Khu tập thể xuống cấp trầm trọng: Người dân biết chờ đến bao giờ?

Tại Hà Nội, nhiều khu nhà tập thể đang xuống cấp trầm trọng. Sống trong cảnh 'chờ sập', nhiều người dân lo sợ.

Theo số liệu thống kê của sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.

Theo số liệu thống kê của sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.

Thực tế, công tác cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ đã được Hà Nội triển khai từ lâu, song đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn khi chỉ 1% trong tổng số 1.500 chung cư, tập thể cũ được cải tạo sau 20 năm thực hiện kế hoạch.

Việc di dời ra khỏi những căn nhà đang xuống cấp trầm trọng thuộc mức độ D (cấp nguy hiểm cao nhất) đã được cư dân C8 (Giảng Võ, Ba Đình) chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án từ lâu, nhưng việc di dời này cụ thể vào thời điểm nào vẫn là chưa có lời giải đáp.

Ông Nguyễn Văn Thu ở khu tập thể C8 Giảng Võ cho biết, người dân hiện đã đồng thuận đến 86% về việc chấp nhận di dời khỏi nhà tập thể cũ. Tuy nhiên sau nhiều năm chờ đợi chỉ đạo của thành phố xét quy hoạch tổng thể nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả.

“Một số người dân còn lại không đồng tình vì chưa có lộ trình rõ ràng như xây dựng cụ thể thời gian nào để người dân biết. Chủ đầu tư rất thiết tha làm, dân đồng thuận nhưng tới nay chưa có kế hoạch gì”, ông Đông (54 tuổi, sống hơn 40 năm tại khu tập thể C8) cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1955) là một cán bộ về hưu, đã sống tại khu tập thể cũ C8 Giảng Võ trong nhiều năm. Nói về thực trạng xuống cấp của khu tập thể C8, bà Hà chỉ nói rất ngắn gọn kèm tiếng thở dài: “Nhiều lần chúng tôi nghe tin nơi này sẽ được tu sửa, thậm chí là xây mới nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ thông tin và chưa có hành động cụ thể nào. Chờ đợi Thành phố trong nhiều năm dài nên người dân cũng không còn quá quan tâm nữa”.

Khu vực cầu thang bộ nối từ tầng 1 lên tầng 5 có dấu hiệu tách rời nhau, gây nguy hiểm đến toàn bộ kết cấu khu tập thể nên được chống bằng khung giàn giáo bằng sắt.

Phía sau mảng tường được khung sắt chống đỡ, những mảng vữa dày luôn chờ chực rơi xuống bất kỳ lúc nào.

Người dân tận dụng các tấm nhựa để che mưa, che nắng trên các "chuồng cọp" cơi nới thêm một phần tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm.

Hiện có 135 hộ dân đang sinh sống tại khu C8.

Đa số người dân tận dụng, cơi nới thêm"chuồng cọp" tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Khu nhà G6A nằm trên mặt đường Nguyên Hồng, phường Thành Công được đưa vào sử dụng từ năm 1987. Theo quan sát, nhiều chỗ của khu nhà đã bị nghiêng, tạo thành khe hở chữ V và bong tróc nhiều mảng bê tông.

Xuất hiện nhiều mảng vữa đã rơi còn để lại dấu vết, theo thời gian bức tường cũng đã mọc rêu.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND các quận Ba Đình, Đống Đa khẩn trương hoàn thành di dời người dân, tài sản ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D (cấp nguy hiểm cao nhất) trên địa bàn. UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, phân loại và lập danh mục tập thể cũ; hướng dẫn các chủ sở hữu, chủ sử dụng sửa chữa, bảo trì theo quy định và tổ chức di dời, tạm cư đối với các nhà nguy hiểm trên địa bàn do mình quản lý.

Kế hoạch này khiến người dân hết sức mong mỏi TP.Hà Nội sớm có chính sách toàn diện và những chỉ đạo quyết liệt hơn để các dự án cải tạo tập thể cũ trên địa bàn TP được nhanh chóng triển khai, bảo đảm có chỗ ăn ở, sinh hoạt ổn định, an toàn đồng thời làm đẹp diện mạo đô thị của Thủ đô.

Bên cạnh khu C8 và G6A, khu tập thể Huỳnh Thúc Kháng, khu tập thể cũ ở số 60 Thổ Quan thuộc quận Đống Đa, cũng đang được UBND TP Hà Nội “thúc” triển khai xây dựng lại do nơi đây chung tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Phạm Trọng Tùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khu-tap-the-xuong-cap-tram-trong-nguoi-dan-biet-cho-den-bao-gio-a518115.html