Khu tái định cư tại TP.HCM 'vừa thừa vừa thiếu'

Quỹ nhà tái định cư của TP.HCM liên quan đến vấn đề quy hoạch, sự đồng bộ phù hợp của quy hoạch và nhiều khi không đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Sáng nay (11/9), HĐND TP.HCM tổ chức Chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 9/2022 với chủ đề: “Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố”. Tham dự có lãnh đạo HĐND TP, UBND TP.HCM và các quận huyện, các Sở, ngành, cử tri trên địa bàn.

Nhiều lượt ý kiến trực tiếp tại chương trình cũng như trên các nền tảng số, quan tâm đến các vấn đề như giá đất bồi thường, việc tái định cư; công tác hỗ trợ dạy nghề - học nghề, hỗ trợ vay, thuê nhà; việc bồi thường đất ở cho các trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp; công tác điều tra xã hội học về tái định cư, công tác bố trí kinh phí bồi thường thực hiện ra sao. Công tác bảo trì, tình trạng hư hỏng nhà tái định cư, việc hỗ trợ người dân các thủ tục giấy tờ khi hiến đất mở hẻm thế nào...

Chương trình có sự tham dự của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Chương trình có sự tham dự của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

TS. Nguyễn Thị Anh, Phó Trưởng Khoa Luật, trường Kinh tế- Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM đặt vấn đề thực trạng vừa thừa vừa thiếu căn hộ tái định cư, khi có những địa bàn không hề có khu tái định cư, còn có những địa bàn rất nhiều khu tái định cư nhưng người dân lại không đồng ý đến nhận.

“Nhiều khu tái định cư có vị trí xa khu vực cũ; người dân không hài lòng về chất lượng căn hộ hoặc người dân cũng không thể đủ tiền để thuê hoặc thuê mua căn hộ tại đó. Vậy nên thành phố cần có giải pháp để giải quyết tình trạng vừa thừa vừa thiếu căn hộ nền đất tái định cư hiện nay?”, TS. Nguyễn Thị Anh nêu vấn đề.

Tại chương trình, đại diện các sở ngành và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng có ý kiến giải đáp các khúc mắc. Trong đó, ông Phan Văn Mãi cho rằng hiện nay, việc bồi thường tái định cư tại TP.HCM đang có 4 vấn đề. Đó là vẫn còn khoảng cách giữa giá bồi thường - giá thị trường; bất cập quỹ đất, quỹ nhà trên địa bàn; công tác phối hợp chưa đồng bộ và thông tin minh bạch có lúc chưa tốt. Về vấn đề nhà ở tái định cư “vừa thừa vừa thiếu”.

“Vấn đề bất cập trong bố trí quỹ đất, quỹ nhà tái định cư liên quan đến vấn đề quy hoạch, sự đồng bộ phù hợp của quy hoạch và nhiều khi không đáp ứng được nguyện vọng của bà con. Từ quy hoạch, từ xây dựng hạ tầng, từ bố trí cho phù hợp với nguyện vọng, tức là sinh kế, học hành của bà con nên cần phải điều chỉnh để làm sao cho phù hợp nhất”, ông Phan Văn Mãi nói.

Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung góp ý sửa đổi Luật Đất đai, giải quyết các bất cập. Thành phố cụ thể hóa Nghị quyết 18, thu hẹp khoảng cách giữa giá đền bù và giá thị trường; làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đúng luật và đảm bảo nguyên tắc nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ thủ tục hành chính, cụ thể hóa chính sách đặc thù; làm tốt điều tra xã hội học, tìm hiểu nguyện vọng người dân; bố trí đủ nguồn vốn đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ. Thành phố cũng sẽ tập trung xử lý các tồn động cụ thể, tổ chức tiếp dân, thành lập các tổ công tác chuyên đề…

Lãnh đạo các sở ngành dự chương trình.

Kết luận chương trình, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố và các địa phương thực hiện tốt công tác phối hợp; tăng cường tuyên truyền pháp luật về đất đai để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về đất đai, đầy đủ chính xác; quan tâm chuyển đổi số, hoàn thiện dữ liệu, tăng cường quản lý hiệu quả công tác quy hoạch…Trong tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng, phải công khai minh bạch, điều tra xã hội học thực chất cả trước và sau khi đã tái định cư.

Thành phố cũng cần phải kiện toàn bộ máy, khắc phục các tồn tại. Trong mô hình hiến đất mở hẻm, cần chủ động hỗ trợ người dân trong hẻm làm lại giấy tờ. Với các dự án trọng điểm sắp tới như Vành đai 3, Rạch Xuyên Tâm…các sở ngành cần chủ động triển khai các công việc, làm việc với người dân, nắm rõ nhu cầu để có giải pháp phù hợp.

“UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phải có trách nhiệm nắm thật sát thật rõ từng trường hợp của hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trực tiếp xem xét nhu cầu và nguyện vọng của từng trường hợp để có giải pháp hỗ trợ, vận động phù hợp. Người dân đã hy sinh nơi ăn chốn ở của mình cho sự phát triển của thành phố, thì thành phố cũng phải đảm bảo người dân có cuộc sống tốt hơn”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ nói./.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bat-dong-san/khu-tai-dinh-cu-tai-tphcm-vua-thua-vua-thieu-post954999.vov