Khúc hoan ca mùa Xuân

Mỗi khi gió xào xạc gió, trong không gian thoang thoảng hương mứt, hương mai là ta lại hỏi nhau rằng:

"Trời vào Xuân hay chưa?". 365 ngày trôi qua, ngày mà chúng ta đợi chờ chính là ngày hoa mai nở rộ khắp sân nhà, ngày mà cháu con khắp nơi về chúc tụng ông bà, ngồi lại với nhau trong bữa cơm chiều có nồi thịt kho tàu, dưa hành, củ kiệu… hàn huyên tâm sự.

Không nô nức lòng mình sao được khi Mẹ thiên nhiên đã dành cho mùa Xuân những tinh hoa rực rỡ, lộng lẫy nhất. Trong bốn mùa Xuân hạ thu đông, mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng có những đặc trưng riêng. Tuy nhiên, mùa Xuân là mùa để thương, để nhớ nhất trong bốn mùa rộn rã. Mùa khởi đầu một năm. Mùa mà bất cứ ai xa quê cũng đau đáu nhớ về ngôi làng nhỏ hiền hòa nép mình bên bờ sông, cây lá xanh um, bến đò lặng lẽ, trước cổng làng có mái chùa cổ kính từng chiều văng vẳng tiếng chuông ngân. Mùa Xuân, ta trở lại làng mình, trở về với mái nhà cùng những yêu thương xưa cũ. Để rồi ta bất chợt nhận ra rằng: không đâu bằng nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Mùa Xuân vừa đủ, vừa trọn vẹn, đong đầy. Ta choáng ngợp trước cảnh đẹp của đất trời, mai vàng đua nở, cúc vạn thọ vàng cả một khoảng sân. Mùa Xuân để ta thấy mình đã va vấp và đứng dậy, khổ đau và hạnh phúc, ta nhận ra rằng mình trưởng thành mỗi ngày.

Đã bao giờ ta nói lời cảm ơn mùa Xuân? Cảm ơn những dư vị ngọt ngào của đất trời, của lòng người. Mùa Xuân để nhận ra mình yêu nhau nhiều hơn. Ta mượn mùa Xuân làm dấu mốc cho một sự bắt đầu mới. Ta đi trong bao thanh âm ngọt mật tuyệt vời.

Xưa nay, con người vẫn có tâm thế đón Xuân sang, tận hưởng mùa Xuân. Dành những phút giây bên nhau ấm áp trọn vẹn khi Xuân về. Cuộc sống ban tặng cho ta mùa Xuân tươi đẹp thì hãy tận hưởng trọn vẹn mùa Xuân, mùa sum vầy, tình nghĩa, yêu thương. Đếm đi đếm lại thì cuộc đời mỗi người cũng có mấy mươi cái mùa Xuân đâu mà không trải rộng lòng mình để đón nhận? Sự sống của mỗi người sẽ ý nghĩa biết bao khi tận hưởng và tận hiến đi cùng.

Hoàng Khánh Duy

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/khuc-hoan-ca-mua-xuan-20200111210531005.htm