Khu trượt tuyết trên dãy Alps biến thành 'làng ma' vì biến đổi khí hậu

Nhiệt độ tăng lên trong khi mùa đông ngắn lại khiến các khu nghỉ dưỡng phục vụ du khách trượt tuyết trên đỉnh Alps ở Italy không thể hoạt động và bị bỏ hoang, không một bóng người.

 Khu nghỉ dưỡng Alpe Bianca ở thung lũng Lanzo, Piedmont chưa từng mở cửa phục vụ du khách sau khi các chủ đầu tư của dự án bị phá sản. Từ Piedmont đến Friuli, có hàng trăm khu trượt tuyết bị bỏ hoang trên dãy Alps ở phía Italy, với thống kê gần nhất là 186 khu vào năm 2011. Con số rất có thể đã tăng lên kể từ đó.

Khu nghỉ dưỡng Alpe Bianca ở thung lũng Lanzo, Piedmont chưa từng mở cửa phục vụ du khách sau khi các chủ đầu tư của dự án bị phá sản. Từ Piedmont đến Friuli, có hàng trăm khu trượt tuyết bị bỏ hoang trên dãy Alps ở phía Italy, với thống kê gần nhất là 186 khu vào năm 2011. Con số rất có thể đã tăng lên kể từ đó.

Mùa đông ấm hơn và thời gian tuyết rơi ngắn lại khiến cho các khu trượt tuyết, vốn đòi hỏi kinh phí đầu tư và vận hành cực lớn, không thể có lãi khi chỉ hoạt động khoảng 20 ngày trong năm. Điều này dẫn đến sự thất bại của những khu trượt tuyết vừa và nhỏ, khiến chúng bị bỏ hoang trên đỉnh núi.

Bốn năm vừa qua đều là những năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận, và những khu vực núi cao thì luôn dễ bị ảnh hưởng hơn khi nhiệt độ tăng lên. Nếu nhiệt độ tăng lên 1 độ C dưới đồng bằng, nhiệt độ trên khu vực dãy Alps sẽ tăng lên 2 độ. Các nhà khoa học tại Đại học ETH Zurich dự đoán nhiệt độ sẽ tăng từ 2,5 đến 4,5 độ C vào năm 2050 ở Thụy Sĩ, điều có thể dẫn tới một tương lai tối tăm cho ngành du lịch trên dãy Alps.

Với dự báo như vậy, những khu trượt tuyết ở độ cao thấp được cho là sẽ không thể hoạt động, và những khu khác sẽ bắt buộc phải bổ sung tuyết nhân tạo - mặc dù quá trình này sẽ lại gây hại cho môi trường - và không thể là một giải pháp bền vững. Mỗi m3 tuyết nhân tạo có giá từ 3-5 euro, và kinh phí sản xuất tuyết nhân tạo cho các khu trượt tuyết ở Italy có thể lên tới nửa tỷ euro/năm.

Nhiếp ảnh gia Tomaso Clavario đã đi quanh dãy Alps ở Italy trong vòng 6 năm qua để ghi lại những hình ảnh về sự thay đổi của phong cảnh, đặc biệt là sự xuất hiện của những khu trượt tuyết bị bỏ hoang, và thấy rõ hậu quả của biến đổi khí hậu. Kể từ năm 1960, số ngày có tuyết trung bình hàng năm đã giảm đi 38 ngày.

Nhiều khu trượt tuyết bị bỏ hoang, với những thiết bị và dụng cụ bị bỏ lại mà không được chăm sóc hay bảo dưỡng. Điều này cũng dẫn tới một thiệt thòi khác cho khách du lịch: do thiếu nguồn cung, giá tiền mà họ phải bỏ ra để đi trượt tuyết đã tăng lên gấp nhiều lần.

Những chiếc ghế cáp treo đưa du khách lên đến đỉnh đường trượt tuyết, nay bị xếp đống và chỉ có thể sử dụng làm phế liệu ở khu nghỉ dưỡng Recoaro Mille, nay đã bị bỏ hoang.

Việc không thể hoạt động phục vụ khách du lịch khiến cho nhiều người dân ở đây cũng phải rời đi để kiếm sống. Giá bất động sản nghỉ dưỡng ở một số khu vực thấp hơn của dãy Alps đã giảm nhiều lần so với cách đây 30 năm, nhưng hầu như không có người mua.

Các nhà khoa học dự báo nếu tốc độ gia tăng khí thải nhà kính vẫn tiếp tục như hiện tại, dãy Alps sẽ mất đi 90% băng tuyết vào năm 2100, điều sẽ khiến ngành du lịch phục vụ trượt tuyết bị xóa sổ.

Sơn Trần
(Ảnh: Tomaso Clavarino/The Guardian)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/khu-truot-tuyet-tren-day-alps-bien-thanh-lang-ma-vi-bien-doi-khi-hau-post1025699.html