn không công nhận các vùng lãnh thổ mới sáp nhập là một phần của Nga", đồng thời đánh giá "điều này sẽ khiến cho việc tìm kiếm điểm chung cho các cuộc trao đổi trở nên phức tạp hơn".

Washington cho rằng lập trường của Nga khiến những cuộc đàm phán nghiêm túc với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khó diễn ra khi trong cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg vào giữa tháng 3, ông Zelensky khẳng định, xung đột không thể kết thúc cho đến khi Ukraine giành lại được tất cả lãnh thổ từ Nga, trong đó có các vùng lãnh thổ mới sáp nhập và Bán đảo Crimea.

"Nga đã cho thấy một điều rõ ràng là họ không quan tâm đến những cuộc đối thoại và ngoại giao mang tính xây dựng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay, bất kỳ cuộc trao đổi nào giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đều là “giả thuyết trong thời điểm hiện tại".

"Chúng tôi đã tuyên bố rõ rằng Mỹ và các quốc gia trên thế giới sẽ không bao giờ công nhận lãnh thổ Nga đã sáp nhập bất hợp pháp, cả các vùng lãnh thổ năm 2014 và gần đây", ông Price nói.

Bình luận của Tổng thống Biden được đưa ra trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người đã trao đổi một số lần với Tổng thống Putin trong năm qua, trong đó có cuộc trao đổi vào cuối tháng 8. Sau đó, các quan chức cấp cao Mỹ đã đặt ra câu hỏi, liệu những bước tiến quân sự của Ukraine trên chiến trường có mở ra cánh cửa đàm phán hay không. Tháng trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley bình luận, nếu Ukraine giành được vị thế sức mạnh, điều này sẽ tạo ra khả năng cho một giải pháp chính trị.

Đàm phán hòa bình vẫn là một kịch bản xa vời?

Tuy nhiên, ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký NATO cho biết đã trao đổi với các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden và không có dấu hiệu nào cho thấy họ đang hối thúc chính quyền Ukraine bắt đầu đàm phán với Nga.

"Đó chỉ là một ý tưởng được nêu ra nhưng nó đã kết thúc ngay lập tức", ông Rasmussen bình luận, cho rằng việc thúc đẩy Tổng thống Zelensky tham gia vào một tiến trình hòa bình vội vàng sẽ làm suy yếu sự đoàn kết của phương Tây bởi đó sẽ là một cái bẫy. Ông đánh giá, phía Nga chưa nghiêm túc với tiến trình đàm phán hòa bình.

Các quan chức Ukraine cũng có lập trường tương tự khi cảnh báo Nga có thể dừng giao tranh để đàm phán nhưng sẽ sử dụng khoảng thời gian đó để chuấn bị cho các cuộc tấn công quân sự mới.

Tổng thống Macron đã xác nhận sự ủng hộ của Pháp cho Ukraine và khẳng định "sẽ không bao giờ hối thúc Ukraine đưa ra nhượng bộ mà họ không thể chấp nhận được".

Ngày 2/12, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nhận định, các cuộc tấn công của Nga vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng của Ukraine như lưới điện khiến "bất kỳ cuộc đối thoại nào đều trở nên bất khả thi".

"Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình nhưng điều đó phải đi cùng với sự độc lập của Ukraine chứ không phải sự đầu hàng", Ngoại trưởng Italy bình luận, đồng thời cho rằng trách nhiệm trong trường hợp này thuộc về Nga và điện Kremlin phải thể hiện những tín hiệu cụ thể thay vì tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết, họ không bất ngờ trước phản ứng của Nga về những tuyên bố của Tổng thống Biden. Hầu như rất ít quan chức trong đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Biden mong đợi lập trường khác biệt từ phía Nga. Các quan chức này cho rằng bình luận trên không phải là sự dịch chuyển trong chính sách đối ngoại hay sự thay đổi trong lập trường của Tổng thống Biden về cam kết mà theo đó giới lãnh đạo Ukraine sẽ quyết định khi nào và cách thức nào đàm phán để chấm dứt xung đột.

Các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Biden tin rằng đàm phán là điều cần thiết nhưng không cho là các cuộc đàm phán trực tiếp với Tổng thống Putin sẽ khả thi trừ khi những thực tế trên thực địa thay đổi.

Trong bình luận vào ngày 1/12, Tổng thống Biden nhấn mạnh nếu Tổng thống Putin thực sự tìm cách chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, ông sẽ tham vấn với Pháp và các đồng minh khác trong NATO để đối thoại với Tổng thống Putin.

Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Tổng thống Putin nhằm tránh những leo thang nguy hiểm và tính toán sai lầm.

Sáng 2/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã tiến hành điện đàm với Tổng thống Putin. Thông báo của điện Kremlin về cuộc điện đàm này đã đổ lỗi cho phương Tây về sự thiếu vắng của các cuộc đàm phán, đồng thời cho biết hướng tiếp cận của phương Tây khi "bơm vũ khí cho chính quyền Kiev" và cung cấp hỗ trợ tài chính cũng như chính trị đã "khiến Kiev từ chối bất kỳ ý tưởng đàm phán nào".

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo phương Tây đang lo ngại về những tác động kinh tế của cuộc xung đột đẩy giá năng lượng và lương thực trên thế giới tăng cao. Tại Mỹ, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ đã thể hiện sự thất vọng khi chính quyền Tổng thống Biden, cung cấp gần 20 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine từ khi xung đột nổ ra, dường như đang viết những "tấm séc khống" mà không nêu rõ giải pháp nhằm chấm dứt xung đột.

Các quan chức Nhà Trắng cũng cho biết bình luận của Tổng thống Biden về việc sẵn sàng gặp Tổng thống Putin theo những điều kiện nhất định không nhằm xoa dịu đến những nhóm trên mà thể hiện rằng Mỹ không đóng sập khả năng ngoại giao, mặc dù Tổng thống Biden không trao đổi với Tổng thống Putin từ giữa tháng 2.

Phát biểu một ngày trước khi Tổng thống Biden có những nhận định trên, ông Rasmussen cho biết ông không cho rằng Ukraine sẽ chấp nhận một thỏa thuận hòa bình cho phép Nga kiểm soát bất kỳ vùng lãnh thổ nào của nước này.

"Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng chừng nào quân đội Nga còn ở trên lãnh thổ Ukraine thì xung đột vẫn tiếp diễn", cựu Tổng thư ký NATO bình luận./.

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/khuc-mac-lon-khien-dam-phan-hoa-binh-nga-ukraine-kho-thanh-hien-thuc-post988209.vov