Khu vực miền Trung tiếp tục có mưa to, nhiều vị trí đê xung yếu

Trong 2 ngày qua, khu vực miền Trung, đặc biệt là Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa rất lớn khiến một số khu vực của địa phương này bị ngập úng. 4.115 hộ dân đã phải sơ tán khỏi khu vực ngập lụt và có nguy cơ sạt lở đất. Tại tỉnh Nghệ An có 2 người chết, 4 người mất tích do mưa lũ.

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam làm 9 người chết, 33 người bị thương, 13 người mất tích. Ảnh: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam làm 9 người chết, 33 người bị thương, 13 người mất tích. Ảnh: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai

Theo ghi nhận của cơ quan khí tượng thủy văn, từ tối 29 đến 30-10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150-350mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Thạch Xuân (Hà Tĩnh) 502 mm, Bắc Sơn (Hà Tĩnh) 479 mm, Đậu Liêu (Hà Tĩnh) 457 mm, Đà Sơn (Nghệ An) 366 mm, Chợ Tràng (Nghệ An) 353 mm.

Mưa lớn đã gây ngập úng tại một số khu vực. Chính quyền Nghệ An đã phải tổ chức sơ tán 2.916 hộ dân ra khỏi khu vực bị ngập lụt và có nguy cơ sạt lở đất. Trong khi đó, tỉnh Hà Tĩnh vừa trải qua đợt lũ hồi giữa tháng 10 cũng bị ngập trở lại. Lực lượng chức năng phải tiến hành sơ tán 1.199 hộ vùng trũng thấp tới nơi an toàn.

Tại Nghệ An: một số điểm trên các tuyến Quốc lộ 15, 46 và 46B và đường giao thông địa phương bị sạt lở (73,42km). Trong khi đó, Quốc lộ 8A, 15, 12C và một số tuyến đường địa phương tại huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc và Kỳ Anh của Hà Tĩnh cũng có nhiều điểm bị sạt.

Điều đáng lưu ý là lũ trên các sông ở Nghệ An, sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), Ngàn Phố (Hà Tĩnh), xuống rất chậm. Trong khi đó, ở khu vực này xuất hiện 9 vị trí xung yếu trên các tuyến đê sông từ cấp III trở lên (Nghệ An 5 vị trí, Hà Tĩnh 4 vị trí); 11 công trình đê, kè đang thi công dở dang với tổng chiều dài 26,2km.

Trong số 9 vị trí xung yếu, có 2 vị trí mới phát sinh ngày 30-10 tại tỉnh Nghệ An bao gồm: Sự cố sạt lở kè Yên Xuân tại K77+00 đê tả Lam, chiều dài sạt lở khoảng 30m, vị trí gần nhất cách chân đê 100m. Nguyên nhân do mực nước sông Cả vượt trên báo động 2 0,20m, dòng chảy xiết, thúc thẳng vào thân kè gây sạt lở mái, ăn sâu vào thân kè, chỉ còn đường đỉnh kè, uy hiếp đến an toàn đê điều và các hộ dân sinh sống ngoài bãi. Hiện, địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở, cắm biển cảnh báo, không cho người, phương tiện đến gần khu vực sạt lở.

Thứ hai là sự cố đùn sủi nước trong tại phía hạ lưu K22+100 đê tả Lam: xuất hiện mạch đùn, mạch sủi ở ao, ruộng trũng phía hạ lưu, cách chân đê khoảng 50m.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm nay, 31-10, mưa tiếp tục xảy ra tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, có nơi mưa rất to phổ biến từ 40-90mm, có nơi trên 120mm. Từ ngày 30-10 đến 1-11 các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm.

Một thông tin khác, thiệt hại về người do bão số 9 tiếp tục tăng lên. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 9 giờ sáng 31-10, bão số 9 và mưa lũ đã làm chết 27 người (Quảng Nam 23 người, Gia Lai 1 người, Đắk Lắk 1 người, Nghệ An 2 người). 50 người khác đang mất tích, trong đó nhiều nhất là Bình Định 23 người (thuộc 2 tàu cá BĐ 96388 TS/12 lao động và BĐ 97469 TS/14 lao động bị chìm trên biển ngày 27-10), Quảng Nam 22 người, Nghệ An 4 người, Kon Tum 1 người. Số người bị thương tăng thêm 22 người nâng lên thành 67 người.

Cho đến nay, 63 cầu đã bị bão số 9 và mưa lũ làm hư hỏng, bao gồm: Nghệ An 14, Quảng Trị 1, Thừa Thiên Huế 16, Quảng Nam 1, Bình Định 2, Kon Tum 29. Ngoài ra, có 22 cống thủy lợi bị bồi lấp, hư hỏng.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khu-vuc-mien-trung-tiep-tuc-co-mua-to-nhieu-vi-tri-de-xung-yeu-post434708.html