Khu vực kinh tế tư nhân còn thiếu niềm tin ở năng lực của bản thân và môi trường kinh doanh

Ngày 29/12, trong khuôn khổ Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ qua tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Viện CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tham vấn nghiên cứu về 'Hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam'. Hội thảo tổ chức dưới hình thức trực tuyến

Tăng quy mô kinh tế 150 lần giai đoạn 1990-2020

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện CIEM cho rằng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công rất đáng ghi nhận.

Kết quả nghiên cứu “Một số kết quả ban đầu nghiên cứu hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam”, nhóm nghiên cứu của CIEM khẳng định nền kinh tế thị trường đã mở rộng quy mô và tăng trưởng kinh tế.

Trong giai đoạn 1990-2020, nền kinh tế thị trường Việt Nam đã tăng quy mô kinh tế lên 150 lần (VND) và tăng 42 lần (USD, từ 6.471,7 triệu USD lên 271.158,4 triệu USD).

Cũng trong giai đoạn này, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam tăng 29,3 lần, từ 95,2 USD (1990) lên 2.785,7 USD (2020).

Trong giai đoạn 1990-2020, nền kinh tế thị trường Việt Nam đã tăng quy mô kinh tế lên 150 lần (VND). Nguồn CIEM.

Trong đó, nghiên cứu khẳng định nền kinh tế thị trường đã tạo cho sư phát triển của các thành phần/ khu vực kinh tế. Cải cách và phát triển khu vực kinh tế nhà nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giảm về số lượng, thu hẹp ngành, lĩnh vực hoạt động.

Khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển và dần khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển mạnh và trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, giá trị, hoạt động và thị trường xuất nhập khẩu của các chủ thể kinh tế đã tăng nhanh và mở rộng đáng kể.

Cần tự do kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân

Góp phần hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam, nhóm nghiên cứu của CIEM cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt.

Đó là nền kinh tế còn nhiều phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Các vấn đề liên quan đến thị trường đất đai, tài chính, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập.

Bên cạnh việc chỉ rõ việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước ngày càng khó khăn thì nghiên cứu của CIEM cũng khẳng định khu vực kinh tế tư nhân còn thiếu niềm tin ở năng lực của bản thân, ở môi trường kinh doanh và bảo vệ của pháp luật; cơ cấu khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa hợp lý.

Trong giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước – thị trường và xã hội, sự can thiệp, tham gia trực tiếp của Nhà nước vào thị trường còn khá lớn. Nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò tạo môi trường pháp luật cho sự vận động của cơ chế thị trường. Bởi vậy, các chủ thể thị trường còn nhiều hạn chế.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện CIEM và nhóm nghiên cứu CIEM khuyến nghị cần tự do kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân. Nguồn: CIEM.

Đề xuất nội dung trọng tâm cải cách, nhóm nghiên cứu của CIEM khuyến nghị cần xác định mô hình nền kinh tế thị trường Việt Nam, phát triển các chủ thể thị trường cũng như các thị trường nền tảng.

Thể chế cần đảm bảo tính cạnh tranh cho nền kinh tế cũng như giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội và môi trường.

“Cần xác định mô hình nền kinh tế thị trường Việt Nam trên cơ sở điều chỉnh vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, quy mô, phạm vi, công cụ Nhà nước can thiệp vào thị trường, mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Cải cách kinh tế nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và áp dụng cơ chế thị trường đối với doanh nghiệp Nhà nước. Cần tạo tự do kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân và tăng hiệu quả của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, nghiên cứu đề xuất.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-con-thieu-niem-tin-o-nang-luc-cua-ban-than-va-moi-truong-kinh-doanh.html