Khu vực kinh tế chưa được quan sát: Cần xác định rõ mục tiêu

Liên quan đến đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trao đổi với ĐTTC, TS. VŨ ĐÌNH ÁNH (ảnh), chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải xác định mục tiêu cụ thể hơn nữa và cần có sự nhận diện, phân loại rõ ràng giữa các thành phần kinh tế khi thống kê.

PHÓNG VIÊN: - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Có những ý kiến cho rằng đây là việc làm hơi muộn khi nền kinh tế này ở Việt Nam đã phình to kể từ khi bắt đầu mở cửa. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS VŨ ĐÌNH ÁNH: - Tôi không cho rằng đó là muộn. Bởi lẽ khu vực kinh tế chưa được quan sát tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới, thậm chí có những nước có tỷ trọng rất lớn và vai trò của nó đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội không nhỏ.

Do đó, nếu đặt vấn đề sớm hay muộn khi tính toán và thống kê thành phần kinh tế này vào GDP, thực tế sẽ không có ý nghĩa gì cả. Vấn đề ở đây là hiện nay thống kê thành phần kinh tế chưa quan sát được là để nhằm mục tiêu cụ thể gì?

Theo tôi biết, trong đề án có nói đến mục tiêu nhưng rất chung chung, không nói rõ mục tiêu cụ thể. Khi không xác định rõ mục tiêu thì các biện pháp kỹ thuật sau đó được sử dụng và kết quả thu thập được cũng không mang nhiều ý nghĩa. Do đó, vấn đề tôi quan tâm nhất hiện nay là đề án cần phải xác định rõ mục tiêu, vì nếu mục tiêu đặt ra chung chung có thể khó nhận được sự ủng hộ của dư luận và các thành phần kinh tế, dẫn đến khó thực hiện.

- Thực tế cho thấy, hiện nay thành phần kinh tế chưa quan sát được chiếm tỷ trọng khá lớn. Theo ông, việc thống kê thành phần này có thể giúp cải thiện nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua chính sách thuế?

- Điều này sẽ phụ thuộc vào mục tiêu. Thí dụ hiện nay, chúng ta đặt ra vấn đề thống kê nhưng không đặt rõ mục tiêu cụ thể là nhằm để làm gì, tất nhiên dư luận có quyền nghi ngờ hoặc võ đoán ra các mục tiêu khác.

Điều này sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện các biện pháp khi thống kê. Bởi nếu thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát chỉ để nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách, chắc chắn sự hưởng ứng của các thành phần kinh tế trong xã hội đối với đề án sẽ bị giảm đi rất nhiều.

Do đó, vấn đề đặt ra cần làm rõ mục tiêu, như là góp phần vào một nền kinh tế công khai minh bạch, hoặc tạo ra một môi trường bình đẳng, góp tăng trưởng kinh tế, còn tăng thu ngân sách nên là một mục tiêu nhỏ trong số đó chứ không phải là mục tiêu chủ chốt.

- Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, vấn đề nợ công của Việt Nam đang ở tình trạng đáng lo ngại và đã sát trần. Vậy việc tính toán và thống kê thành phần kinh tế chưa quan sát được vào GDP có giúp làm giảm trần nợ công hiện nay?

- Sau khi thống kê thành phần kinh tế chưa được quan sát, rất có thể GDP sẽ lớn hơn. Nếu quy mô GDP lớn hơn thì tỷ lệ nợ công có thể giảm từ 64% xuống 61-62%. Nhưng nếu căn cứ vào đây để mà tiếp tục vay mượn nhiều hơn sẽ khiến nợ công tăng cao.

Cho nên vấn đề này cần được xem xét cẩn thận, vì liên quan đến khả năng trả nợ. Tôi cho rằng vấn đề nợ công sẽ càng trầm trọng hơn nếu việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát chỉ nhằm mục đích chính là tăng GDP, rồi từ đó tăng tổng nợ công. Biện pháp dài hạn vẫn phải là tái cơ cấu để có mô hình tăng trưởng tốt hơn, nâng cao sức cạnh tranh.

- Theo ông, cái khó nhất trong thống kê thành phần kinh tế chưa được quan sát là gì?

- Thành phần kinh tế chưa được quan sát tồn tại song song cùng với lịch sử. Nó tồn tại như một tất yếu khách quan, luôn chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như hiệu lực của hệ thống pháp luật ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Khu vực này đã trở thành bộ phận cấu thành của nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Việc người ta phát triển, phân loại và gọi các thành phần kinh tế chính thức hay phi chính thức là về sau này, còn trước đó hầu hết đều phi chính thức, chưa được quan sát. Nên vấn đề đặt ra ở đây là phải phân loại. Về tiêu chí phân loại, thứ nhất phải chia đều ra các khu vực, trong đó có những khu vực không thể quan sát được (như là khu vực tội phạm), cái này phải tách bạch hẳn ra.

Hai là khu vực kinh tế có thể quan sát được cũng cần phân loại tiếp, đó là khu vực quan sát được cần thống kê và khu vực không cần thống kê để tránh làm tổn phí nguồn lực dẫn đến không khả thi.

- Kinh tế chưa được quan sát hiện đang chiếm một tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nền kinh tế, kèm với đó là rất nhiều lao động và việc làm gắn liền với nó. Việc thực thống kê để “chính thức hóa” liệu có gây ra sự xáo trộn về lao động xã hội?

- Khu vực kinh tế chưa được quan sát có những đặc điểm như lao động có việc làm bấp bênh, không có hợp đồng lao động, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, không đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Do đó, để khắc phục những điểm yếu này cũng như tránh gây ra sự xáo trộn đáng kể, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm mở rộng sự bảo vệ đến nhóm lao động này.

- Xin cảm ơn ông.

Thực tế, chính sách dành cho khu vực kinh tế chưa được quan sát hiện đang phải đối mặt với một mâu thuẫn khó giải quyết, đó là liệu có nên hỗ trợ cho khu vực phi chính thức khi mà sự hỗ trợ đó có nguy cơ khiến cho khu vực này càng phình ra hay không, hoặc có nên thúc đẩy việc chuyển dịch khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để cải thiện năng suất và thu nhập, sau đó là đánh thuế các thu nhập đó.

Lưu Thủy (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/khu-vuc-kinh-te-chua-duoc-quan-sat-can-xac-dinh-ro-muc-tieu-65818.html