Khúc khuỷu tiến trình Brexit

Hết lần này đến lần khác Quốc hội Anh phải tranh cãi và bỏ phiếu về vấn đề sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) như thế nào. Sẽ Brexit, nhưng phải có thỏa thuận, điều đó đã rõ. Nhưng thỏa thuận như thế nào thì đó vẫn đang là một chướng ngại xuyên suốt gần 3 năm qua, kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân dẫn tới quyết định Anh rời khỏi EU. Vẫn sẽ còn những cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Anh trong thời gian tới, nhưng vấn đề mà dư luận quan tâm là tại sao vấn đề Brexit của nước Anh lại trở nên phức tạp như vậy.

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại phiên bỏ phiếu thứ hai về thỏa thuận Brexit tại Quốc hội Anh. Ảnh: AP

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại phiên bỏ phiếu thứ hai về thỏa thuận Brexit tại Quốc hội Anh. Ảnh: AP

Brexit khúc khuỷu

Phát biểu tại Quốc hội Anh sau phiên bỏ phiếu thứ hai, Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo, nước Anh sẽ phải đối mặt với việc trì hoãn Brexit dài ngày, nếu như các nghị sĩ vẫn không ủng hộ thỏa thuận của bà. Theo lộ trình vạch sẵn, nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3 tới, trừ phi Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đạt được một kế hoạch khác với EU. Tuy nhiên, trước khi điều này có thể xảy ra thì bà Theresa May cần được Quốc hội Anh và cả EU đồng ý lùi thời hạn Brexit.

Sau hơn 2 năm đầy sóng gió, một thỏa thuận về việc ra đi với sự đồng thuận của Chính phủ Theresa May và lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU vẫn đang bế tắc tại Quốc hội. Không ủng hộ thỏa thuận Brexit, cũng không muốn Brexit mà không có thỏa thuận, Quốc hội Anh phải lựa chọn việc có yêu cầu EU gia hạn thời gian thực thi Điều 50 Hiệp ước Lisbon (về rời khỏi EU) hay không. Lộ trình này hoàn toàn có thể mở ra “chiếc hộp Pandora” khiến Thủ tướng Anh phải từ nhiệm, dẫn tới một cuộc Tổng tuyển cử hoặc một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai. Đây là kịch bản khúc khuỷu mà chính những người ủng hộ Brexit mạnh mẽ nhất trong Quốc hội Anh đã gián tiếp tạo ra.

Lực lượng cực hữu đã làm mọi điều có thể để khiến Brexit chệch hướng. Thực tế là những người ủng hộ Brexit một lần nữa lại đẩy tiến trình này tới chỗ bất định thay vì để nó diễn ra một cách suôn sẻ. Đây là điều khó có thể hiểu được trong chuỗi sự kiện ồn ào về Brexit. Trong suốt hơn 2 năm qua, họ chính là nguyên nhân dẫn đến vô số lần đề xuất Brexit bị bác bỏ, trì hoãn các quyết định về Brexit và củng cố hơn nữa lời kêu gọi về một cuộc trưng cầu ý dân lần hai.

Ở thời điểm hiện tại, chưa ai dám chắc liệu các nghị sĩ đảng Bảo thủ có thể gây sức ép để buộc Thủ tướng Theresa May từ nhiệm trước khi họ tìm cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác hay không và liệu Quốc hội có đồng ý tiến hành một cuộc Tổng tuyển cử với khả năng đưa Công đảng lên nắm quyền và tiếp theo đó là một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai hay không. Điều duy nhất có thể khẳng định là những người ủng hộ Brexit đã tự tạo ra một con đường gập ghềnh trước mắt cho chính đảng và các chính sách cũng như chính bản thân họ.

Có lý do để những người ủng hộ Brexit tự mình làm chệch hướng tiến trình này. Trước hết, họ xem việc phủi bỏ thỏa thuận mà Thủ tướng Theresa May đề ra chính là một cách để hủy hoại nhà lãnh đạo này. Với rất nhiều những ứng cử viên tiềm năng, những bước đi để thay thế bà bằng việc những gì họ đã làm vào ngày 12-3 để thể hiện việc bà Mây đã mất kiểm soát đảng Bảo thủ và Quốc hội chắc chắn sẽ càng củng cố cơ hội này.

Với những người khác, đó là nguyên tắc đạo đức chính trị. Dù Brexit thực chất chỉ là một vấn đề trắng-đen, song Thủ tướng Theresa May lại không ngừng tìm một lựa chọn trung dung cho nó. Nhà lãnh đạo Anh tìm cách thúc đẩy một “Brexit mềm”, ngược lại những gì mà các lực lượng ủng hộ Brexit cứng rắn trong đảng Bảo thủ mong muốn. Phong cách chính trị bị coi là “xa rời” của bà May, chỉ riêng trong các cuộc đàm phán với EU, đã cô lập các bộ trưởng, phớt lờ các nhà lập pháp và khiến bà không thể tạo ra sự đồng cảm với thỏa thuận ra đi mà bà đề xuất. Tỷ lệ ủng hộ của dư luận đối với Thủ tướng Theresa May đã giảm xuống dưới mức 30%.

Nguyên nhân cuối cùng và cũng có lẽ là nguyên nhân rõ ràng nhất lý giải cho cách hành xử khó hiểu của những người ủng hộ Brexit, chính là những tính toán và nhận định sai lầm của họ. Trong suốt 3 năm qua, chính trường Anh đã bị xoay chuyển bởi những sai lệch ấy. Suy nghĩ của Thủ tướng David Cameron năm 2016 rằng người dân Anh sẽ bỏ phiếu để ở lại trong EU đã khiến ông tự tin tiến hành cuộc trưng cầu ý dân. Cũng chính những ảo tưởng của Thủ tướng Theresa May rằng đảng Bảo thủ sẽ đánh bại Công đảng một cách thuyết phục đã khiến bà quyết định tổ chức bầu cử trước hạn vào năm 2017, một cuộc bầu cử cuối cùng lại trao thêm cho Công đảng 30 ghế trong Quốc hội và khiến đảng Bảo thủ mất đi thế đa số.

…Bên bờ vực

Với những gì đang diễn ra, không ngạc nhiên khi người ta đặt câu hỏi liệu có phải trái tim của Anh đang thực sự muốn tiến hành cuộc “ly hôn” này. EU có thực sự là một vị “hôn phu” mà London muốn rời xa?

Có vẻ đa số nghị sĩ đều không muốn Brexit, họ không muốn phải mạo hiểm với những tổn hại có thể xảy ra, như là đóng cửa các cảng, thiếu lương thực và thuốc men, các chuyến bay bị cấm... Vì vậy, dĩ nhiên là các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu để trì hoãn Brexit. Câu hỏi đặt ra là liệu những lãnh đạo châu Âu đang ngày càng thất vọng có sẵn sàng đồng ý với một sự trì hoãn ngắn trong khoảng 3 tháng hay không? Hoặc liệu họ có đặt câu hỏi là họ sẽ nhận được gì trong khung thời gian đó và liệu có đề xuất một thời hạn dài hơn hay không?

Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho biết, số phận của nước Anh hiện nằm trong tay họ. Một số nguồn tin cho thấy cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đang rỉ tai Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng, nếu EU kiên định lập trường của mình thì kết quả cuối cùng có thể sẽ là một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai và sẽ không có Brexit nào hết - đây là chiến thắng cho một châu Âu không muốn chia tay.

Có lẽ nạn nhân lớn nhất từ sự xáo trộn mà mớ bòng bong chính trị này gây ra là đồng bảng Anh tội nghiệp. Nó biến đổi lên xuống cùng với nỗ lực ổn định của các thị trường tài chính trong bối cảnh bất ổn. Nạn nhân lớn nữa là bà Thủ tướng Theresa May đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và chỉ còn rất ít lựa chọn.

Tương lai của nước Anh đang rất không chắc chắn...

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khuc-khuyu-tien-trinh-brexit/