Khu phố Pháp ở Hà Nội: Bền vững với thời gian

Sự phát triển đô thị hóa mang lại nhiều thành công nhưng cũng bộc lộ nguy cơ mất dần những giá trị kiến trúc đô thị truyền thống, đặc trưng. Trong bối cảnh ấy, vấn đề cấp thiết là làm thế nào để Hà Nội phát triển hiện đại mà vẫn giữ được nét riêng?

Biệt thự xây theo kiến trúc Pháp còn sót lại ở Hà Nội

Biệt thự xây theo kiến trúc Pháp còn sót lại ở Hà Nội

Quy hoạch vị văn hóa

Nói về quy hoạch đô thị chính là nói về cấu trúc không gian đô thị (CTKGĐT). Nhiều kiến trúc sư (KTS) trong và ngoài nước đã thống nhất xác định CTKGĐT Hà Nội truyền thống được tạo nên bởi 5 thành phần đặc trưng: Dấu tích thành cổ; Khu phố thị truyền thống (khu phố cổ); Tổng thể di tích kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên độc đáo; Khu phố Pháp; Hệ thống làng truyền thống.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, nguyên giảng viên Trường ĐH Kiến trúc, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết: "Kiến trúc đô thị Pháp được hình thành từ Nhượng địa (1874), sau đó mở rộng đầu tiên ở khu vực thành Hà Nội và xung quanh hồ Hoàn Kiếm những năm 1884 – 1895 và cuối cùng, khu phố Pháp ở Hà Nội được định hình ở 2 khu vực phía Hoàng thành và phía Nam hồ Hoàn Kiếm. Sau đó, có 2 lần Hà Nội được quy hoạch bài bản.

Lần đầu do KTS Ernest Hebrard (năm 1924) và lần sau do KTS Louis Pineau (năm 1943). Đáng kể nhất là thiết kế sau đó, E. Hebrard đã định hình về cơ bản CTKGĐT Hà Nội trong những năm tiếp theo.

Đến với Hà Nội với tư cách là Giám đốc Sở Kiến trúc – Quy hoạch đầu tiên ở Đông Dương năm 1921, trong bối cảnh thuận lợi nhất định về chủ quan với những kinh nghiệm nghề nghiệp ở thuộc địa và khách quan về điều kiện chính trị, kinh tế của những năm 1920, khi người Pháp đã ổn định thuộc địa và thể hiện tham vọng khai thác lâu dài ở Đông Dương, KTS. E. Hebrard đã có nhiều thành công trong kiến trúc và quy hoạch đô thị tại Hà Nội.

Là người có tư tưởng sáng tạo, đổi mới, E. Hebrard đã vận dụng các kiến thức khoa học mới nhất lúc đó về đô thị để áp dụng tại các đô thị ở Đông Dương như: Đà Lạt, Phnom Penh, Viêng Chăn, Sài Gòn, Hà Nội... Bên cạnh những kiến thức đô thị mới, hiện đại, E. Hebrard còn rút kinh nghiệm thành công từ thực tế quy hoạch ở Đông Dương và của các KTS Pháp đã thực hiện trước đó.

Nói rộng ra như thế để thấy trong những năm đầu thế kỷ XX, quy hoạch đô thị Pháp cùng các KTS Pháp đã rất thành công. Riêng ở các thuộc địa của Pháp, bắt đầu từ Bắc Phi, quy hoạch cải tạo và mở rộng đô thị bản địa bộc lộ xu hướng chung là tạo điều kiện phát triển một đô thị kiểu Pháp hiện đại bên cạnh và hài hòa với đô thị truyền thống, bản xứ.

Trên thực tế, xây dựng Hà Nội những năm Pháp thuộc, có điều đặc biệt là trong các khu phố Pháp được xây dựng bài bản thuần túy theo quy hoạch phương Tây vẫn tồn tại những thành phần kiến trúc đô thị thuần phương Đông hay với ngôn ngữ kiến trúc kết hợp. Đó là xóm Hạ Hồi, Phố Huế, phố Bà Triệu... và khu phố công chức người Việt ở phía Nam.

Đa dạng về hình thái kiến trúc đô thị nhưng thống nhất trong cấu trúc không gian đô thị. Đó là thành công của phương thức quy hoạch kết hợp với quan điểm vị văn hóa địa phương. Mãi về sau này, trong những năm 1970, giới chuyên môn mới thống nhất xác định đây là xu hướng quy hoạch vị văn hóa (Thuật ngữ của F. Choay) bên cạnh xu hướng quy hoạch vị kỹ thuật vốn thịnh hành thời bấy giờ trên thế giới.

Kiến trúc tiêu biểu khu hồ Hoàn Kiếm

Trụ sở Bộ Tư pháp ngày nay – Một kiểu kiến trúc Trường Nữ học Pháp trước đây

Khu phố Pháp cũ thực chất là một đô thị được thiết kế và xây dựng dựa trên mô hình Phân vùng chức năng đô thị (zoning). Phương thức quy hoạch hiện đại này bắt đầu hình thành và nhanh chóng phổ biến ở Bắc Mỹ và châu Âu (Đô thị có thiết kế).

Khu phố Pháp hoàn toàn mới đối với Hà Nội. Thời bấy giờ, mô hình cấu trúc đô thị truyền thống phổ biến ở Hà Nội và cả châu Á nói chung là dựa trên cơ sở hỗn hợp chức năng (Đô thị không có thiết kế). Như vậy chính sự tập trung chức năng đô thị ở các khu vực riêng biệt, nhất là chức năng công cộng có mối quan hệ giao thông và không gian thuận tiện, hợp lý, trở thành yếu tố mới, làm tăng tính trung tâm và sức hút của đô thị, tạo các cực phát triển theo một đô thị hiện đại trong những năm sau.

Nói về kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, nguyên giảng viên Trường ĐH Kiến trúc, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết: “Hình thái đô thị mới thể hiện ở đường phố hình bàn cờ tạo thành các ô phố ngay ngắn được chuẩn bị trước về hạ tầng kỹ thuật, cây xanh và thiết bị đường phố.

Trên ô phố chia thành các lô đất. Công trình được phép xây dựng phải tuân theo chỉ giới và khoảng lùi thống nhất. Trong mạng đường phố, ngoài những đại lộ chính còn các ô phố (thường có hình dáng đặc biệt) dành làm vườn hoa thể hiện rõ đặc điểm quen thuộc của một đô thị Pháp, đặc biệt là các đô thị nhỏ.

Còn cách bố cục không gian các tổng thể kiến trúc đô thị, tùy theo chức năng có hình thức tổ chức riêng, nhưng thường phỏng theo ngôn ngữ quy hoạch cổ điển (Beaux – arts Paris); nhất là đối với các khu vực, các công trình công cộng lớn: Công trình chính là điểm nhấn của tổng thể, án ngữ trục đường, tầm nhìn nhằm nhấn mạnh và tôn thêm vẻ hoành tráng, quan trọng của công trình ở Hà Nội như: Phủ toàn quyền, Nhà thờ lớn, Nhà hát lớn, Tòa án, Đại học Việt Nam, Nhà ga đường sắt…

Cây xanh và mặt nước trong đô thị là những thành phần rất được chú trọng lựa chọn loại cây, cách bố cục… góp phần tạo nên đặc trưng của cảnh quan đô thị Hà Nội nhiệt đới. Vườn Bách thảo và không gian hồ Hoàn Kiếm là những điển hình: Mỗi đường phố quan trọng trồng một loại cây được lựa chọn hợp lý, như cây phượng trên phố Lý Thường Kiệt, cây bàng phố Tràng Thi, cây sấu phố Trần Hưng Đạo, hơn thế có phố như Phan Đình Phùng trên vỉa hè rộng được trồng 2 hàng cây rợp bóng mát… khắp Hà Nội cây xanh, mặt nước còn được dùng một cách tài tình làm không gian liên kết các hình thái kiến trúc đô thị gần nhau nhưng khác nhau”.

Kiến trúc khu hồ Hoàn Kiếm được các KTS người Pháp nghiên cứu quy hoạch rất kỹ, trong đó cây xanh và mặt nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Hình thái quy hoạch và kiến trúc ở 4 mặt hồ đều được chú ý với cách nhìn tổng thể về chức năng lẫn tỷ lệ không gian, đảm bảo sự chuyển tiếp hài hòa giữa các hình thái kiến trúc khác nhau.

Đó là việc sử dụng yếu tố cảnh quan thiên nhiên: Mặt nước, cây xanh làm thành phần liên kết các hình thái không gian đô thị khác nhau là bài học có giá trị kinh điển. Điều đó càng cho thấy, phong cách kiến trúc Pháp luôn có những nét đặc trưng, tinh tế và sang trọng. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, các con phố Pháp ở Hà Nội vẫn giữ nguyên vẻ đẹp đó.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/khu-pho-phap-o-ha-noi-ben-vung-voi-thoi-gian-3962580-b.html