Khu rừng quý của những cựu chiến binh

Khu rừng cổ thụ này không chỉ là chứng tích lịch sử, mà còn là lá phổi xanh của khu vực miền Đông. Nó đang được những người lính già bảo vệ nghiêm ngặt.

 Vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường - Lê thị Hồng Tươi (thứ 2 và 3 từ trái qua) và tập thể những cựu chiến binh tham gia giữ rừng lịch sử B58. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường - Lê thị Hồng Tươi (thứ 2 và 3 từ trái qua) và tập thể những cựu chiến binh tham gia giữ rừng lịch sử B58. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đó là rừng chiến khu D, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Mã Đà, nằm trên địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước.

Những người lính ở “mặt trận” mới

Rừng chiến khu D nằm cách thị xã Đồng Xoài gần 30 cây số. Đường vào rừng đã trải nhựa phẳng lỳ, 2 bên là bạt ngàn nhũng vườn cao su, tiêu, xanh mướt.

Khu rừng lịch sử này được giao cho công ty B58, một đơn vị do cặp vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường - Lê thị Hồng Tươi đứng đầu, và các thành viên cũng là những cựu binh từng một thời sống dưới tán rừng, nhờ rừng che chở. Chính vì thế, họ coi rừng như một phần thân thể.

Do không hẹn trước, nên khi đến, chúng tôi không gặp được vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường - Lê thị Hồng Tươi. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút, có 2 người đàn ông đi vào.

Người đàn ông mặc đồng phục công an xã giới thiệu tên Đắc và cho biết: “Tôi là công an xã Tân Hòa, còn đây là bảo vệ rừng. Chúng tôi nghe báo có người lạ vào rừng nên đến kiểm tra”. Sau khi giới thiệu, tôi thắc mắc: “Trên đường vào, tôi có thấy ai đâu, sao các anh biết?”. Anh cười: “Không thế thì làm sao giữ rừng như thế này được”.

Sau khi trao đổi, xin phép ban lãnh đạo B58 qua điện thoại, chúng tôi theo chân anh Đắc đi theo lối mòn vào rừng.

Ngay đầu bìa rừng, một cây cây kơ nia cổ thụ, to đến 5 - 6 vòng tay người lớn, được “trưng dụng” làm bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. “Cây kơ nia này chưa to đâu, còn có cây đến 20 người ôm, nhưng ở sâu trong rừng”, anh Đắc nói.

Những gốc cây cổ thụ trong rừng Mã Đà. Ảnh: Phúc Lập.

Đang mùa mưa, khu rừng ẩm ướt, tầng lá mục dưới chân mềm như tấm nệm và mát rượi. Đi vào sâu chừng hơn chục phút, tận mắt thấy những thảm rừng còn nguyên vẹn, những cây cổ thụ cao đến vài chục mét, phải ngửa hết đầu ra sau mới thấy ngọn, chúng tôi “choáng ngợp”, quên cả việc quần áo ướt sũng vì nước mưa còn đọng lại trên cây rừng.

“Rừng này thuộc tiểu khu 379 Mã Đà, xưa là căn cứ cách mạng, là trụ sở của Bộ tư lệnh miền Đông, nơi nhiều lãnh đạo lão thành cách mạng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh… từng hoạt động. Cho nên, khu rừng này có giá trị rất lớn về lịch sử”, anh Đắc nói.

Trên đường, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Trí, nhân viên bảo vệ, anh nói: “Tôi làm bảo vệ ở đây được 7 năm rồi. Bây giờ tụi lâm tặc không dám bén mảng đến đây nữa, vì chú Trường, cô Tươi và các chú hội cựu chiến binh làm bài bản, như đánh trận ấy, nên tụi nó không làm gì được, không có cửa vào phá.

Vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường - Lê thị Hồng Tươi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Trí cho biết, xung quanh khu rừng có 6 chốt bảo vệ, 30 người tham gia bảo vệ rừng đều là cựu chiến binh, con em cựu chiến binh.

“Mấy năm đầu mới thành lập công ty, vất vả lắm, vì lâm tặc không còn đường kiếm cơm, chúng liên tục tìm cách vào rừng. Năm 2014, lâm tặc lẻn vào đánh dấu 60 cây lim, đã dọn gốc, đợi trời mưa sẽ vào cưa trộm, nhưng anh em phát hiện kịp thời.

Lần đó, chúng tôi tập trung hết lực lượng, đóng chốt tại chỗ 24/24 giờ để bảo vệ nên chúng không làm gì được. Khi không lọt qua chốt bảo vệ được, tụi nó gặp anh em bảo vệ mua chuộc bằng tiền. Nhưng tụi tôi đâu phải dễ mua”, anh Trí nói.

Hạnh phúc là thấy rừng xanh tươi

Do ở trong rừng, sóng điện thoại chập chờn nên sau nhiều lần liên lạc, tôi mới kết nối được với bà Tươi. Sau khi nghe giới thiệu, bà nói: “Vậy chú ở lán đợi tôi nửa tiếng”. Chưa đến nửa tiếng, bà Tươi đã có mặt.

Câu đầu tiên bà Tươi nói khi gặp mặt là: “Chú thấy thế nào?”. Tôi chưa kịp hiểu thì bà nói tiếp: “Khu rừng này trước đây do Ban liên lạc Khối tình báo B58 (Hội CCB TP.HCM) được giao quản lý và bảo vệ. Lúc đó công tác bảo vệ không được tốt lắm nên rừng cứ bị đám lâm tặc vào phá hoài. Tôi thấy xót nên đề nghị tỉnh Bình Phước giao cho vợ chồng tôi chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ”.

Những cây cổ thụ trong rừng Mã Đà. Ảnh: Phúc Lập.

Để có tư cách pháp nhân, tỉnh Bình Phước yêu cầu Ban liên lạc thành lập công ty. Và công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ B58 (công ty B58) ra đời, do vợ chồng bà Tươi đứng đầu. Năm 2010, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương cho công ty B58 tiếp tục thực hiện thỏa thuận, được nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng có từ thời tỉnh Sông Bé cũ và lập dự án Khu du lịch sinh thái lịch sử.

“Từ khi thành lập công ty B58, có người đứng ra chịu trách nhiệm thì công tác bảo vệ rừng đi vào nề nếp, bài bản, chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, công tác trồng, phát triển rừng cũng phát huy”, bà Tươi nói.

Từ khi nhận giữ rừng đến nay, công ty B58 chưa thu được bất cứ một chút nguồn lợi nào từ rừng. Trái lại, mỗi tháng vợ chồng bà Tươi phải bỏ ra cả trăm triệu chi phí các khoản. Toàn bộ kinh phí này đều là nguồn thu nhập riêng của gia đình.

“Tiền ai chẳng muốn, chỉ cần chặt một cây gỗ trong rừng ra bán là có cả trăm triệu đồng ngay, nhưng nếu biết nghĩ, để có một cây gỗ to như thế phải mất cả trăm năm. Chưa kể vấn đề sinh thái, biến đổi khí hậu. Tiền nào đánh đổi được? Hạnh phúc là thấy rừng được bảo vệ, luôn xanh tươi”, bà Tươi nói.

“Chúng tôi đều là những cựu chiến binh, từng vào sinh ra tử, từng được rừng che chở, nên trân trọng từng gốc cây, bụi cỏ trong rừng. Với khu rừng này lại càng đặc biệt hơn, vì là căn cứ cách mạng, là nơi ghi dấu nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng từng sống và làm việc. Đó là giá trị lịch sử.

Ngoài ra, khu rừng còn giá trị rất lớn về bảo tồn thiên nhiên. Chú nhìn xem, phải mất hàng trăm năm mới có những cây cổ thụ như thế này”, bà Tươi tâm sự.

Nói về việc bảo toàn nguyên vẹn cho khu rừng, bà Tươi kể: “Hồi mới nhận bảo vệ khu rừng này, chúng tôi giống như những người đã đạp đổ chén cơm của nhiều kẻ khác. Chính vì thế, họ hận tôi lắm. Một mặt bắn tin đe dọa, một mặt vẫn cứ tổ chức vào rừng khai thác với lực lượng hùng hậu hơn trước, để nếu gặp bảo vệ thì chống trả. Đã từng có bảo vệ của tôi bị đánh phải đi cấp cứu, chòi canh bị đập phá.

Tôi dành thời gian tìm hiểu từng đối tượng, sau đó tiếp cận, một mặt thuyết phục, phân tích cho họ hiểu, tư vấn họ tìm một nghề khác phù hợp để làm ăn. Tôi nói với họ rằng bây giờ rừng này không chỉ là cuộc sống của tôi mà còn là cuộc sống của cả cộng đồng, trong đó có các anh. Nếu các anh phá, tức là phá cuộc sống của tất cả.

Sau đó, tôi xây dựng mạng lưới tai mắt tại địa phương theo kiểu “cài răng lược”, tức là người này theo dõi người kia, kịp thời phát hiện những người “manh nha” ý đồ vào rừng kiếm chác để ngăn chặn. Cứ như thế, tình trạng phá rừng giảm dần, đến giờ thì dứt hẳn. Hiện nay, lực lượng bảo vệ rừng chỉ có 30 người, nhưng đố anh mang được gì trong rừng ra”.

Nắng cuối ngày còn gay gắt, nhưng dưới tán rừng B58, không một tia nắng lọt qua tán cây dày đặc. Không khí mát lạnh như đang ở một khu rừng nào đó tít trên dãy Trường Sơn.

Ngoài hàng trăm loại cây cổ thụ, năm 2014, rừng Mã Đà còn có 54 loài cây thuộc 13 loài được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Khu rừng hiện là “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử cho thế hệ sau.

Phúc Lập

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khu-rung-quy-cua-nhung-cuu-chien-binh-d274935.html